'Vua sân đất nện' Rafael Nadal giải nghệ nhưng di sản để lại không ai có thể sánh bằng

Rafael Nadal chính thức giải nghệ. Nhưng di sản của tay vợt có biệt danh "Vua sân đất nện" sẽ mãi mãi tồn tại trong lịch sử làng banh nỉ thế giới.
21/11/2024 06:31
P. Văn (tổng hợp)

Rafael Nadal chính thức giải nghệ. Nhưng di sản của tay vợt có biệt danh "Vua sân đất nện" sẽ mãi mãi tồn tại trong lịch sử làng banh nỉ thế giới.

Rafael Nadal nói rằng anh sẽ chỉ để cảm xúc bộc lộ vào thời khắc cuối cùng. Nhưng điều đó đã thay đổi khi những giai điệu đầu tiên của nhạc phẩm"Marcha Real" vang lên trên sân đấu Martin Carpena Arena. Đứng cùng các đồng đội của đội tuyển Tây Ban Nha, ánh mắt của Nadal nhìn chằm chằm lên tầng trên của khán đài chật kín khán giả. Dù cố giữ bình tĩnh, đôi mắt anh vẫn rưng rưng.

Câu chuyện về việc Nadal giải nghệ đã bao trùm Davis Cup lần này, dù anh cố gắng hướng sự chú ý về đội tuyển thay vì bản thân. "Tôi không ở đây để giải nghệ; tôi đến để giúp đội chiến thắng," Nadal nói hôm thứ Hai.

'Vua sân đất nện' Rafael Nadal giải nghệ, để lại di sản không ai có thể sánh bằng - Ảnh 1.

Nhưng ở bên ngoài sân, một biểu ngữ khổng lồ chạy quanh sân vận động gần đó với dòng chữ "Gracias Rafa" (Cảm ơn Rafa). Giá vé cho trận tứ kết gặp Hà Lan đã tăng vọt khi mọi người đều muốn chứng kiến lần cuối một trong những VĐV vĩ đại nhất của Tây Ban Nha. Ngay cả Roger Federer cũng viết một lời tri ân dài 585 từ dành cho Nadal, người bạn thân lâu năm của mình.

Kể từ khi Nadal tuyên bố vào ngày 10/10 rằng đây sẽ là lần cuối anh thi đấu, tất cả mọi thứ dường như đã xoay quanh anh, dù anh muốn hay không.

Kết quả là Nadal để thua Botic van de Zandschulp với tỷ số 4-6, 4-6. Trong trận đấu, người ta vẫn thấy những hình ảnh quen thuộc của Nadal, người từng giành 22 Grand Slam, thống trị Roland Garros và khẳng định mình là một trong những huyền thoại vĩ đại nhất. Những tiếng vỗ tay, tiếng hô "Vamos!" vang lên sau các điểm số quan trọng. Ngay cả ở cuối sự nghiệp, chỉ có Nadal mới có thể khuấy động đám đông theo cách ấy.

Nhưng thực tế là Nadal đã 38 tuổi. Anh từng nói rằng cơ thể mình không còn đáp ứng được mong muốn cạnh tranh. Dù vẫn thi đấu đầy nhiệt huyết, nhưng đôi chân anh không còn theo kịp ý chí.

Tây Ban Nha đã bị loại khỏi Davis Cup sau thất bại ở trận đánh đôi, khép lại sự nghiệp huyền thoại của Nadal. "Tôi muốn được nhớ đến như một người tốt, một cậu bé đã theo đuổi ước mơ và đạt được nhiều hơn những gì tôi từng tin là có thể," anh nói.

Sự nghiệp của Nadal bắt đầu ở Manacor, Tây Ban Nha, cách địa điểm diễn ra Davis Cup ở Málaga hơn 800 km. Tại đây, dưới sự hướng dẫn nghiêm khắc của chú Toni Nadal, tài năng của anh nhanh chóng phát triển. Nadal là một thách thức lớn cho các đối thủ: một tay vợt thuận tay trái với khả năng đánh topspin độc đáo.

