Nhật ký hành trình EURO 2024: Trong những tiếng ầm vang của Signal Iduna Park
Có một cảm giác thật sự thích thú khi theo chân các CĐV Thổ Nhĩ Kỳ và Bồ Đào Nha đi bộ từ ga Dortmund đến sân Signal Iduna Park. 3km ấy là một hành trình tuyệt vời, khi màu đỏ của lá cờ Thổ Nhĩ Kỳ trở thành màu chủ đạo đầy ấn tượng.
Họ đi và họ hát, tiếng hát vang khắp các phố của thành phố màu vàng. Họ đông lắm, không chỉ đi bộ mà còn đi xe hơi. Cuộc đi bộ ấy giống một cuộc hành hương về thánh địa bóng đá, nơi mà người ta mong chờ chiến thắng và những niềm vui, như một cuộc biểu dương lực lượng của những người hâm mộ đội tuyển có số fan đông thứ hai EURO, chỉ sau nước chủ nhà Đức.
Có vài triệu người Đức gốc Thổ cũng như người Thổ sống ở Đức, và như thế, Thổ Nhĩ Kỳ được thi đấu không khác gì trên sân nhà của họ. Họ hát trên những đường phố các bài hát truyền thống của cố hương một cách hoàn toàn tự nhiên và vui vẻ. Họ lái xe trên những con phố, cửa kính mở toang và loa bật ầm ỹ, phấp phới những người thò tay ra cầm những lá cờ đỏ. Họ đã xuống đường ăn mừng trên nhiều thành phố của Đức sau chiến thắng Georgia 3-1 ở lượt trận đầu tiên. Họ tôn thờ một thần tượng mới có tên Arda Guler, chàng trai sinh năm 2005 đã làm những trái tim Thổ Nhĩ Kỳ thổn thức bằng một bàn thắng để đời vào lưới Georgia. Những con đường Dortmund tràn ngập tên Arda Guler, với số 8 trên lưng trong màu áo đội tuyển quốc gia và số 24 ở Real Madrid. Tôi đã thấy những ông bố cho con ngồi lên cổ và cả hai cùng mặc số áo ấy.
Arda Guler có nhiều hơn nữa khi sân đã ở phía trước, và rồi khi tất cả bước vào phía trước sân, cả một biển Arda Guler xuất hiện trước mặt, một câu trả lời cho hàng biết bao những số 7 trên lưng các cổ động viên Bồ Đào Nha. Đó là số 7 với mẫu áo MU nhiều năm trước, là số 17 khi anh lần đầu đá EURO 20 năm trước, là số 7 trên áo Real Madrid, số 7 trên áo Juventus và thấp thoáng những áo vàng mang số 7 của Al-Nassr. Thổ Nhĩ Kỳ-Bồ Đào Nha bỗng nhiên trở thành một cuộc đối đầu của một thế hệ trẻ đầy tài năng đang lên với một siêu sao đang chơi giải đấu lớn cuối cùng trong sự nghiệp của mình. Thổ Nhĩ Kỳ có Guler và Kenan Yildiz năm nay 19 tuổi, trong khi Ronaldo đã 39 tuổi, còn Pepe đã ở tuổi 41.
Sân đã ở trước mặt, và nghe rõ hơn nữa tiếng hát, lần này không chỉ của các cổ động viên mà còn cả một ca sĩ đang hát trên một chiếc xe bus hai tầng. Thế rồi vang tiếng pháo và bỗng nhiên tất cả gào lên sung sướng và phấn khích khi họ nhìn thấy xe bus chở đội tuyển Thổ Nhĩ Kỳ đang đến sân. Khi tất cả đã ở trong sân, sự áp đảo của các cổ động viên Thổ Nhĩ Kỳ còn lớn hơn nữa.
Dưới cái nắng đã lên ở Dortmund, những lá cờ đỏ phấp phới trên khán đài chật kín người Thổ Nhĩ Kỳ phấp phơi bay thật đẹp. Họ ở khắp mọi nơi trên các khán đài, say sưa hát vang khi đội tuyển nhà khởi động, họ thét vang khi đội hình xuất phát được đọc lên trên loa, họ huýt sáo la ó khi Ronaldo được đọc tên. Thế rồi, tất cả chìm trong phấn khích khi trái bóng bắt đầu lăn. Signal Iduna Park như rung chuyển trong những cơn cuồng nộ của một bức tường màu đò tràn ngập các khán đài. Thế rồi những bàn thua đầu tiên đến, đẩy họ vào cú sốc. Bàn thua thứ 3 đến khi hiệp 2 chỉ bắt đầu được vài phút. Trên khán đài, tiếng hát bỗng dường như nhỏ lại. Một nỗi thất vọng lớn lao bao trùm tất cả. Họ đến đây để chờ chiến thắng, nhưng họ lại ra về hoàn toàn trắng tay.
Kết trận, họ toả đi khắp nơi, chủ yếu là về nhà ga Dortmund, lần này không giống như một cuộc hành hương mà hệt như đang đi trên con đường khổ nạn sau một thất bại quá nặng nề. Những con đường của Dortmund ngập một màu đỏ yên ắng làm nền cho một cuộc diễu hành chiến thắng của những người Bồ Đào Nha.