Góc nhìn chuyên gia: Nếu Cruyff xem Hà Lan thắng…
Ngày 19/6 vừa qua là một ngày đặc biệt: Tròn 50 năm trước, Johan Cruyff đã sáng tạo một động tác độc nhất vô nhị, trong trận vòng bảng World Cup Hà Lan gặp Thụy Điển ở Dortmund (Đức). Ông lấy mặt trong mắt cá chân quặt bóng 180 độ đánh lừa đối thủ, và đi bóng tiếp trong sự ngỡ ngàng của tất cả.
1. Pha bóng này được đặt tên là "Cú ngoặt Cruyff" (Cruyff Turn). Trận ấy, Hà Lan hòa không bàn thắng, nhưng cú ngoặt bóng này đã trở thành huyền thoại, vì nó thể hiện súc tích tư tưởng của Cruyff thành một động tác cụ thể.
"Đấy là sự thông minh thuần khiết" - Ruben Jongkind, tác giả cuốn sách "Kế hoạch Cruyff" và từng là trưởng bộ phận phát triển tài năng của CLB Ajax, trả lời The Athletic. "Đó là thứ năng lực, mà trong không gian và thời gian ngắn nhất, tìm ra một giải pháp - và thực hiện nó một cách hoàn toàn khác biệt. Đó cũng là cách ông ấy suy nghĩ về việc điều hành các câu lạc bộ bóng đá - hãy thật độc đáo với chính bản thân và làm những gì người khác không làm".
"Điều này nhắc tôi nhớ lại một trong những câu nói ưa thích của ông ấy", Van Leeuwen nói thêm. "Mọi bất lợi đều có lợi thế riêng của nó".
Đấy là động tác tinh túy, vì nó cũng nói hết lên nghệ thuật trong triết lý của Cruyff: Anh phải đánh ngay vào điểm mù của đối phương, đồng thời mở ra một chiều không gian hoàn toàn khác để khai thác. Hà Lan khi ấy đã khiến cả thế giới kinh ngạc vì những gì họ đã thực hiện được: Một khối đội hình tổng lực tấn công và phòng ngự, dâng lên nửa sân bắt người để triệt tiêu không gian phải phòng ngự phía sau, và tấn công bằng toàn bộ con người đang có.
2. Tuy nhiên, ở những ngày đỉnh cao của triết lý ấy, Cruyff và Hà Lan đã thua trận chung kết gặp Tây Đức. Họ ghi bàn ngay từ phút thứ 2 khi mà các cầu thủ Đức còn không chạm nổi vào bóng.
Sau đó, Hà Lan chơi bóng một cách kiêu ngạo, và cố giữ bóng vờn chế giễu đối thủ. Nhưng "Hoàng đế" Franz Beckenbauer và các đồng đội của ông đã chơi hiệu quả và bản lĩnh hơn hẳn. Họ gỡ hòa vào phút 25 từ một quả phạt đền, và lội ngược dòng thắng 2-1 sau đó.
Đấy là thất bại có thể làm lung lay triết lý của bất kỳ ai, nhưng với Cruyff, đó lại là sự củng cố. "Đây là cách tôi hiểu ông ấy" - Jongkind nói. "Ông ấy muốn giành chiến thắng, tất nhiên. Nhưng ông ấy xem bóng đá như một phương tiện, không phải là cứu cánh".
Nửa thế kỷ sau, Hà Lan vừa thắng một trận tưng bừng 3-0 trước một đối thủ khó chịu, nhưng dường như không còn dấu vết nào của tư tưởng Cruyff còn sót lại: Romania đã phòng thủ không tốt, thậm chí vô cùng uể oải, để Hà Lan đã ghi ba bàn sau những nỗ lực cá nhân, với hàng loạt những pha xử lý rườm rà và vụng về.
Đấy là trận đấu hay nhất từ đầu giải đến giờ của Hà Lan, với tốc độ và khả năng chớp thời cơ, nhưng thiếu đi một "gia vị" đặc trưng trong triết lý của Cruyff: Sự hợp lý và linh hoạt khi hoán đổi vị trí.
3. Nôm na giống như việc bạn đảo chân lừa bóng với một cái hông cứng đờ, việc chuyền qua lại nhưng không có những pha bóng mở ra - đóng vào các không gian trên sân giữa các vị trí, là một sự thiết sót đáng kể với những ai yêu mến triết lý của Cruyff.
Theo dõi các trận đấu tại EURO 2024 năm nay, bạn có thể thấy tầm ảnh hưởng của Cruyff là rất rõ ràng. Những thành công của Guardiola tại Barcelona, Bayern Munich và Man City đã đẩy nhanh việc triển khai phong cách bóng đá của ông trên khắp lục địa già.
Những gì mà Guardiola đang làm lúc này, với việc tạo ra một hình vuông ở giữa sân bằng cách kéo các hậu vệ biên vào trung lộ, chính là điều mà Cruyff đã làm từ năm 1996 với Barcelona. Cả Tây Ban Nha và Đức hiện tại đang vận hành với những nguyên tắc kế thừa từ tư tưởng của Johan Cruyff.
Nhưng chính đội tuyển áo màu da cam thì lại đang đi một con đường hoàn toàn khác, và nếu Cruyff có xem những chiến thắng hiện tại của họ, có lẽ ông cũng sẽ thờ ơ. Bóng đá với huyền thoại này là phương tiện, chưa bao giờ là một cứu cánh.
Phạm An