Nhật ký hành trình: Những cuộc chuyện trò trên xe taxi
Tôi tin là những người lái xe đêm chở tôi trong những hành trình về nhà sau các trận đấu là những người rất muốn kết nối. Không phải chỉ vì đêm lạnh dễ làm cho người ta chóng cô đơn và buồn ngủ mà vì bản thân họ cũng sợ sự im lặng trong suốt hành trình. Chính những cuộc nói chuyện ấy, đa phần là với những người nhập cư vì người Đức không còn muốn làm công việc này nữa, đã giúp tôi hiểu hơn về họ, và về chính nước Đức.
9 năm trước, cố gắng rời xa chiến tranh và loạn lạc ở quê hương Syria chìm trong nội chiến của mình, Fuad đặt chân lên đất Đức sau một hành trình gian khổ nhiều tháng trời đi bộ hàng nghìn km qua Thổ Nhĩ Kỳ, qua các nước Balkan, qua hàng loạt cuộc sàng lọc người nhập cư và rất nhiều thủ tục để rồi cuối cùng được nhận vào Đức. Ngày người thanh niên Syria ấy đến đây vào một ngày mùa thu và đã khóc khi đến Duisburg, nơi giờ là nhà anh. "Tôi biết là lúc ấy tôi sẽ được sống như một con người", anh nói bằng một thứ tiếng Anh không đúng ngữ pháp lắm, nhưng dễ hiểu. "Nhiều đồng bào của tôi đã không đi hết hành trình ấy. Nhiều người không được nhận quy chế tị nạn, nhiều người ốm và mệt mỏi phải ở lại. Có những người đã chết trên đường. Đến đây, tôi đã tìm thấy hoà bình".
Trong đêm, chiếc xe cứ lao đi, một cơn mưa nhẹ ập đến và trời trở lạnh, giọng Fuad lúc khắc khoải lúc vui tươi khi nói về đời anh ở đây. Anh nói anh cảm ơn bà Angela Merkel và chính phủ cánh tả lúc ấy đã mở ra con đường cứu giúp anh và dân tộc anh. "Bây giờ, tôi đã là một người có quốc tịch Đức. Tôi chưa đủ giàu để có một gia tài, nhưng gia tài của tôi bây giờ là tự do và một cuộc sống không chìm trong chiến tranh".
Ahmed thì khác. Người lái xe gốc Thổ Nhĩ Kỳ này tôi gặp trong một cuốc xe ở Cologne ngay khi tôi cần một chiếc xe nhất để đi ra ga về Duisburg. Anh bảo anh đã ở Đức 10 năm, đã có quốc tịch Đức, và cũng như Fuad, anh độc thân. "Tôi yêu một cô gái Hồng Kông đã mấy năm", anh nói. "Lúc này, tôi đang tiết kiệm để đưa cô ấy sang đây và cùng xây dựng gia đình. Tôi muốn cưới cô ấy và cô ấy cũng muốn thế". Còn Mohamed là người Kurd, một dân tộc không có Tổ quốc trong một vùng lãnh thổ giữa Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ. Anh là một trong số hàng trăm nghìn người Kurd đã bỏ nơi ấy sang Đức, để tránh chiến tranh, tránh đói nghèo, vì khát khao cuộc sống yên ổn và bình an. Trong một hành trình ở Duisburg, anh bảo anh sẽ sang Áo, vì bác anh đang ở đó. "Bác tôi bảo sống ở đó tốt hơn và bảo lãnh cho tôi sang", anh nói. "Nhưng tôi chưa biết sẽ làm gì ở đó, lại lái taxi ca đêm chăng? Thu nhập ít lắm, may ra đủ sống thôi".
Đó là câu chuyện của 3 trong số hàng triệu câu chuyện của những người nhập cư ở đây, những người mà đảng cực hữu AfD đang đổ lỗi cho việc làm cho nền kinh tế Đức khủng hoảng và lấy đi công ăn việc làm của người Đức, cũng như là mối nguy hại về an ninh do họ theo đạo Hồi. Trong 4 năm từ 2015 đến 2019, Đức đã tiếp nhận 1,7 triệu người nhập cư, chủ yếu đến từ Syria, Iraq và Afghanistan. Một con số của Cục thống kê liên bang Đức cho thấy khoảng xấp xỉ 25 triệu người Đức, tức là gần 1/3 dân số Đức là người nhập cư hoặc có bố hoặc mẹ là người nhập cư, 60% trong số đó là người châu Âu, còn lại đến từ các nơi khác trên thế giới. Một đạo luật mới có hiệu lực từ 26/6 năm nay cho phép những người sống ở Đức liên tục trong 5 năm có thể nộp đơn xin làm công dân Đức (quy định cũ là 8 năm). Điều đó có nghĩa là do trong những năm tới, sẽ càng có nhiều người Đức "mới", một phần là do nhu cầu của thị trường lao động đối với một dân số đang có xu hướng già và nhiều người không muốn làm các công việc nặng nhọc và thu nhập không cao như lái taxi và xe công nghệ.
Liệu họ có lo lắng cho tương lai của mình, khi xu hướng cực hữu mà AfD gieo rắc đang tăng lên và họ đang kiếm được nhiều phiếu bầu, thậm chí có tham vọng thắng cử để lập chính phủ? Fuad nói có, Ahmed tin rằng AfD không thể thắng cử vì ở nước Đức "có rất nhiều người tốt", Mohamed bảo anh "không muốn nghĩ về chuyện đó nữa".
"Nhưng tôi tin, chúng tôi có tương lai ở đây", Fuad kết luận.
A.N