Wimbledon nhức nhối vì trào lưu giấu chấn thương để lĩnh thưởng
(Thethaovanhoa.vn)- Chỉ mất tầm 40 phút để giành vé vào vòng trong ở Wimbledon nhưng Roger Federer và Novak Djokovic chẳng lấy gì làm vui vẻ. Thậm chí, họ cảm thấy buồn trước vấn nạn đang trên đường trở thành "trào lưu" trong thế giới quần vợt.
- Tennis ngày 5/7: Nadal muốn né Federer ở CK Wimbledon. Tomic bị chỉ trích làm ô nhục tennis Australia
- Vì sao Roger Federer là ứng viên số một cho chức vô địch Wimbledon 2017?
- Tennis ngày 3/7: Đối thủ của Murray chê Federer và Nadal nhàm chán. Wozniacki phản bác McEnroe về Serena
Wimbledon 2017 được dự đoán sẽ hấp dẫn, kịch tính ngay từ ban đầu với sự xuất quân của hàng loạt ngôi sao như Djokovic hay Federer. Nhưng trái với dự đoán của người hâm mộ, vấn nạn chấn thương đã khiến những ngày thi đấu đầu tiên của nội dung đơn nam vô cùng nhàm chán.
Djokovic chỉ mất 40 phút để có chiến thắng trước đối thủ người Slovakia, Martin Klizan. Nole thắng 6-3 trong set 1 và khi đang dẫn 2-0 ở set 2, Martin Klizan xin bỏ cuộc vì gặp chấn thương bắp chân. Ngôi sao người Serbia nghiễm nhiên giành quyền đi tiếp mà chẳng hề tốn sức. Giống Djokovic, Federer cũng có một ngày thi đấu nhàn hạ. Anh chỉ mất 43 phút để giành vé vào vòng trong khi đối thủ Alexandr Dolgopolov xin rút lui vì chấn thương mắt cá chân.
Thống kê cho thấy Wimbledon mới khởi tranh 2 ngày nhưng có tới 7 tay vợt nam và 1 tay vợt nữ bỏ cuộc giữa chừng. Điều đáng nói, hầu hết các trường hợp đều là tái phát chấn thương đã gặp trước khi tham dự giải đấu. Thậm chí, 2 tay vợt Feliciano Lopez, Viktor Troicki dù bỏ cuộc ở nội dung đơn nam vì chấn thương nhưng sau đó lại tiếp tục thi đấu ở nội dung đánh đôi.
Vì sao lại có "hiện tượng" như vậy?
Tại Wimbledon, tay vợt sẽ bỏ túi 35.000 bảng dù họ có bỏ cuộc ngay vòng 1. Ở nội dung đánh đôi, chỉ cần tham dự, họ sẽ nhận thêm 5.375 bảng tiền thưởng. Theo truyền thông Anh, cách chia thưởng này khiến nhiều tay vợt cố ra sân thi đấu dù biết mình sẽ sớm phải bỏ cuộc vì không đảm bảo thể lực.
Federer rất bức xúc trước thực trạng này. Chia sẻ sau trận thắng chóng vánh trước Dolgopolov, FedEx nói: "Một tay vợt không nên ra sân nếu anh ta biết rằng mình không đủ thể lực để chơi tới hết trận. Tôi nghĩ họ nên từ bỏ ngay từ ban đầu".
David Felgate, cựu huấn luyện viên của Tim Henman, cũng chỉ trích nặng nề những tay vợt bỏ cuộc đánh đơn nhưng vẫn tham gia đánh đôi. Ông cho rằng ban tổ chức cần phải "cấm" việc đó, chỉ trừ trường hợp các tay vợt bị ngộ độc thực phẩm trong vòng 24 giờ hoặc nảy sinh vấn đề sức khỏe trong thời gian ngắn. "Thật không hay khi chỉ ra sân để nhận tiền. Họ cần phải tạo cho người khác cơ hội cạnh tranh thực sự", ông Felgate nói với Telegraph.
Tay vợt người Anh, Johanna Konta, có cùng quan điểm. Cô cho rằng cần có sự thay đổi trong quy định chia tiền thưởng để người chơi có trách nhiệm hơn với người hâm mộ. "Cần có sự tôn trọng với những người đã bỏ tiền ra mua vé để xem bạn thi đấu. Tôi nghĩ việc này cần phải xem lại. Các tay vợt cần phải tôn trọng người hâm mộ".
Tại Wimbledon, mỗi người hâm mộ phải bỏ ra ít nhất 56 bảng để mua một tấm vé vào sân. Tuy nhiên, các trận đấu kết thúc quá nhanh khiến họ vừa thất vọng vừa bực tức. Như trận đấu của Federer và Djokovic, người hâm mộ tới chật kín sân nhưng chẳng lâu sau phải ra về trong thất vọng. Đó là một tiền lệ vô cùng xấu đối với một Grand Slam lâu đời và danh tiếng như Wimbledon.
K.Đ