Về nhà bố nói cho mà nghe
Một là được phân nhà.
Hai là được mua xe đạp Thống Nhất theo giá cung cấp.
Là bộ đội chuyển ngành, sống độc thân, tôi có tên trong danh sách ưu tiên của Ban Đời sống Công đoàn từ tháng 12 năm 1965.
Thời đó tổng số thành viên Viện tôi ngót 50 người. Trên mười người đã được cấp hoặc mua xe giá rẻ. Bốn mươi người còn chờ. Trong số bốn mươi người này non một nữa có thâm niên từ tiền khởi nghĩa đã bị tù tây, tù ta vài ba bận. Đối với họ chiến sĩ Điện Biên Phủ của tôi chẳng đáng gì. Yên chí mà chờ thôi. Chín năm thành tâm chờ rồi cũng đến lượt. Tôi mừng quýnh lên. Cầm được tấm phiếu cung cấp xe là mở cuộc vận động vay mượn và đúng ngày giờ ghi trên phiếu đến cửa hàng Điện Máy phố Tràng Thi, nộp tiền, lấy xe.
Trước khi đi cũng chi ra chút đỉnh, đãi anh em đồng nghiệp vài vại bia hơi kèm lạc rang Cổ Tân.
Sắp hàng uống bia hơi vốn dĩ đã là nguồn vui quên đói của bàn dân. Uống bia khi được cầm chắc trong tay tấm phiếu mua xe đạp Thống Nhất cung cấp như tôi, vui còn nhân lên gấp bội. Chẳng có niềm vui nào bằng. Uống bia xong, chúc mừng nhau rồi chia tay. Tôi ra cửa hàng xếp hàng trả tiền, nhận xe.
May quá! Tôi được chiếc xe đam mầu xanh nhạt mới tinh. Dắt xe ra khỏi cửa hàng mà lòng tôi rưng rưng hồ hởi. Hai điều ước vậy là được một rồi. Xe chưa có hơi. Chuyện nhỏ. Trước cửa hàng có mấy chú choai choai đã sẵn sàng chờ. Tôi ghé xe vào cái bơm gần nhất. Chú nhỏ bơm ngay và bảo tôi :
- Chú ơi! Bơm vừa vừa thôi. Căng quá lủng săm liền.
- Láo! Tôi quát. Xe mới tinh lủng thế đếch nào được.
- Vậy thì bơm. Chú ta nhấn thêm.
Tôi vòng ngón tay trỏ sang ngón cái, búng tâng tâng vào má lốp Sao vàng. Hào hứng, mãn nguyện lắm.
- Thế chứ.
Móc túi trả tiền bơm rồi ngồi lên yên đạp về phía Hàng Khay. Bao nhiêu là dự định đi đây đi đó nhảy múa trong đầu. Vạn Phúc là nơi nhiều bạn bè cùng tham gia đắp đê quai Hữu Bị dưới Nam Định, năm 1955. Chèm là nơi tôi dự lớp học sơ cấp trắc đạc, năm 1958. Văn Điển có mộ đứa cháu họ chết ở bệnh viện Bạch Mai… Bổng. X - ì - u. Xe lảo đảo hết hơi. Tôi xuống. Sửng sờ nhìn cả hai cái lốp cùng bẹp dí như hai cái bẹ chuối đệm vai quá đát của người kéo thuyền vứt bên bờ sông Hồng. Thế là tôi chết đứng giữa đường vui ngay ngả tư Hàng Trống. Giá mà xe nam thì ghé vai vào vác liền. Nhà ở khu tập thể 22 Hai Bà Trưng. Ước lượng qua Hàng Khay sang Tràng Tiền vào ngõ cạnh Bô Dê Ga, chui cửa nách của một người bạn mở lén để ra uống nước chè chén cụ Phấn là về đến nhà. Nhưng lại là xe nữ. Không có khung ngang để vác. Dắt thì đau săm lốp lắm. Hàng Khay không có hiệu chữa xe đạp. Mấy lại làm gì còn tiền mà sửa. Thế là vừa nâng vừa dắt qua Bách hoá Tổng hợp về 22 Hai Bà Trưng. Trong bụng cầu trời khấn Phật anh Cương lái xe Com măng ca chưa về. May quá anh Cương còn loay hoay với cái xe cà tàng hình như trật cóc. Tiện thể anh cạy hai lốp xe cho tôi rồi lôi săm ra xem. Trời ơi ! Chân nan hoa người ta để nguyên xuyên vào trong vành cái dài cái ngắn tua tủa như một hàng chông. Săm bị dui thủng không phải một lỗ. “Nhanh - nhiều - tốt - rẻ”. “Một người làm việc bằng hai” là vậy đó.
