Thương hiệu của nhà tôi
Như các cụ nhà tôi có đến mấy đời có ai biết uống rượu đâu. Vậy mà chỉ có riêng tôi giỗ chạp, tiệc tùng lai rai cũng bằng anh, bằng em, theo được. Cũng có lúc đem chuyện này trao đổi với bạn bè. Họ bảo: "Tại bác đi ra giao lưu, tiếp xúc với mọi người nên uống riết thành quen chứ jen với diếc cái gì". Có lẽ đúng.
Ở đời uống rượu cũng có dăm bảy đường uống:
- Dạng uống vào quậy phá, gây lộn, chửi bới lung tung như kiểu bác Chí khi xưa. Đó là dạng: Loạn tửu.
- Dạng rượu vào lời ra, ôn nghèo kể khổ, kể ơn kể nghĩa, nói những điều bình thường không nói được. Đó là dạng: Ngôn tửu.
- Dạng uống vào không nói, say đi ngủ. Đó là dạng: Ỉm tửu.
- Dạng uống vào bình thơ, đánh cờ, ngắm hoa, thưởng nguyệt. Đó là dạng: Tiên tửu.
Trong bốn dạng trên, tôi thuộc dạng ỉm tửu. Nên chẳng mất lòng ai, mà vợ con cũng thương. Ngày xưa đi từ bắc chí nam, chỉ khác nhau cái tên gọi, còn đã là rượu gạo thì ở đâu cũng ngon. Ngày nay vì hám lợi, chạy theo lợi nhuận, rượu cũng biến dạng theo. Uống rượu mà không biết xuất xử thì sợ lắm. Nhẹ thì trúng gió, vừa thì ngộ độc, nặng thì tử vong. Uống bia thì mình không đủ khả năng, tám đến chín nghìn đồng một lon, giá bằng 1kg gạo. Nói như cách nói của các cụ khi xưa: Một kg gạo cứu đói được cả nhà trong một ngày. Cái nghiệp uống rượu bây giờ cũng lắm điều trăn trở.
Trên đời không ai hiểu chồng bằng vợ. Thôi để em nấu rượu cho anh uống, vợ tôi nói. Tưởng là nói chơi, thế mà vợ tôi làm thật. Lo đi sắm đồ nghề hết gần 4 triệu bạc. Nào nấu, nào ủ, rồi cũng đến ngày cho chảy ra những giọt rượu đầu tiên. Nhìn vợ lui cui nhóm lửa, đốt lò, thấy chạnh lòng, nịnh vợ một câu: Em đúng là người phụ nữ chiều chồng! Trong thấy vợ ngoảnh mặt lại nở một nụ cười, hai má đỏ bừng, tóc bết mồ hôi. Chao ơi! Đã U50 rồi mà hôm nay thấy vợ còn đẹp lạ. Người phụ nữ Việt là vậy, yêu chồng, thương con coi đó là trách nhiệm của cuộc đời. Lấy việc chăm lo cho chồng con cũng là niềm vui nho nhỏ. Vẻ đẹp bình dị trong tâm hồn người phụ nữ Việt luôn là vẻ đẹp vượt thời gian.
Ban đầu cũng chỉ nghĩ nấu rượu uống để đảm bảo an toàn sức khỏe. Sau dần tiếng lành đồn xa, rượu nhà Hồng Liên ngon lắm. Rượu nhà Hồng Liên là rượu gạo, uống không đau đầu. Từ đó phải nấu thêm để cung ứng cho thị trường. Có nồi bã rượu nuôi thêm con heo. Ngày kiếm thêm dăm bảy chục, một trăm, có thêm đồng tiền phụ nuôi cậu út vào đại học.
Vậy là rượu nhà tôi cũng đã có thương hiệu rồi đấy. Thế mới biết hai chữ thương hiệu cũng chẳng có gì là ghê ghớm cả. Chỉ cần một cái tâm, một cái tình, môt cái trách nhiệm với cộng đồng tự sẽ thành thương hiệu mà thôi. "Hữu xạ tự nhiên hương" lời người xưa dạy quả không sai.