EURO trên từng cây số: Khi những bức tường đỏ phủ kín Dortmund
Không, đấy không phải là bức tường vàng nổi tiếng với những khối người vừa nhảy vừa hát làm vang động khắp những khán đài của Signal Iduna Park. Borussia Dortmund không đá ở đây mà là Albania. Trong một tích tắc của đêm Ý-Albania, có cảm giác đây không phải là Dortmund mà là một sân bóng nào đó ở Tirana.
Địa ngục đã ập xuống với người Ý không chỉ ở giây thứ 23 ấy, khi Nedim Bajrami tận dụng sai lầm của Federico Dimarco, mà trước trận và trong suốt trận đấu.
Trong tiếng hô "Shqip" vang động
Cả một biển người màu đỏ đậm ấy tạo ra một áp lực kinh khủng đến tức ngực trong suốt trận đấu, khi họ hát, họ nhảy, họ hét lên những tiếng như để đe doạ các cầu thủ mặc áo Thiên thanh trên sân. Màu đỏ ghê gớm ấy gợi nhớ biển màu đỏ khủng khiếp trên sân Daejon năm 2002 của các cổ động viên Hàn Quốc, khi Italy thua đội chủ nhà và trọng tài Byron Moreno.
22 năm sau, kết cục hoàn toàn khác với Italy khi họ làm chủ được thế trận và số phận để có chiến thắng. Nhưng những ấn tượng về sự hiện diện của người Albania ở Dortmund cho trận đấu thì chắc chắn sẽ còn mãi. Làm thế nào để có thể có một biển người với hơn 50 nghìn người có mặt ở trong sân Signal Iduna Park và một lượng không nhỏ khác ở khu fanzone của thành phố? Làm thế nào những người Ý trở thành thiểu số trên sân bóng và bị áp đảo về số lượng ở chính vùng Ruhr, nơi cộng đồng người Ý không ít, vẫn là một câu chuyện vô cùng bí ẩn.
Màu đỏ của lá cờ Albania, màu trắng của những chiếc mũ Qeleshe truyền thống họ đội trên đầu, những tiếng hô "Shqip" (nghĩa là "Albania" trong ngôn ngữ của họ) cùng những tiếng hô lớn thể hiện niềm tự hào quê hương xứ sở không chỉ vang lên ở sân bóng. Họ không chỉ hô lên những tiếng "buuuu" kéo dài khi xướng ngôn viên của sân đọc đội hình xuất phát của các cầu thủ Ý và khi họ ra sân. Họ cũng không chỉ tạo ra một biển âm thanh náo nhiệt và háo hức sau mỗi đường bóng, mỗi tình huống nguy hiểm mà Albania tạo ra. Sự cuồng nhiệt của họ đã được thể hiện trên đường đến sân, khi họ ùa vào các con tàu đến sân Signal Iduna Park, dồn các cổ động viên Ý vào một góc và làm náo loạn không gian bằng những tiếng hát.
Tôi cũng ép vào một góc tàu điện trong hành trình đến sân cho trận đấu. Họ đông kinh khủng, huyên náo chuyện trò và không ngần ngại thể hiện mình là ai. Cổ động viên Scotland giỏi uống và hát hò, cổ động viên Albania thì không uống, vì đa phần theo đạo Hồi, nhưng họ hát to kinh khủng, dường như át tất cả những tiếng hát to nhất trên thế gian này. Những người quấn cờ Albania vào ấy vẫn còn hát trên những chuyến tàu rời sân bóng khi trận đấu kết thúc. Có những người ngủ ngồi trên ghế tàu, có những người vẫn ôm nhau hát. Đêm Dortmund mát lạnh và tưởng như dài bất tận.
Con tàu mang tên Vlora
Giữa hai hiệp của trận đấu, tôi ngồi nói chuyện với Ersid, một công nhân xây dựng người Albania đang sống ở Dortmund. Anh cũng là một cầu thủ bóng đá ở hạng 5 của Đức. Ersid nói, người Albania rất tự hào về quê hương xứ sở, là "nơi đẹp nhất trên thế giới này mà ai cũng phải đến".
Một quốc gia nhỏ bé có 2,8 triệu dân đang trong một hành trình cố gắng vươn ra thế giới sau những năm tháng bất ổn chìm trong khó khăn ở thời hậu bức tường Berlin. Bóng đá là một cách để họ khiến người ta nhớ đến. Những bức tường đỏ đã xuất hiện ở EURO 2016 khi Albania lần đầu tiên lọt vào một vòng chung kết EURO. Ở giải đó, Albania có chiến thắng đầu tiên trong lịch sử EURO khi thắng Romania. 8 năm sau, Albania quay lại với EURO và số lượng cổ động viên đến Đức cho giải đấu này còn đông hơn thế, nhiều đến mức đáng kinh ngạc.
Ersid chỉ cười và bảo, tình yêu của người Albania với Tổ quốc rất lớn. Họ không giàu, đa phần là người lao động chân tay ở những nước họ định cư, trong đó có Đức, với khoảng 60 nghìn người Albania đang sống ở đây, nhưng EURO này là một dịp để họ cùng tụ về và cho tất cả thấy họ là ai. Họ đến từ Pháp, Mỹ, từ nhiều nước châu Âu khác, họ hô vang tên nước họ một cách tự hào.
Cho đến bây giờ, trong con mắt của nhiều người phương Tây, Albania vẫn là một dân tộc hèn kém. Những biến động chính trị đã đẩy hàng trăm nghìn người Albania rời quê hương vì lí do kinh tế. Có một hình ảnh mà nhiều người Albania không thể nào quên. Đó là con tàu mang tên Vlora chở tới hơn 20 nghìn người Albania tới cảng Bari của Ý vào tháng 8/1991. Bỏ nước mà đi là câu chuyện buồn của một dân tộc, bị khinh rẻ ở những quốc gia mà họ đã định cư, như ở Ý, nơi nhiều người Albania bị phân biệt đối xử, bị coi là trộm cướp, là một chuyện còn buồn hơn.
Bóng đá chính là điều đang khiến họ tự hào. Họ đã sung sướng đến phát điên vào lúc Bajrami làm tung lưới Ý. Họ đã mơ đến những điều kì diệu của chiến thắng không tưởng. Nhưng đời không là mơ. Kết thúc trận đấu, trong ánh trăng bán nguyệt, trên sân Dortmund vang bài "Mùa Hè nước Ý" với giọng khàn khàn của Gianna Nannini và Edoardo Bennato. Nhưng người Albania vẫn hát. Họ vẫn mơ đến thắng lợi khi rồng rắn đến Hamburg cho trận đấu với Croatia.
Hamburg sẽ lại vang tiếng hô "Shqip".
Anh Ngọc (từ Dortmund, Đức)