- Không vá được nửa đâu. Chờ đến kỳ Ban Đời sống Công đoàn phân phối hàng công nghệ phẩm may ra có săm và may ra được thông cảm thì trình bày thương lượng với anh chị em đồng nghiệp mà xin mua một cặp săm khác thôi. Anh Cương bảo thế.
Đường vui đến đó là tắt. Tôi nghĩ lại lời tiên tri của chú bé bơm xe trước cửa hàng Điện Máy Tràng Thi. “Căng quá lủng săm liền”.
Thánh thật.
Đất nước thống nhất. Vụ ở trên tầng 2 khu tập thể 22 Hai Bà Trưng ra đi, nhường chỗ cho Bộ, làm nhà khách.
Một buổi sáng tôi đang xếp hàng đánh răng, rửa mặt nơi vòi nước công cọng ở góc sân thì nghe một giọng rặt Nam Bộ:
o Ủa. Trông giống gà công nghiệp quá ta.
Tôi ngước mắt nhìn lên thì ra chị T. bảo tàng Sài Gòn nảy giờ đứng trên cầu nối dưới bóng cây hoàng lan quan sát chúng tôi điểm trang buổi sáng.
Công nghiệp cũng “chế” ra gà ư. Lần đầu tiên tôi được nghe thuật ngữ “gà công nghiệp”.
Chờ phân nhà mãi không thấu. Tôi bỏ “đất thánh” vào Cố đô Huế. Tình cờ gặp “nàng” Công chúa Nguyễn Phước Lương Linh con gái vua Thành Thái. “Nàng” 79 xuân xanh này gọi tôi về 97 Mai Thúc Loan. Vậy là tôi có nhà.
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đến chơi bảo:
o Ông tốt số quá! Của vua ban đó.
“Lão lai tài tận”. Ê ẩm mãi rồi cũng được nghĩ hưu. Bẳng đi một dạo không ra “đất thánh”. Đầu năm 2009 này nhận được tin con gái từ Canada đi đường trời về Nội Bài. Tôi cũng đi đường trời từ Phú Bài ra đón. Ngồi trên máy bay Aibus 320 sang trọng với sự niềm nở lễ phép lịch thiệp của tiếp viên Hàng không, tôi nghĩ cái tâm, cái tình, cái tài của người Việt mình có thua kém ai đâu. Điều cốt lỏi là đừng bỏ nhau vào rọ. Nhớ lại ba lần có tên đi nghiên cứu sinh bên Nga. Cả ba lần đều giống như phân nhà. Hượm. Thời kinh tế thị trường, mở cửa có khác. Ước gì còn tuổi như thời tòng quân.
Hà Nội. Hà Đông. Hà Tây. Ba Vì. Đều là Hà Nội. Hà Nội rộng và cao và đẹp và chênh lệch và năng động và giàu nghèo và rất đông đúc và kẹt xe và bụi.
Thời gian chờ máy bay vào Huế còn dài. Tôi đưa con tôi lướt một vòng Hà Nội cổ. Qua Tràng Thi tôi chỉ vị trí ngôi cao ốc kia ngày trước là cửa hàng Điện Máy của Mậu dịch quốc doanh, nơi bố chờ mua xe cung cấp đấy.
o Xe cung cấp là xe gì hả bố?
o Xe đạp phân phối theo tem phiếu ấy mà. Tôi trả lời.
o Tem phiếu là gì hả bố.
o Tem phiếu là tem phiếu. Mệt quá! Về nhà bố nói cho mà nghe.