Chữ và nghĩa: Người làm sao bào hao làm vậy
“Người làm sao bào hao làm vậy” là một câu tục ngữ đang có sự phân tán về cách giải thích.
Xem chuyên đề "Chữ và nghĩa" TẠI ĐÂY
Câu này được Nguyễn Đức Dương (trong Từ điển tục ngữ Việt, NXB Tổng hợp TP.HCM, 2010) giải thích là: “Người có tư chất ra sao thì nỗi bào hao của anh ta cũng giống y như vậy”. Nguyễn Đức Dương chú thích thêm: “bào hao: dt (cổ) nỗi bồn chồn, lo lắng (vốn khiến cho lòng luôn day dứt không yên)”.
Từ điển từ cổ (Vương Lộc, NXB Đà Nẵng, 2001) cho đây là từ gốc Hán và giải nghĩa: bào hao, đg. [咆哮, trong tiếng Hán có nghĩa “gầm thét, gào thét”] 1. (Thú dữ) gầm thét (VD: “Tiếng con muông sủa bào hao dậy dàng” - Trinh thử . “Oai hùm dậy tiếng bào hao” - Đoàn Hữu Trưng, Trung nghĩa ca); 2. Kêu gào (VD: “Luống bào hao, tiếc cùng than thở/ Tiếc hồng nhan mặt nở nhụy đào” - Chinh phụ ngâm); 3. Bồn chồn, không yên lòng (VD: “Mẹ cha trong dạ bào hao/ Số khổ phải đói biết bao giờ rồi” - Phạm Công Cúc Hoa).
Từ điển tiếng Việt (Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020) cho bào hao (咆哮, Hán Việt, bào 咆: gầm thét, hao 哮: kêu rầm lên.) là động từ, có 2 nghĩa: 1. [cũ] gầm thét, kêu gào; 2. [cũ] xót xa, không yên lòng. Và nghĩa 2, “bào hao” đang được dùng cũng với tư cách động từ, có nghĩa “bắt chước theo, hùa theo”.
Vấn đề là phải hiểu câu tục ngữ “Người làm sao bào hao làm vậy” như thế nào? Chắc không phải là “người có khí chất thế nào thì “kêu gào”, hoặc “bồn chồn, không yên lòng” như thế ấy.
Tra Từ điển tiếng Hán, ta thấy chữ bào 炰 có thêm nghĩa “tương tự”. Câu tục ngữ trên có thể hiểu là “Người có tư chất, tính cách ra sao thì mọi hành động của (anh/chị ta) cũng tương tự, “na ná” như vậy”. Như vậy, câu này gần nghĩa với câu “Người làm sao chiêm bao làm vậy”. Từ điển tục ngữ Việt (Nguyễn Đức Dương, đã dẫn) giải nghĩa câu này là “Người có tư chất ra sao thì giấc mơ của anh ta cũng giống y như vậy”.
- Chữ và nghĩa: Mắm mặn chết dòi
- Chữ và nghĩa: Nổi máu tam bành
- Chữ và nghĩa: Tránh thằng một nai gặp thằng hai nậm
Từ điển thành ngữ, tục ngữ của Vũ Dung, Vũ Quang Hào, Vũ Thúy Anh (NXB Giáo dục, 1995) lại thống kê: ai nói sao bào hao làm vậy (bào hao: hùa theo, bắt chước) và giải nghĩa “Người nhẹ dạ nông nổi, chỉ hùa theo người khác, không có bản lĩnh”. Trong khi đó, Từ điển tục ngữ Việt (Nguyễn Đức Dương, đã dẫn) thì viết “Ai nói sao bào hao làm vậy có nghĩa”: “Ai nói sao là hùa ngay như thế ấy (mà chẳng hề suy xét gì cả” (bào hao: bắt chước, hùa theo một cách mù quáng).
Chỉ từ một chữ “bào hao”
Mà đem phân tích ra bao vấn đề.
PGS -TS Phạm Văn Tình