Chữ và nghĩa: Mắm mặn chết dòi
Đây có phải chỉ là kinh nghiệm làm mắm không nhỉ?
Xem chuyên đề "Chữ và nghĩa" TẠI ĐÂY
“Mắm” là một loại “thức ăn làm bằng tôm cá sống ướp muối và để lâu ngày cho ngấu” (Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020). Gần như mọi người dân Việt Nam ta không ai xa lạ gì với các loại mắm thông dụng: mắm tôm, mắm tép, mắm cá, mắm cua… Và có lẽ, trong danh mục những món ăn thuộc dòng ẩm thực dân gian truyền thống không thể không kể tới các loại mắm rất hấp dẫn này. Món lòng lợn mà không có mắm tôm chanh ớt thì làm sao ngon được?
Rồi nữa. Thịt ba chỉ kho mắm tép trời mưa lạnh mà ăn với cơm mới thì hết đường chê. Rau muống luộc chấm nước mắm tỏi vắt chanh ớt mà ăn thì không chỉ có anh và em mà cả hàng xóm cũng gật đầu. Lẩu mắm là đặc sản (món ăn đặc thù mà nước lèo làm từ mắm một loại cá, kèm với các loại hải sản) khó quên của miền Tây sông nước khi ta đi “Nam bộ, Tiền Giang, Hậu Giang”…
Làm mắm cũng thực đơn giản. Cá, tôm, tép (càng tươi càng tốt) đem về rửa sạch, để ráo. Sau đó thì lần lượt cho vào dụng cụ làm mắm (hũ, vại, chum, chượp…) với một lượng muối phù hợp (rồi để lâu cho nguyên liệu lên men và ngấu). Trong quá trình làm mắm, rất hay có ruồi nhặng (bọ hai cánh, có vòi hút, râu ngắn, thường mang vi trùng truyền bệnh đường ruột) bay vào đậu và đẻ trứng, trứng nở thành dòi (dạng ấu trùng của ruồi nhặng) và mắm là một trong những môi trường sinh sống của dòi.
Vậy liệu ta cho thật nhiều muối thì sẽ hạn chế được lũ dòi (mắm mặn thì chết dòi)? Chưa chắc. Mặn mấy lũ dòi kia vẫn sống ngon lành. Đành rằng nếu mắm thật mặn thì điều kiện sống của dòi sẽ hạn chế. Hạn chế thôi, chứ ta cứ “thả nổi” cho chúng xem.
Tất nhiên, từ chuyện làm mắm, qua câu tục ngữ này, dân gian còn nhằm tới một hàm ý khác. Rằng ở đời, nếu ta biết cách hành xử thỏa đáng thì ta sẽ hạn chế được những thói xấu hoặc chuyện tiêu cực. Trong gia đình, trong học đường hoặc trong xã hội, việc thực hiện các nền nếp gia phong, quy định chặt chẽ và kỷ luật nghiêm khắc, không xuề xòa nương tay sẽ giúp cho các hiện tượng tiêu cực (như lười biếng, vô lễ, thậm chí trộm cắp hoặc tham nhũng) giảm thiểu và có cơ bị triệt tiêu. Âu cũng là “thông điệp” từ mắm mà dân gian muốn gửi gắm cho chúng ta.
Đâu chỉ chuyện mắm với dòi
Mà là câu chuyện cuộc đời chúng ta.
PGS-TS Phạm Văn Tình