Anh chuyển sang chuyên nghiệp vào năm 2001 khi mới 14 tuổi, giành trận thắng ATP đầu tiên vào năm 15 tuổi và trở thành tay vợt 16 tuổi đầu tiên lọt vào top 100 thế giới kể từ Michael Chang năm 1988.

Nadal được dẫn dắt bởi Carlos Moya, nhà vô địch Pháp Mở rộng 1998 và cũng là người bạn thân thiết của anh. Ở lần chạm trán đầu tiên tại Hamburg Masters 2003, Nadal lúc ấy 16 tuổi đã bất ngờ đánh bại Moya, khi đó đang đứng thứ 4 thế giới.

"Cậu ấy rất nhút nhát và hồi hộp. Sau trận đấu còn nói 'Tôi xin lỗi, tôi đã thắng'. Tôi chỉ nói, 'Không sao đâu'," Moya kể lại. "Tôi biết rằng đó sẽ là lần đầu trong nhiều chiến thắng tiếp theo. Tôi tin cậu ấy sẽ trở thành một tay vợt vĩ đại."

Năm 2004, Nadal lần đầu đối đầu Roger Federer, người khi đó đang là số 1 thế giới. Nadal giành chiến thắng bất ngờ tại Miami Open với tỷ số 6-3, 6-3. Một năm sau, họ gặp lại ở Roland Garros, nơi Nadal đánh bại Federer trong trận bán kết.

'Vua sân đất nện' Rafael Nadal giải nghệ, để lại di sản không ai có thể sánh bằng - Ảnh 2.

Nadal thắng Roger Federer lần đầu tiên vào năm 2004

Roland Garros luôn là ngôi nhà của Nadal

Roland Garros sẽ mãi được coi là ngôi nhà thứ hai của Rafael Nadal. Anh ra mắt giải đấu vào tháng 5/2005 và đối thủ đầu tiên là Lars Burgsmuller, 29 tuổi. "Mọi người đều nói về cậu ấy," Burgsmuller kể lại vào năm 2015. "Cậu ấy có phong độ rất tốt, đang trên đà thăng tiến. Ai cũng biết rằng cậu ấy sẽ trở thành một tay vợt xuất sắc."

Đúng vào sinh nhật lần thứ 19, Nadal đối đầu hạt giống số 1 Roger Federer ở bán kết. Federer là người được khán giả Pháp yêu thích, nhưng Nadal mới là người giành chiến thắng. "Chúng ta sẽ không thấy ai giống cậu ấy trong ít nhất năm năm nữa," Federer nói sau trận đấu. "Việc Nadal tiếp tục phong độ như vậy tại Roland Garros thật sự rất đặc biệt."

Chỉ vài ngày sau, khi đánh bại Mariano Puerta ở trận chung kết, Nadal lần đầu tiên nâng cao chức vô địch Pháp mở rộng. Lưng anh phủ đầy đất nện khi màn ăn mừng ngã xuống sân với tay chân dang rộng đã trở thành một biểu tượng. Đó cũng là lần đầu tiên Nadal để cảm xúc bộc lộ.

"Tôi đã nghĩ mình sẽ thua sau khi anh ấy thắng set đầu tiên," Nadal chia sẻ. "Nhưng tôi chiến đấu vì từng điểm số. Tôi chiến đấu và tiếp tục chiến đấu. Những khoảnh khắc như vậy mang lại động lực đặc biệt. Khi bạn đạt được mục tiêu, đó là một cảm giác phi thường. Đây là lần đầu tiên tôi khóc sau một trận đấu."

Từ năm 2021, tại Roland Garros đã có một bức tượng vinh danh Nadal, một cấu trúc thép khổng lồ bên ngoài sân Philippe Chatrier. Khi bức tượng được khánh thành, Nadal vẫn đang thi đấu trên mặt sân đất nện chỉ cách đó vài trăm mét. Sau đó, anh giành thêm một danh hiệu nữa tại đây vào năm 2022.

