Hàng VN có uy tín trên thị trường Mỹ |
* Hàng xuất khẩu của VN rất uy tín
Sống trên đất Mỹ từ những năm đầu của 1990 cho đến những năm 1995, tôi bắt đầu thấy xuất hiện hàng thực phẩm có nhãn hiệu “Made in Vietnam” được bày tại các tiệm thực phẩm người Việt. Mọi người truyền miệng nhau, mua hàng Việt giúp bà con bên nhà có công ăn việc làm, rồi cũng có người lên tiếng phản đối. Nhưng cuối cùng thì ai cũng mua hàng thực phẩm “Made in Vietnam” vì hàng hóa Việt Nam có nhãn hiệu đẹp và ngon, bên cạnh những hàng hóa của Trung Quốc, Thái Land, v,v…
Rồi những năm gần đây, bạn bè từ Việt Nam sang Mỹ liên tục, những chuyến như vậy là tôi đưa họ đến các siêu thị lớn như Macy’s, Lord & Taylor, Gap, Nordstrom, v,v… mua đồ để làm quà cho gia đình và bạn bè. Nhiều người cầm lên vài kiểu áo quần xinh đẹp với giá không mềm, rồi xem nhãn và ồ lên “Made in Vietnam”. Sao không mua đồ ở Việt Nam mà sang tận bên Mỹ mua đồ “Made in Vietnam” rồi lại mang về Việt Nam, sao lại lằng nhằng vậy? Mọi người chỉ biết cười là xong câu chuyện.
Câu chuyện trên không chỉ dừng ở đây mà chúng ta có thể thấy được những giá trị thiết thực đằng sau hình ảnh của chúng. Hàng thực phẩm Việt Nam được ưa chuộng vì đã tuân theo vấn đề an toàn thực phẩm khi lưu hành tại Mỹ. Hàng thời trang tuy gia công tại Việt Nam nhưng chúng là thuộc về các thương hiệu đầy uy tín như Polo, Tommy, Claiborne, CK, DKNY, v,v…
* Nhiều hàng dùng trong nước thì lại không mấy đảm bảo
Khi được hỏi về Việt Nam thích cái gì nhất, câu trả lời của tôi là thích ăn uống! Tôi có dịp đi khắp nước từ Nam ra Bắc trong những chuyến làm việc về giáo dục, là dịp được thưởng thức nhiều món ăn của các miền, từ nhà hàng cao cấp đến thức ăn vỉa hè. Tôi chia sẽ với bạn điều này, các món ăn rất ngon nhưng tôi không biết những món ăn đó có đảm bảo an toàn vệ sinh không?
Khi theo dõi tin tức Việt Nam tôi thấy công nhân, học sinh bị ngộ khá nhiều, còn những cá nhân riêng lẻ bị ngộ độc thì không có giấy mực nào đưa tin nổi. Riêng cá nhân tôi bị ngộ độc vào đầu năm 2009 tại một nhà hàng trên đường Nguyễn Huệ, TP.HCM. Có thể thấy rằng hàng thực phẩm Việt Nam xuất khẩu là đảm bảo an toàn vệ sinh, hàng dùng trong nước là không mấy đảm bảo. Không rõ vì lợi ích vật chất hay thiếu hiểu biết khoa học mà nhiều người đã phớt lờ đi ý thức xây dựng sự chuẩn mực trong xã hội.
Bàn luận về áo quần thời trang, tôi tin rằng các công ty thời trang Việt Nam đủ sức mua chất liệu vải tốt, có thiết kế hay, tạo được sản phẩm có giá trị. Nhưng hàng vẫn không bán được vì nhiều lý do khác nhau, có thể vì người tiêu dùng chuộng tên nhãn hàng ngoại, có thể người tiêu dùng nghio là hàng giả, có thể là giá cả tại mỗi tiệm khác nhau, v,v… Người tiêu dùng khó quyết định mua hàng Việt trong một môi trường kinh tế nội địa chưa được ổn định.
Trong những chuyến về Việt Nam có lẽ tôi tiếp xúc nhiều nhất là hàng mỹ thuật vì mua để sưu tầm và tặng bạn bè. Ða phần hàng mỹ thuật Việt Nam kiểu dáng đơn giản, không sắc sảo, không mang nét riêng của một miền nào đó. Ði vào trong các gian hàng mỹ thuật, bạn sẽ thấy có rất nhiều hàng được trưng nhưng chỉ vài món đồ nhìn tạm được, cũng chính vì thế hàng luôn đóng bụi thời gian. Có lẽ những người làm các sản phẩm mỹ thuật không hiểu nhu cầu thực tế là du khách chuộng sản phẩm nào, tiêu chuẩn nào.
Tuy nhiên nếu bạn lên Sapa thì sẽ rất thích thú với các hàng thổ cẩm được bày bán khắp nơi. Hàng thổ cẩm ở đây làm tinh tế và dễ dùng trong gia đình từ việc tranh treo tường, bao gối, trải khăn bàn, áo quần, v,v... Nhìn vào hàng, ta cũng cảm nhận nó chỉ có từ Sapa. Giá cả ở đây tương đối đồng nhất, người mua không có cảm giác bị hớ giá. Vì nhiều du khách ưu chuộng nên hàng thổ cẩm của Sapa đã tràn xuống phố cổ Hội An từ nhiều năm nay, và nhiều điểm lớn trong nước.
Trong hướng phát triển kinh tế Việt Nam, việc kích thích người tiêu dùng ưu tiên mua hàng Việt là việc cực kỳ quan trọng. “Người Việt yêu hàng Việt” sẽ tồn tại thường trực hơn trong ý thức của người dân từ khi Việt Nam tạo ra được một môi trường kinh tế nội địa ổn định và hàng hóa nâng lên ở mức độ chất lượng cao hơn.
Trần Thắng
(Chủ tịch Viện Văn hóa và Giáo dục Việt Nam (IVCE) tại Mỹ )