loading...
(Du lịch - Thethaovanhoa.vn) - Khi hỏi về lịch sử chợ Đồng Văn, có lẽ cũng không có ai biết chợ có từ bao giờ, chỉ biết cứ vào chủ nhật hàng tuần, người dân quanh vùng lại nhộn nhịp mang các sản phẩm của gia đình tự trồng hoặc tự sản xuất đến đây trao đổi, buôn bán.
Chợ phiên là nơi trung tâm giao thương kinh tế, giao lưu trao đổi buôn bán hàng hóa lớn của đồng bào các dân tộc vùng cao như: Tày, Nùng, Hán, Mông, Hoa, Dao.. Có thể nói, nơi đây hội tụ nhiều sắc màu văn hóa mà không phải nơi nào cũng có được.
Công trình chợ Đồng Văn được xây dựng trong khoảng thời gian từ 1925 đến 1928, được xây trên một khu đất rộng nằm ngay giữa trung tâm thị trấn, là một công trình có kết cấu hình chữ U, được thiết kế theo lối kiến trúc Việt – Hoa, có sự giao thoa rất tinh tế, phù hợp với phong thủy miền cao nguyên, núi đá. Những dãy cột đá ba bốn người ôm được đục đẽo đẹp mắt, các chi tiết đều được chăm chút cẩn thận nhằm tạo nên một khu chợ bề thế, vững chãi giữa lòng chảo thung lũng đá Đồng Văn.
Chợ được phân chia một cách rất khoa học thành từng khu vực chuyên biệt tương ứng với từng chủng loại sản phẩm. Góc này chuyên bán bánh rán đủ các loại, bên kia lại chuyên bán rau củ, rồi khu bán dao, lưỡi cày, lưỡi cuốc, lưỡi xẻng… Ở góc khác của phiên chợ thì bán đủ thứ hàng hóa nhưng phần lớn lại là hàng Trung Quốc.
Những quả táo, quả ớt trông cực ngon mắt, những đôi ủng, đôi dép nhựa sặc sụa mùi nhựa cấp thấp hay những bộ quần áo trẻ con nhiều màu sắc nhưng mỏng tang với sợi chỉ may rối…. Giữa các con đường nhỏ trong chợ, giao dịch ngoại tệ được diễn ra khá nhộn nhịp, người bán kẻ mua tấp nập, hầu như người dân ở đây thường đổi tiền Việt sang nhân dân tệ, tỷ giá thì chắc khoảng 3,6- 3,8
Ở một góc của chợ là nơi tọa lạc của những con lợn cắp nách, những con trâu con bò của đồng bào dân tộc, chúng vẫn kêu thét inh ỏi và chạy loanh quanh tới lui, vẫn gắng sức kéo căng cái sợi dây thắt vòng ngang thân mà chẳng hề biết rằng sẽ mãi không thể thoát thân được.
Điều mình thích nhất ở phiên chợ là có cả chó Mông cộc- giống chó đẹp và rất quý của người bản địa mà cái giá thì vẫn chưa bao giờ là rẻ, cứ phiên chợ là người ta lại dắt vài con xuống bán, con còn nhỏ thì có người mua về nuôi, đã được vài tháng mà to to một chút thì có khi người ta mua về… đem thịt. Đặc biệt chó tại chợ phiên Đồng Văn được bán theo cân chứ không phải bán theo con như ở dưới xuôi.
Những lời mua trả giá, chào hỏi, nói cười bằng tiếng Mông, tiếng Kinh, tiếng Hoa và nhiều thứ tiếng dân tộc khác rộn ràng vang khắp phiên chợ tạo nên một bầu không khí cực kỳ náo nhiệt và sầm uất, không thua bất cứ một phiên chợ dưới xuôi nào.
Mục đích đến chợ phiên của đồng bào các dân tộc miền núi quả thật rất khác với người Kinh ở dưới xuôi. Nếu chợ dưới xuôi chỉ là nơi trao đổi, buôn bán hàng ngày thì ở nơi này, chợ còn là nơi giao lưu, gặp gỡ bạn bè, người thân và cả người yêu sau một thời gian xa cách. Vì vậy, chợ phiên đã trở thành một phần gần gũi và cũng không kém phần thiêng liêng trong đời sống, văn hóa của đồng bào nơi đây chứ không đơn thuần chỉ là một cái “chợ”.
Một nét đẹp vô cùng bình dị ở nơi đây mà bất cứ ai nào ghé thăm chợ phiên này đều nhận thấy đó là người dân đến với chợ phiên thường đi cả gia đình, những người phụ nữ trong gia đình thì mua bán trao đổi hàng hóa, bên cạnh đó thì những ông chồng ngồi bên những ly rượu ngô và những bát thắng cố ngồi tâm sự, rít thuốc lào rồi uống rượu…; trẻ em theo bố mẹ đi chơi chợ để mua quần áo đẹp rồi ăn đồ ăn ngon; thanh niên nam nữ đến chợ để giao lưu kết bạn…
Ở Đồng Văn không chỉ có chợ phiên Đồng Văn mà còn có các chợ phiên khác như:
Chợ Sủng Trái- họp thường xuyên vào các ngày Sửu (ngày con Trâu) và ngày Mùi (ngày con Dê) hằng tháng.
Chợ Lũng Phìn- Họp vào ngày Dần và ngày Thân
Chợ Phố Cáo- Họp vào ngày Thìn và ngày Tuất (thường họp từ rất sớm và kết thúc vào buổi trưa)
Chợ Xà Phìn (gần dinh họ Vương) – Họp vào ngày Tỵ và ngày Hợi
Chợ Sủng Là- Họp lùi
Chợ Ma Lé- Họp vào ngày Tý và ngày Ngọ
Chợ Lũng Cú- Họp vào ngày Mùi và ngày Sửu
Chợ Phó Bảng- Họp vào ngày Ngọ và ngày Tý
Bài & Ảnh: Thu Hương
loading...