EURO trên từng cây số: 'Tôi chỉ muốn được bình yên'
Quán của Ismail được đặt một cái tên rất kêu, "Pizza Manakish-đặc sản Syria". Nhưng quán không hề bán bất cứ thứ pizza nào. Món chủ đạo của quán là kebab. Một ngày rất âm u của Gelsenkirchen, tôi đã đến đây ăn, chủ yếu là để tránh sự ồn ào huyên náo của các cổ động viên Anh tại trung tâm thành phố gần đó.
Đồ ăn của quán Pizza Manakish tuyệt ngon. Tôi gọi một cái kebab to đùng từ cái menu khổng lồ có cơ man nào là tên các đồ ăn mà quán sẽ phục vụ. Ismail, tay thoăn thoắt cắt thịt bò cho tôi từ kebab, khẳng định rằng một người Việt Nam to cao như tôi phải ăn 2 cái này mới đủ.
"Hai đội tuyển của chúng ta đã gặp nhau"
Anh đã nói thế khi giới thiệu rõ ràng, anh là một người Iraq, đã sang đây từ 8 năm nay theo đường nhập cư. Cuộc sống ở Iraq quá khó khăn buộc anh phải lên đường và đi bộ, rồi đi tàu, rồi qua ngả Hy Lạp để vào EU và rồi đơn xin tị nạn ở Đức. Anh được chấp nhận. Nhưng chưa bao giờ anh quên đi cố hương. Anh đã xem trận Iraq thắng đội tuyển chúng ta mới đây ở vòng loại World Cup. Lặng lẽ chứng kiến tôi gặm cái kebab to tướng, anh bảo anh khâm phục Việt Nam, và rồi khi tiết kiệm đủ, anh sẽ đi chơi, "sang nước của cậu".
Mutassem, một nhân viên của quán, là người Syria. Cả cậu và Ismail cùng đến Đức vào năm 2016, và qua rất nhiều khó khăn ban đầu, họ hoà nhập được vào cuộc sống Đức, nói tiếng Đức, đầu tiên cùng làm việc trong một nhà hàng Thổ Nhĩ Kì, sau đó đủ lực thì tách ra mở quán riêng và làm ăn tốt đến tận giờ. Khi tôi hỏi liệu họ có cảm thấy đây là nhà của họ không, cả hai cùng gật đầu cười. Một người chạy trốn cái nghèo, người kia chạy trốn nội chiến ở Syria, cả hai cùng tìm thấy điều họ muốn ở Đức, một cuộc sống không bấp bênh, dù một số người thân của họ vẫn đang ở cố hương, không đi được. Nhưng khi tôi hỏi họ có cảm thấy họ đã là người Đức chưa, như nhiều người nhập cư khác đã khẳng định, họ lắc đầu. "Vẫn có sự phân biệt đối xử của người Đức với chúng tôi", Mutassem nói.
Ismail và Mutassem là hai trong số 1,7 triệu người, chủ yếu là người Syria, Iraq và Afghanistan đã xin quy chế tị nạn ở Đức từ 2015 đến 2019, giai đoạn đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng di cư tại châu Âu, biến Đức trở thành quốc gia có số lượng người nhập cư lớn thứ 5 trên thế giới. Không phải tất cả trong số đó đều hoà nhập vào xã hội Đức và đóng vai trò lớn trong canh bạc mà Thủ tướng Đức lúc đó, bà Angela Merkel, đã chơi: Thay thế một phần dân số Đức trở nên lão hoá và do đó không còn khả năng lao động, trở thành một gánh nặng cho nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Nhưng mới chỉ có hơn 10 nghìn người trong số những người đến Đức từ năm 2015 làm chủ tiếng Đức để có thể thi vào đại học, hơn một nửa trong số những người nhập cư đó đã có mặt trong thị trường lao động và trả thuế đầy đủ, hơn 80% trong số thanh thiếu niên nhập cư khẳng định họ có sự gắn bó chặt chẽ với nước Đức.
"Chúng tôi có thể xử lí được điều này"
Quyết định ấy, với thông điệp nổi tiếng "Wir schaffen das" (chúng tôi có thể xử lí được điều này), gây nhiều tranh cãi và có thể gây ra nhiều vấn đề cho nước Đức và châu Âu trong những năm tới, những thập kỷ tới, tạo ra những mâu thuẫn sâu sắc trong lòng nước Đức giữa những người nhập cư chủ yếu theo đạo Hồi và những người Đức theo Công giáo hoặc Tin lành. Đảng AfD, thành lập 2 năm trước đó, đã nói rằng đó là sai lầm lớn của bà Merkel. Nhiều người Đức hiện tại cũng tin là vậy, cho rằng Đức đang có quá nhiều người nhập cư và nguy cơ khủng bối Hồi giáo cũng như xung đột tôn giáo hoàn toàn có thể xảy ra.
Với chiêu bài chống nhập cư, AfD đã luôn muốn lợi dụng các mâu thuẫn trong lòng xã hội Đức để kiếm phiếu. Cuối tháng 11 năm ngoái, họ và nhiều nhóm cực hữu đã bí mật gặp nhau ở Potsdam để bàn về việc "tống khứ" những người Đức không có dòng máu Đức về quê hương bản quán của họ, nếu như AfD thắng trong tổng tuyển cử. AfD giữ nhiều ghế ở nghị viện các bang Đông Đức, nhưng chưa thể là một đảng lớn ở cấp liên bang. Họ chưa từng đạt hơn 20% số phiếu bầu trong các cuộc bầu cử nào, thế rồi, hôm 9/6, ngay trước EURO 2024, họ gây ra cú sốc long trời lở đất khi đoạt được nhiều phiếu bầu thứ hai trong cuộc bầu cử châu Âu.
Nước Đức đang chia rẽ, và bóng đá không nằm ngoài câu chuyện này. Đã có những ý kiến về việc đội tuyển Đức bị loại từ vòng bảng World Cup 2018 và 2022 là vì "thiếu nam tính", "thiếu chất Đức"; đã vang lên những bình luận đầy phân biệt chủng tộc khi đội tuyển U17 Đức vô địch World Cup U17 với 4 cầu thủ Đức da màu. Việc Ilkay Gundogan đeo băng đội trưởng đội tuyển Đức ở EURO này là một hành động mang tính biểu tượng, vì anh là người gốc Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng việc này cũng đã gây ra nhiều tranh cãi thời gian gần đây.
Dù AfD có thắng trong tổng tuyển cử sắp tới hay không thì những nỗi lo lắng đã xuất hiện. "Tên của tôi là Ismail. Trong tiếng Arab, nó có nghĩa là "Chúa sẽ lắng nghe". Tôi muốn có sự bình yên để sống ở nước Đức này, Chúa đã lắng nghe và tôi đang có điều ấy", Ismail nói. Nhưng bóng đen của AfD đang phủ lên sự bình yên ấy…