Trò Xuân Phả (Bài 2): Muốn thiêng phải trả về nghè
Muốn thiêng phải “trả lại nghè”
Trò múa Xuân Phả (tổ chức vào các ngày 10 và 11/2 âm lịch hàng năm), trước đây, theo như nghệ nhân Bùi Văn Hùng cho biết, hội trò thường diễn ra tại nghè (thực ra là đình thờ thành hoàng làng - PV) Xuân Phả, Thọ Xuân, Thanh Hóa.
Các bô lão từng được chứng kiến rất nhiều hội Xuân Phả xưa kia cũng kể rằng: “điệu múa tên làng Xuân Phả” được nhà vua và toàn thể dân làng dâng lên báo ơn vị thành hoàng làng Đại Hải Long Vương. Chính hội Xuân Phả tổ chức là ngày 10/2 Âm lịch. Trước đó vào chiều mùng chín, phần tế lễ đã được tiến hành. Phần hội bắt đầu vào sáng mùng mười với năm trò diễn là Hoa Lan, Chiêm Thành, Lục Hồn Nhung, Ai Lao và Ngô Quốc.
Xưa kia, lễ hội Xuân Phả huy động sự tham gia của dân chúng trong năm thôn, mỗi thôn đảm trách một trò. Dân mỗi thôn tự chuẩn bị cờ hiệu, cờ lệnh, trống chiêng, kiệu rước, lễ vật,... và tập luyện vũ điệu riêng của mình. Đến ngày tổ chức lễ hội, các thôn rước lễ vật ra nghè. Đoàn rước có các vũ công trong trang phục “ngoại quốc”, cờ, kiệu, người hộ giá, trống chiêng vang động khắp làng. Vào sân nghè, các đoàn dâng lễ lên bàn thờ thành hoàng và trình diễn “hầu thánh” vũ điệu của thôn mình. Qua đó tỏ lòng tạ ơn vị thần bảo mệnh (Đại Hải Long Vương) vì đã có công phù trợ cho dân an, vật thịnh, mùa màng tươi tốt.
Hơn nửa thế kỷ trước, nghè đã không còn nữa. Vì không có không gian thiêng nên từ khi được nhen nhóm trở lại (1990), hội Xuân Phả chỉ còn lưu truyền được những ca khúc trong số các khúc đoạn của diễn xướng. Thậm chí, phải lấy một số ca khúc của hội làng làm chính, và chỉ có thể biểu diễn trên sân khấu của nhà văn hóa xã hoặc tại sân chùa Tạu (Hội Long tự) nằm cách nghè cũ về phía Bắc khoảng 150m.
Nghệ nhân còn thì trò quý còn. Nhưng muốn thiêng thì nhất định phải trả trò Xuân Phả về nghè. Tất nhiên rồi, nhưng nghè thiêng là nghè như thế nào? Nghè bằng bê tông, cốt thép, sơn xanh, bôi đỏ... như những ngôi đình, chùa gần đây báo chí đã kịch liệt phản đối? Không! Làm như thế là phá thiêng, thể hiện sự bất cập trong nhận thức, đối xử một cách “nhố nhăng nhất” đối với trầm tích văn hóa lịch sử. Làm như vậy, thà đừng làm còn hơn... Nghệ nhân Bùi Văn Hùng |
Hôm chúng tôi về làng Xuân Phả, ông Hùng có dẫn chúng tôi ra khu đất nghè cũ. Khu đất này hiện có hơn 20 hộ xây nhà ở nhưng tất cả cũng đã ký cam kết với UBND xã để di dời đến nơi ở mới, trả lại hơn 1.000m2 đất cho công trình nghè làng Xuân Phả mà UBND xã Xuân Trường đã thông qua trong buổi họp HĐND cuối tháng 11/2008 (Đề án xây dựng nghè làng Xuân Phả cũng đã được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt).
Thế nhưng, cho đến nay, chính quyền địa phương xã Xuân Trường vẫn chưa tìm đâu ra kinh phí đền bù cho dân để họ di dời chỗ ở, nhường lại đất xưa cho việc xây dựng nghè làng. Chủ tịch xã Xuân Trường cho biết: “Công trình nghè Xuân Phả dự kiến ngốn khoảng 500 triệu đồng hoặc hơn, đó là chưa kể tiền đền bù cho các hộ dân. Hiện chúng tôi vẫn chưa nhận được bất cứ sự hỗ trợ nào về tài chính từ bất kỳ cơ quan nào!”.
|
Do không có thực địa là nghè, nên muốn duy trì lễ hội hàng năm, múa Xuân Phả phụ thuộc rất nhiều vào những người tổ chức và về kinh phí chứ không phải thiếu nghệ nhân.
Nghệ nhân Bùi Văn Hùng cho biết: “Kinh phí cho mỗi lần tổ chức hội Xuân Phả khoảng trên dưới 50 triệu. Trò Xuân Phả chỉ có thể đạt chuẩn và hoành tráng khi đội múa phải đủ 80 người (chưa kể dự bị). Vì ngân sách xã có hạn và chỉ chi cho trò Xuân Phả khi tham gia những sự kiện lớn của đất nước như Chào Thiên niên kỷ mới (năm 2000), Festival Huế 2004, 100 năm Sầm Sơn huyền thoại, Lễ hội Lam Kinh... Phần kinh phí để tổ chức hội hàng năm vào 10/2 (Âm lịch) chúng tôi vẫn phải “xã hội hóa” - kêu gọi nhân dân đóng góp.
HỘI THẢO ĐỂ DI SẢN SỐNG TRONG ĐỜI SỐNG ĐƯƠNG ĐẠI Sau một năm thực hiện loạt bài viết đi tìm lại các vốn quý trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể, đăng tải trên báo TT&VH Cuối tuần và Vietnam News Sunday, ngày 22/9 tới đây, một Hội thảo sẽ được tổ chức, khép lại một năm dự án truyền thông Báo động từ vốn di sản của báo TT&VH với sự hỗ trợ của công ty Ford Việt Nam. TT&VH |