Chữ và nghĩa: Năm ăn năm thua!
Trong giờ học về tiếng Việt, nhiều bạn sinh viên có hỏi tôi: Thưa thầy! Gần đây, chúng em hay nghe nói tới cụm từ năm ăn năm thua. Chúng em thấy từ này có vẻ “cay cú” ăn thua quá. Chúng em muốn biết đây thuộc loại từ gì và nó có nghĩa như thế nào?
Xem chuyên đề "Chữ và nghĩa" TẠI ĐÂY
Về tổ hợp từ trên, tôi đã cố gắng tìm, tra cứu các loại từ điển giải nghĩa tiếng Việt (kể cả cuốn Từ điển từ mới vừa xuất bản gần đây nhất) nhưng đều chưa thấy thống kê. Có thể coi đây là một dạng thành ngữ mới xuất hiện, đặc biệt nhiều trong lĩnh vực thể thao. Chẳng hạn, chúng ta rất nghe các bình luận viên bóng đá tường thuật: “Đó là một đường chuyền năm ăn năm thua”; “Ngay trước khung thành mà hậu vệ đội ta lại quá mạo hiểm với cú chuyền bóng năm ăn năm thua của mình.”; “Lẽ ra là nên giữ bóng một nhịp hoặc chuyền về, đằng này anh lại cẩu thả với quả tạt năm ăn năm thua. Thế là đội bạn cướp được bóng và ung dung ghi bàn”... Cách nói này rất phù hợp trong các tình huống tranh chấp bóng tay đôi giữa các cầu thủ trên sân. Khi trong vòng vây của đối thủ, không có nhiều sự lựa chọn, thế là họ đành giải thoát tình huống khó xử đó bằng một thao tác chuyền bóng tùy hứng. Biết đâu lại tạo ra một cú đột biến có lợi cũng nên. Có thể thấy quá nhiều những trường hợp như vậy.
Chúng ta có thể tạm đưa ra một cách giải nghĩa về tổ hợp từ này như sau: “Năm ăn năm thua (thành ngữ) dùng để chỉ hoàn cảnh bấp bênh, phải đưa ra một giải pháp mà khả năng sẽ đạt hay không đạt (như ý muốn của ai đó); hiệu quả sẽ chia đều theo hai hướng ngược chiều nhau: hoặc được, hoặc mất”. Cơ hội của giải pháp này là 50/50. Hiệu quả có thể sẽ là: x >50 (nếu may mắn) hoặc x <50 (nếu sai sót dẫn đến rủi ro).
Điều này trước hết xuất phát từ một tình thế khá bức bách. Khi đó “đương sự” đang ở một hoàn cảnh khó xử, lại không thể do dự dềnh dàng, cần phải quyết định xử lý nhanh. Trong khi đó, điều kiện và cơ hội của họ không có nhiều thuận lợi để chủ động giải quyết một cách tốt hơn (mới liều chọn giải pháp “nhắm mắt ăn may”). Trong cuộc sống, không hiếm khi ta phải đối mặt với những sự tình như vậy.
- Chữ và nghĩa: Người làm sao bào hao làm vậy
- Chữ và nghĩa: Mắm mặn chết dòi
- Chữ và nghĩa: Nổi máu tam bành
Đáng tiếc là bây giờ, ngay trong hoàn cảnh rất bình thường, nhiều người lại sẵn sàng “tặc lưỡi” thử sức may rủi trong một tình huống của cuộc sống, theo kiểu “tung xúc xắc chọn vận may”. Họ “liều mình” vào cuộc chơi năm ăn năm thua để hy vọng có một cơ hội bất chợt nào đó rơi xuống đầu mình. Biết đâu từ sự liều lĩnh đó lại là một dip đổi đời cũng nên. Thế là máu yêng hùng của các tay chơi nổi lên. Ta thấy không ít các “đại gia” có máu mặt sẵn sàng đặt cược cả cơ nghiệp để “đánh quả” một cú làm ăn nào đấy. Cứ sẵn sàng chơi “tới bến” rồi ra sao thì ra. Nhưng cái “năm ăn” của họ thì ít, còn cái “năm thua” của họ thì nhiều. Đó là một cách ứng xử theo kiểu được ăn cả, ngã về không, bất chấp tất cả, cứ liều lĩnh mà làm, nếu được thì được rất lớn, còn nếu thua thì coi như thất bại hoàn toàn.
Thôi đành “năm ăn năm thua”
Thua làm giặc, được làm vua, sợ gì!
PGS-TS Phạm Văn Tình