Nhật ký hành trình EURO 2024: “Bello e impossibile”
Leipzig dễ gợi cảm giác của một thành phố đáng sống, đáng để ước mơ và đáng để quay trở lại nhiều lần nữa. Tôi có cảm giác ấy khi buổi sáng sớm sau trận đấu nhìn ra bên ngoài từ cửa sổ căn hộ của Elisabeth ở Plagwitz, một trong những quận "chất" nhất thành phố, nơi tôi ở một đêm.
Đó là một khu phố với những ngôi nhà cổ, những hàng cây xanh phủ bóng công viên phía trước, những chiếc xe ô tô đỗ ngay ngắn dọc vỉa hè và tiếng chuông của một nhà thờ cao vút cách đó không xa vang lên nghe văng vẳng cứ như trong một giấc mơ.
Đó là buổi sáng mát rượi sau một ngày khá nóng nực ở thành phố phía Đông nước Đức này. Có quá nhiều điều để nói về nó, về những khoảng trời mùa Hè xanh thẳm trên đầu, về những hàng cây cao chạy dọc các con phố lớn, về những toà nhà đồ sộ và nặng nề được làm mềm đi bởi những chậu hoa trên cửa sổ, về những chiếc thuyền chèo trên sông Elster chở những đôi yêu nhau, về mùi hương của hoa và của lá trong những công viên tôi bước chân qua. Cả về âm nhạc nữa, khi đây là nơi mà những Johannes Sebastian Bach, Richard Wagner, Robert Schumann và Felix Mendelssohn-Bartholdy đã sống và sáng tác.
Đối với những người Thiên thanh, màu xanh của bầu trời Leipzig chính là màu xanh trên áo họ và thứ âm nhạc mà họ yêu thích nhất không phải là những giai điệu baroque của Bach hay hành khúc nhạc cưới của Mendelssohn, mà là những giai điệu "Po Po Po Po" và những tiếng hô vang "Italia Italia" vang vọng mãi trong đêm khi họ rời sân Red Bull Arena để về trung tâm thành phố ăn mừng tiếp. Đêm Leipzig mát rượi. Ánh đèn của sân Red Bull và màu đỏ của đèn chiếu trên vòm của nó tạo thành một hình ảnh nổi bật trong đêm khi nhìn từ cây cầu bắc qua sông Elster. Khi người ta làm được một điều phi thường sau khi trải qua những điều tưởng như không thể chịu đựng nổi trước đó, cuộc đời này thật đẹp, thật đáng để uống vì nó, và đó là một sự giải phóng năng lượng tuyệt vời.
Trên sóng Sky Sport, bình luận viên nổi tiếng Fabio Caressa đã lạc cả giọng khi bàn thắng của Zaccagni làm tung lưới Croatia. Trong phòng bình luận nhìn ra sân Red Bull, anh gào lên một câu trở nên viral trên mạng xã hội ở Italy ngay sau trận đấu: "Tôi đi chết đây, tôi đi chết đây".
Đó cũng là cảm xúc chung của rất nhiều cổ động viên Ý tôi đã chứng kiến trên khán đài của sân Red Bull. Đó là cảm giác của chính tôi, người rõ ràng không trông đợi và kì vọng nhiều vào các cầu thủ Ý ở giải đấu này, nhưng vẫn buồn bực và thậm chí tức giận khi thấy họ bị dẫn trước, và rồi như lên một cơn điên rồ khi bàn thắng gỡ hoà đến vào những giây cuối cùng. Leipzig không chỉ trở nên quen thuộc khi mới đến mà cứ ngỡ là mình đã từng ở đây từ trước, nay lại có một sự gắn bó nào đó nhiều hơn nữa chỉ nhờ một trận đấu. Đấy không phải là một trận chung kết, chỉ là một trận đấu vòng bảng, không phải một trận thắng mà chỉ là một trận hoà, nhưng cảm xúc thì thật là đặc biệt.
Đêm của trận đấu, cảm xúc của hai bên thật trái ngược. Một trận hoà đủ để đưa người Ý lên thiên đường và dập tắt cuộc vui diễn ra từ chiều của những người Croatia. Không một tiếng hát, họ lặng lẽ rời sân. Có những nhóm cổ động viên Croatia trở về khách sạn, có nhóm lại tìm quên trong những cốc bia. Người Ý thì khác, họ hát, họ party, họ sống lại khi đã tưởng chết rồi. Ngoài sân, một nhóm các cô gái Ý ngồi trên ghế đá công viên. Họ đang bật bản "Bello e impossibile" (đẹp và không tưởng) nổi tiếng của Gianna Nannini.
Quả là hợp với khung cảnh ở nơi này. Leipzig đẹp và cái cách mà người Ý vượt qua Croatia là không thể tưởng tượng được. Cuối tuần này, họ sẽ gặp Thuỵ Sĩ ở Berlin, nơi họ đã đăng quang vô địch World Cup 18 năm trước, cũng trong một đêm Hè mát rượi thế này.