Nhật ký hành trình: “Thương nhớ” thời Đông Đức
Bảo tàng ấy nằm ở một nơi rất đẹp tại trung tâm Berlin, ngay bên sông Spree, tựa như bạn có thể vừa đi du ngoạn trên sông để ngắm thủ đô nước Đức từ trên dòng nước và rồi, trong chuyến đi ấy, bạn băn khoăn suy nghĩ về quá khứ của nước Đức, một nước Đức chia cắt bởi chiến tranh, và rồi khi lên bờ, đập ngay vào mắt bạn là một bảo tàng đáp ứng đúng sự tò mò ấy.
Là một trong những bảo tàng có nhiều người viếng thăm nhất ở Berlin, bảo tàng thời Đông Đức (DDR museum) không lớn, nhưng đề cập tới hầu hết các vấn đề của cuộc sống ở Đông Đức trong thời gian là một quốc gia thuộc khối XHCN sau Thế chiến II cho đến khi bức tường Berlin sụp đổ (năm 1989) và nước Đức thống nhất (năm 1990). Sự tồn tại trong 41 năm của nó được thể hiện qua một loạt những đồ vật mang tính biểu tượng, như chiếc xe ô tô Trabant nổi tiếng được lấy cảm hứng từ vệ tinh Sputnik của Liên Xô, được sản xuất đại trà từ 1957 đến 1991, với 3,7 triệu chiếc xuất xưởng; như các loại quần áo thời đó hay một căn phòng nhỏ mô phỏng phòng ngủ của thời đó; hay như rất nhiều các khẩu hiệu, biểu ngữ, những bức tượng Karl Marx và Lenin.
Có cả máy ảnh Pratika và phim đen trắng Orwo huyền thoại. Có rất nhiều chủ đề liên quan đến các trưng bày, từ cuộc sống, kinh tế, xã hội, chính trị, thời trang, phim ảnh cho đến cả những thiết bị nghe trộm của cơ quan an ninh khét tiếng một thời của nhà nước (Stasi). Bên ngoài bảo tàng là một cửa hàng lưu niệm nhỏ bán rất nhiều điều thú vị, từ những chiếc cốc uống nước in hình nụ hôn của hai lãnh tụ Leonid Brezhnev và Erich Honecker, những miếng dán tủ lạnh có quốc huy của Đông Đức hay những cuốn sổ thực đơn đồ ăn hàng ngày ở đó, giúp chúng ta hình dung ra ngày đó người Đông Đức ăn gì. Có cả những miếng bê tông được đóng trong thuỷ tinh, ghi ở ngoài là "bức tường Berlin", bán với giá 14,95 euro (xấp xỉ 400 nghìn đồng VN).
Trên thực tế, bảo tàng này ra đời năm 2006 sau khi một nhà dân tộc học có tên Peter Kenzelmann từ thành phố quê hương Freiburg ở miền Nam Đức tới Berlin và hoài công không tìm thấy một bảo tàng nào về một thời kỳ lịch sử nước bị chia cắt sau Thế chiến II. Bằng việc kêu gọi quyên góp và sưu tập cũng như mua lại các đồ vật của nhiều gia đình Đông Đức, bảo tàng của anh đã có hơn 300 nghìn hiện vật và còn đang tiếp tục tăng lên. Một bảo tàng tư nhân về Đông Đức, vậy thì nước Đức hiện tại không cần ghi nhớ những gì liên quan đến một vùng lãnh thổ đầy kỉ niệm của họ trong quá khứ? Ngay bên sông Spree, rất gần một đoạn nổi tiếng của Bức tường Berlin là bảo tàng có tên "Bức tường". Nó được chính nguyên Tổng bí thư ĐCS Liên Xô Mikhail Gorbachev phát biểu khánh thành tháng 11/2014, nhân kỉ niệm 25 năm ngày Bức tường Berlin sụp đổ.
Bảo tàng kể lại một phần lịch sử đau buồn vì chia cắt của Berlin từ tháng 8/1961, khi bức tường được dựng lên để ngăn chặn dòng người từ Đông Đức sang Tây Đức qua ngả Berlin ngày càng tăng, cho đến khi nó bị đập đổ tháng 11/1989. Đó là những câu chuyện về cuộc sống của người dân đã bị tác động thế nào hai bên phía bức tường, về những căng thẳng Đông-Tây trong suốt 27 năm chia cắt Berlin, về những cái chết của hơn 200 người đã tìm cách vượt từ phía Đông sang phía Tây. Berlin không quên, nước Đức cũng không quên. Bởi trên hàng rào của một công viên chạy từ cổng Brandenburg đến nhà Quốc hội Đức, là hình ảnh của hơn 10 người đã chết trong giai đoạn đó, theo các cách khác nhau, như Ida Siekamann, người đã nhảy từ cửa sổ ở phía Đông để sang phía Tây vài ngày sau khi bức tường được dựng lên, là nạn nhân đầu tiên, hay bị bắn như Heinz Sokolowski vào năm 1965. Đài tưởng niệm giản dị ấy được dựng lên đúng ở vị trí mà đa phần các nạn nhân đã chết.
Berlin dày đặc những đài tưởng niệm, những bảo tàng, những cột thông tin trên phố, ở một nơi nào đó đã có một sự kiện lịch sử xảy ra, chủ yếu là các sự kiện liên quan đến Đức quốc xã trước và trong Thế chiến II và các hồi ức về một bức tường không còn tồn tại. Không hẳn là để thương nhớ hay hoài niệm về chúng, mà để ghi nhớ mãi rằng, đó là một phần lịch sử tạo nên Berlin nói riêng và nước Đức hôm nay.
A.N