Nhật ký hành trình: Ở nơi tiếp giáp của Đức, Bỉ và Hà Lan
Cách không xa Aachen là một trong những thực thể thú vị nhất của địa lý thế giới. Đó là điểm tiếp giáp giữa 3 quốc gia láng giềng có 3 đội tuyển đều đá EURO là Đức, Bỉ và Hà Lan.
Nhưng tôi lại tới nơi ấy bằng một hành trình từ Bỉ qua Hà Lan, sau khi đã lang thang trên con đường 258 của Đức để khám phá cái sự lằng nhằng của những đường biên giới giữa Đức và Bỉ.
Trong những năm tháng lang thang trước đây ở châu Âu, một trong những niềm đam mê lớn lao của tôi chính là "lạc trôi" giữa các đường biên giới các quốc gia. Khi những trạm kiểm soát đường biên đã không còn nữa sau hiệp định Schengen, việc nhận ra mình đã từ nước này sang nước kia chỉ có thể thực hiện được khi chạy chậm ở vùng giáp ranh, rồi reo lên khi thấy một tấm biển màu xanh có những ngôi sao tập hợp thành một vòng tròn, ở giữa có tên quốc gia mình đã tới. Cảm giác ngủ ở một thị trấn vùng biên châu Âu rồi sáng hôm sau sang bên nước bên kia, có khi chỉ cách một cánh đồng, một căn nhà, một con đường uống cafe và ăn sáng lạ lắm, thích thú vô cùng. Rồi nếu lái xe thì bật radio lên, lúc nghe đài nước này, lúc nghe đài nước kia, một cảm giác rất lạ, rất phê, rất thú vị.
Đấy là một châu lục mà những nền văn hoá và ngôn ngữ giao thoa, trong khi những đường biên giới đã luôn "xê dịch" trong suốt tiến trình lịch sử, với những cuộc chiến tranh, những năm tháng triền miên binh đao và biến động trong lịch sử, mà sự nhạy cảm và hiểu biết của người phóng viên giống như cái radar luôn vươn lên để nắm bắt. Và rồi, cái radar ấy đã "tóm" được những đường biên ngoắt ngoéo và chắc đã xê dịch rất nhiều trong quá khứ, với những năm tháng của thời đại Napoleon và hai cuộc đại chiến thế giới. Nó đưa tôi chạy tít tắp đến Aachen để rồi từ đó chạy dọc theo đường 258 đến những nơi như Mutzenich và rồi ngoặt sang Bỉ, chạy tiếp trên đất Hà Lan để đến nơi giao nhau này giữa 3 quốc gia, 1 trong 178 điểm tiếp giáp 3 quốc gia trên thế giới.
3 quốc gia cùng tụ lại ở 1 điểm chính, giống như 3 miếng pho mát hình tam giác tụ lại ở một điểm cắt của dao ăn, mà phần đất Đức thuộc về bang Bắc Rhine-Westphalia, phần đất Bỉ là của vùng Wallonia, còn phần Hà Lan là đất của thành phố Vaals thuộc tỉnh Limbourg. Trong quá khứ, đó từng là nơi mà 4 quốc gia độc lập tụ lại với nhau, với cả một quốc gia trung lập nhỏ xíu có tên Moresnet, một rẻo đất bé tí rộng 3,5 km2 và 3 nghìn dân, tồn tại từ 1830 đến 1919. Mà cái làng nhỏ xíu ấy, tách ra sau khi đế chế của Napoleon sụp đổ, đã từng thuộc về lúc thì Hà Lan, lúc thì Phổ, cuối cùng thuộc về Bỉ, trở thành một trong hàng bao nhiêu vùng lãnh thổ bé tẹo nằm trong những cuộc mặc cả giữa các cường quốc. Người dân cuối cùng và cũng là nhân chứng sống cuối cùng của cái làng độc lập khá li kì ấy, nơi người xung quanh thích sang sống vì thuế rẻ hơn Bỉ và Đức bên cạnh, đã qua đời năm 2020, thọ 105 tuổi.
Tôi đứng chụp ảnh với 3 lá cờ của 3 quốc gia ở điểm mũi tiếp giáp ấy và cảm thấy hết sức thích thú về những hành trình mình đã đi qua trong đời ở khắp muôn nơi. Phía trước 3 lá cờ là một cột đá quay ra 3 hướng, mỗi hướng chỉ một nước, trên đó có tên viết tắt của các quốc gia. Người chụp ảnh cho tôi, một người em quen, đứng ở phía đất Bỉ, bên phải tôi là đất Hà Lan và sau lưng tôi là đất Đức, một cánh rừng xanh mát mắt mà từ đó theo đường chim bay vài cây số là đến Aachen, nơi hơn 2 nghìn năm trước, người La Mã đã đến đây và lập thành phố, và rồi vào thế kỷ thứ 9, Hoàng đế Charlemagne đã chọn đây làm kinh đô của Đế chế Frank, một vùng lãnh thổ rộng lớn bao trùm Pháp, Đức, Thuỵ Sĩ, Italy, Áo, Czech và Hungary hiện nay. Aachen chính vì thế được coi là cái nôi của châu Âu hiện đại.
Tôi thích ý tưởng về một châu Âu không biên giới như thế. Chỉ với một bước chân, ta đã từ nước này sang nước kia mà không cần visa. Và chính tôi đang tận dụng điều tuyệt vời ấy một cách hiệu quả nhất cho việc làm giàu những trải nghiệm của đời mình.
A.N