Du lịch ẩm thực - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế của Thái Lan
Khu vực tư nhân của Thái Lan có tham vọng thúc đẩy đất nước này trở thành trung tâm thực phẩm toàn cầu vào năm 2026, với giá trị thương mại thực phẩm của quốc gia dự kiến sẽ vượt 700 tỷ baht (20,3 tỉ USD) vào năm tới.
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, trao đổi với báo giới, bà Taniwan Koonmongkon, Chủ tịch Hiệp hội Nhà hàng Thái Lan cho biết giá trị thương mại thực phẩm tại Thái Lan dự kiến sẽ đạt 690 tỷ baht trong năm nay, với tốc độ tăng trưởng dự kiến là 5%, có khả năng vượt 700 tỷ baht vào năm tới nếu không có rủi ro bên ngoài đáng kể nào xuất hiện.
Trong động thái nhằm thúc đẩy du lịch ẩm thực như một động lực quan trọng của doanh thu quốc gia và là một khía cạnh quan trọng của "sức mạnh mềm" của Thái Lan, bà Taniwan cho biết hiệp hội của bà đã hợp tác với Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT), Trung tâm Bán buôn Thực phẩm Phenix, Phòng Thương mại Thái Lan, Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan, Văn phòng Quỹ thúc đẩy sức khỏe Thái Lan và các đối tác khác để tổ chức Hội chợ Du lịch Thực phẩm Thái Lan 2024 (TFTM 2024), diễn ra tại Trung tâm Mua sắm Phenix từ ngày 22-24/11.
Tổng cục trưởng TAT Thapanee Kiatphaibool cho biết du lịch ẩm thực và sức mạnh mềm của ẩm thực đại diện cho những nỗ lực du lịch trong lĩnh vực này của Thái Lan nhằm thu hút du khách nước ngoài. Bà Thapanee cho biết đến năm 2025, Thái Lan đặt mục tiêu chào đón 39 triệu du khách quốc tế, trong đó ẩm thực Thái Lan đóng vai trò quan trọng trong việc tăng doanh thu du lịch lên 3.400 tỷ baht.
Theo bà Thapanee, TFTM 2024 sẽ thúc đẩy sự hợp tác giữa ngành du lịch và ngành công nghiệp thực phẩm của Thái Lan để nâng cao sự hiện diện toàn cầu của "xứ sở Chùa Vàng".
Bên cạnh đó, bà Taniwan cũng lưu ý rằng Hiệp hội Nhà hàng Thái Lan và Phòng Thương mại Thái Lan (TCC) gần đây đã nỗ lực cải thiện hình ảnh của cá vược Thái Lan, loại cá liên tục có giá thấp kể từ năm 2019, làm giảm giá trị của thị trường hơn 50% từ 6 tỷ baht mỗi năm trước đây xuống chỉ còn 3 tỷ baht mỗi năm hiện tại. Cụ thể, TCC đang hỗ trợ sáng kiến nuôi cá vược theo các biện pháp nuôi trồng thủy sản tốt nhằm mục đích nâng cao khả năng cạnh tranh của thị trường cá vược của nước này.
Ngành nuôi cá vược của Thái Lan đã phải đối mặt với nhiều thách thức kể từ năm 2019 khi Malaysia chuyển trọng tâm từ nuôi tôm thẻ chân trắng sang nuôi cá vược. Do đó, Malaysia bắt đầu xuất khẩu cá vược sang Thái Lan theo Hiệp định Thương mại tự do ASEAN với mức thuế suất 0%. Trên thực tế, chi phí sản xuất của nông dân Malaysia thấp hơn so với các đối tác Thái Lan đã tác động đáng kể đến người nuôi cá vược Thái Lan.
Hiện TCC, Hiệp hội Nhà hàng Thái Lan và Hiệp hội Người nuôi cá vây biển Thái Lan đang nỗ lực thúc đẩy việc tiêu thụ cá vược an toàn, tươi, sạch và không có mùi trong phạm vi nước này. Bà Taniwan cho biết dự kiến sau TFTM 2024, sẽ có sự gia tăng đáng kể về đơn đặt hàng, giúp tạo ra doanh thu cho người nuôi cá và tăng thêm giá trị cho ngành kinh doanh nhà hàng.