Nhật ký hành trình EURO 2024: Ở Hamburg, người ta phát khùng vì anh, Ronaldo
Người phục vụ bàn có tên Paulo quắc mắt nhìn tôi khi tôi hỏi ông là ông nghĩ sao nếu nhiều người nói, liệu Cristiano Ronaldo có mặt ở EURO 2024 này là vì tên tuổi của anh, chứ không vì điều gì khác nữa, vì anh đã 39 tuổi.
Đặt rổ bánh mì xuống một cách bực dọc, ông gắt lên: "Những kẻ nói vậy là một lũ ngu ngốc. Ronaldo xứng đáng được đến EURO là vì anh ấy là thiên tài, là thủ lĩnh của chúng tôi, chứ không phải là vì anh ấy là ông nọ ông kia không chịu về hưu". Nói xong, ông bỏ đi, không quan tâm tôi nghĩ gì.
Tôi bật cười trước thái độ ấy của người phục vụ trung niên. Quán có tên NAU này là một trong những quán ăn Bồ Đào Nha ở bên rìa khu Saint Pauli nổi tiếng của Hamburg, thành phố cảng lớn nhất nước Đức và là đô thị lớn thứ hai sau Berlin. Những người phục vụ ở đây đều già và có vẻ cau có, dù bộ áo thi đấu của đội tuyển Bồ Đào Nha trên người họ không có vẻ gì là đồ fake. Một người phục vụ nhìn mặt dễ gần hơn, có lẽ được Paulo bảo mang đồ ăn ra cho tôi mà ông không ra, chắc là dỗi. Đó là một đĩa cá tuyết làm theo kiểu truyền thống Bồ Đào Nha mà tôi đã rất mê sau khi đã ăn trong một lần đến Lisbon. Ông này bảo, nhiều người Bồ Đào Nha sẽ nổi khùng lên nếu ai đó nói gì họ không ưa về Ronaldo. "Tại sao?", tôi hỏi. Ông này bắt đầu mất bình tĩnh: "Anh có muốn tôi cáu như Paulo không?".
Có vẻ như nhiều người Bồ Đào Nha cảm thấy có một sự chế giễu hay thiếu tôn trọng nào đó với thần tượng là siêu sao và là một kiểu thánh sống, một người hùng với trái bóng của dân tộc. Họ có cảm tưởng người hùng ấy bị đánh giá không đúng mức chỉ vì đã rời châu Âu sang Saudi Arabia thi đấu. Cuộc trò chuyện ấy diễn ra khi trận đấu giữa Bồ Đào Nha và Czech sắp bắt đầu. Nhưng từ chiều, trong tiết trời ẩm ương khi bắt đầu mưa lướt thướt làm Hamburg trở nên ướt át và xám xịt, khu phố Bồ Đào Nha, như người ta gọi cái khu khá đẹp gần cảng Hamburg này, nơi những người Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đến nơi này lập nghiệp những năm 1960, đã treo cờ Bồ Đào Nha. Những người phục vụ bàn thì chải chuốt và xức nước hoa thơm nức mũi, mặc lên người áo đấu Bồ Đào Nha và chờ khách đến. Những người Bồ Đào Nha ở Hamburg xuất hiện, cũng mặc áo đấu của đội. Những thực khách người Đức hoặc nước ngoài cũng tới, ngồi chật kín bên trong những quán đã bật sẵn tivi.
Thế rồi, vang khắp phố là tiếng những người Đức gốc Bồ Đào Nha hát quốc ca Bồ Đào Nha. Lần đầu tiên tôi nghe họ hát quốc ca hay đến thế, hào hùng đến thế, trong cơn mưa rả rích. Ở quán đối diện, trong một quán ăn có tên Lisbon - như thể để đối lập với quán tên Porto tôi đang ngồi, họ còn hát to hơn. Thế rồi bóng lăn và cả khu phố trở thành một khán đài sân vận động, khi các thực khách trở thành những cổ động viên quá khích. Họ cũng hò hét, thậm chí gào thét náo loạn hết cả, rồi bỗng nhiên trùng xuống khi Czech ghi bàn mở tỉ số. Bầu không khí sau đó giống như một đám tang. Tôi nín thở gọi thêm li vang trắng để uống dù phần cá đã hết từ lâu. Tôi muốn chứng kiến nốt tấn bi hoặc sử thi nào đó có thể xảy ra.
Nó đã xảy ra, nhưng không có tên của Ronaldo. Khu phố đã như phát điên khi Bồ Đào Nha gỡ hoà 1-1 từ một pha phản lưới nhà và sự hồi hộp, căng thẳng đến tột cùng chấm dứt ở những phút cuối khi Francisco Conceicao ghi bàn. Chiến thắng lẽ ra không đến mức nghẹt thở như thế nếu Ronaldo toả sáng và ghi bàn. Ông già Paulo lúc ấy mới đi ra, mặt giãn ra và có vẻ hiền lành khó tả. Bây giờ ông mới nở nụ cười: "Ronaldo chắc chắn sẽ ghi bàn thôi. Anh ấy chính là linh hồn của chiến thắng".
OK, tôi hiểu rồi, dù Ronaldo có ghi bàn hay không ghi bàn, đừng nói gì khiến người Bồ Đào Nha khó chịu…