Tương lai nào cho các đào nương trẻ?
Từ hơn một năm nay, CLB Ca trù Thăng Long cố gắng duy trì buổi diễn tái hiện lễ hát Cửa Đình diễn ra vào tối thứ Bảy đầu tiên hàng tháng tại đình Cống Vị. Trong đêm diễn, khán giả sẽ được thưởng lãm thức dàn Bát Âm múa Dồn Đại Thạch, Hát giai và Hát thẻ... vô cùng đặc sắc dành riêng cho thể thức hát Cửa Đình, hoàn toàn miễn phí. Những tưởng đây sẽ là một điểm thu hút sự quan tâm và yêu mến của nhiều người, thế nhưng thực tế tại mỗi buổi diễn, số khán giả chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đáng buồn hơn, mới đây, ngay trong buổi lễ Hát thờ chào mừng sự kiện Ca trù vinh danh thế giới 4/10/2009, các nhà chức trách sở tại đã lập biên bản không cho CLB sinh hoạt ở đó nữa. Dù đã hoạt động liên tục ở đình Cống Vị một năm nay, nhưng lý do các nhà chức trách đưa ra là CLB Ca trù Thăng Long không có giấy phép biểu diễn...!
Đào nương trẻ Nguyễn Như Mai.
Ảnh: Công Khanh |
Bấy lâu nay, các cuộc liên hoan dân ca toàn quốc, các chương trình biểu diễn nghệ thuật dân tộc, rồi việc lập hồ sơ di sản đệ trình UNESCO... đều là những hình thức quảng bá âm nhạc cổ truyền rất tốt. Tuy nhiên, mọi cố gắng quảng bá dường như chưa đem lại kết quả mong muốn. Trong bối cảnh đó, một nơi sinh hoạt thường xuyên như Ca trù Thăng Long xem ra là địa điểm hữu ích để truyền bá các giá trị tinh hoa của cổ nhạc. CLB đã tìm rất nhiều cách để quảng bá cho các buổi diễn trong khả năng của mình như gửi giấy mời trực tiếp hoặc qua email cho những người đã từng đến nghe hay thông báo tại các mạng xã hội trên internet v.v... nhưng các buổi sinh hoạt thường hiếm khi đông khách.
Theo Vũ Thùy Linh, đào nương trẻ của CLB, mặc dù các buổi biểu diễn được tổ chức quy củ và sinh động, lại diễn ra miễn phí trong không gian sống động là đình Cống Vị, song phần lớn khán giả chỉ đến xem một lần rồi đi, phải rất lâu sau mới quay trở lại. “Nhiều người cho rằng cổ nhạc xưa và lỗi thời nên không thích chăng?”, Linh thắc mắc. Một đào nương trẻ khác là Nguyễn Như Mai cho biết, khách đến xem đều nói rằng do không hiểu làn điệu nên họ thấy các bài ca đều giống nhau, thành thử cảm thấy khó yêu thích.
Chị Phạm Thị Huệ, chủ nhiệm CLB lại cho rằng: “Thu hút giới trẻ đến với âm nhạc cổ truyền là chuyện về lâu về dài. Việc giúp các nhóm bảo lưu cổ nhạc mới là chuyện trước mắt”. Theo chị, nếu các tổ chức hoặc công ty lữ hành liên hệ để giúp Ca trù Thăng Long trở thành một địa chỉ du lịch văn hóa thì bài toán “vắng khách” sẽ được giải. Tuy nhiên, đó là việc nằm ngoài khả năng của nhóm nghệ nhân nếu không được sự chủ động giúp đỡ từ bên ngoài. “Từ giờ đến lúc đó, chúng tôi chỉ còn biết hi vọng và tự kiếm sống để giữ lấy nghề”, chị Huệ chia sẻ.
Nỗi lo của các đào nương
Là thế hệ thứ ba của Ca trù Thăng Long, nhóm đào nương trẻ gồm tám người đều được hai nghệ nhân dân gian lão thành Nguyễn Thị Chúc, Nguyễn Phú Đẹ (đời thứ nhất) và đào nương, đào đàn Phạm Thị Huệ (đời thứ hai) trực tiếp rèn rũa. Mặc dù đang theo học tại Nhạc viện Hà Nội, song các em đều dành thời gian và tâm huyết rất lớn cho Ca trù. Thành quả này được thể hiện rõ qua sự khâm phục của khán thính giả đến xem nhóm biểu diễn.
Do còn đi học, gánh nặng chi tiêu của các em được gia đình san sẻ nên việc biểu diễn ca trù miễn phí của nhóm chưa thành vấn đề lớn. Song, khi ra trường, trước mối lo cơm, áo, gạo, tiền, những đào nương trẻ này liệu có tránh khỏi đắn đo suy nghĩ?
“Lắm lúc em bi quan. Không có gì bạc hơn nghệ thuật. Những người ngoại tỉnh như em muốn tìm được một công việc tốt tại Hà Nội để từ đó trụ lại với nghề rất khó.”, Vũ Thùy Linh không giấu nỗi băn khoăn của mình. Đào nương trẻ Nguyễn Lệ Nhật ít lo lắng hơn, song vẫn thừa nhận: “Gia đình em đều làm nghề nông nên ai cũng muốn cô con gái lên Hà Nội học sau này có công việc ổn định”.
Trước đây Ca trù Thăng Long từng nhận được sự quan tâm của Qũy Ford (hiện Quỹ này đã đóng cửa văn phòng tại Việt Nam) nhưng giờ chủ yếu chỉ dựa vào sự hảo tâm của những người yêu Ca trù. Rất may, đình Cống Vị cho phép nhóm biểu diễn không thu tiền địa điểm nên đến nay sinh hoạt vẫn được duy trì. Tuy nhiên, để các đào nương đeo đuổi nghiệp Ca trù thì bấy nhiêu không đủ. Thành viên khác của nhóm là đào nương Kim Ngọc, con gái út của danh cầm cổ nhạc Kim Sinh tâm sự: “Mong ước thực sự của mình là được nối nghiệp cha đi theo cổ nhạc. Nhưng mọi người cứ quay lưng mãi thì bọn mình sẽ rất nản. Con ngựa chạy mãi cũng chồn chân”.
Trăn trở về điều này, chị Huệ, chủ nhiệm CLB luôn tìm cách đổi mới các tiết mục, năng liên hệ và quảng bá để tạo điều kiện cho nhóm đi biểu diễn ở nhiều nơi. Theo chị, trước mắt nhóm sẽ tập trung rèn luyện nâng cao ngón nghề vì ca trù là môn nghệ thuật rất khó. “Ngày hôm nay phải hơn ngày hôm qua và ngày mai sẽ hơn ngày hôm nay”, chị luôn tâm niệm lời dặn của GS. Trần Văn Khê trong bức thư gửi nhóm cách đây không lâu.
Hiện việc cố gắng duy trì canh hát Ca trù để trở thành sinh hoạt quen thuộc với người Hà Nội là nhiệm vụ hàng đầu của CLB. Tháng Mười này, Ca trù Thăng Long dự kiến sẽ tổ chức Lễ Mở xiêm áo cho các đào nương trẻ để khích lệ tinh thần, đồng thời thể hiện mong muốn lưu nghiệp Ca trù của các em. Nhưng không biết những cố gắng của các đào nương trẻ này sẽ còn kéo dài được tới ngày nào trên con đường bảo tồn cổ nhạc gian nan, nếu như đến một chỗ diễn bây giờ với họ cũng chưa biết sẽ về đâu, nếu như mọi quan tâm, những lời khẩn thiết vẫn mãi chỉ là “phi vật thể”...