Di sản của Nadal rực rỡ nhất trên mặt sân đất nện này: 14 trong tổng số 22 danh hiệu Grand Slam của anh đến từ đây, với tỷ lệ chiến thắng kinh ngạc 96,5%.

'Vua sân đất nện' Rafael Nadal giải nghệ, để lại di sản không ai có thể sánh bằng - Ảnh 3.

Màn ăn mừng ngã xuống sân với tay chân dang rộng đã trở thành một biểu tượng

Hành trình sự nghiệp vinh quang

Những kỷ lục của Nadal trên sân đất nện giúp anh có biệt danh "ông vua sân đất nện". Nhưng Nadal còn sở hữu nhiều danh hiệu khác và nó giúp anh trở thành một trong những tay vợt vĩ đại nhất lịch sử.

Trong số đó có chiến thắng ở trận chung kết Wimbledon 2008 trước Federer. Chiến công này được xem là xếp vào hàng một trong những trận đấu hay nhất mọi thời đại. Anh cũng ghi dấu ấn hai danh hiệu Úc Mở rộng. Lần đầu tiên là năm 2010. Lần thứ hai đến vào năm 2022, chỉ vài tháng sau khi Nadal nghĩ đến việc giải nghệ. Ngoài ra, Nadal còn giành 4 danh hiệu Mỹ Mở rộng, 2 huy chương vàng Olympic (đơn và đôi), cùng 4 chức vô địch Davis Cup.

Trong sự nghiệp của mình. sự cạnh tranh của Nadal và Federer là một trong những chương đáng nhớ nhất của quần vợt thế giới. Họ đã gặp nhau tổng cộng 40 lần, Nadal giành chiến thắng 24 trận, với thành tích 14-10 trong các trận chung kết.

Nhưng bên cạnh sự cạnh tranh, họ cũng là những người bạn thân thiết. Một bức ảnh nổi tiếng chụp họ tại Laver Cup 2022, khi cả hai nắm tay nhau và khóc trong ngày Federer giã từ sự nghiệp.

"Tôi có bức ảnh đó ở nhà, được đóng khung," Federer chia sẻ vào tháng 6. "Mỗi khi đi ngang qua, tôi đều chú ý đến nó vì bức ảnh phản ánh tình bạn, sự cạnh tranh, và cả tình đồng đội của chúng tôi. Tất cả gói gọn trong một hình ảnh duy nhất. Đó là một khoảnh khắc tuyệt vời, ngắn ngủi, khi tôi nắm tay cậu ấy để bày tỏ lòng biết ơn."

Với Nadal, Federer luôn là mục tiêu để anh vượt qua. Novak Djokovic, người sau này lập kỷ lục Grand Slam, bắt đầu sự nghiệp muộn hơn và phải cố gắng rất nhiều để đuổi kịp cả hai.

'Vua sân đất nện' Rafael Nadal giải nghệ, để lại di sản không ai có thể sánh bằng - Ảnh 4.

Với Nadal, Federer luôn là mục tiêu để anh vượt qua

"Đối với tôi, Federer luôn là người cần phải đánh bại," Nadal nói vào năm 2022. "Chúng tôi có lẽ là những đối thủ lớn nhất của nhau, nhưng luôn trong sự tôn trọng. Phong cách thi đấu đối lập của chúng tôi khiến các trận đấu và sự cạnh tranh này càng trở nên đặc biệt và thú vị."

Phong cách thi đấu đối lập của Rafael Nadal và Roger Federer được phản ánh cả qua gu thời trang của họ. Trước trận chung kết Wimbledon 2008, Federer xuất hiện với áo cardigan thiết kế riêng, thêu logo RF, cùng áo polo trắng hoàn hảo. Trong khi đó, Nadal diện áo ba lỗ trắng không tay và quần short dài quá đầu gối.

Nhưng phong cách của Nadal dần thay đổi theo thời gian. Đến năm 2010, anh bắt đầu mặc áo thun tay ngắn và quần short với chiều dài tiêu chuẩn hơn. "Tôi thấy tiếc khi cậu ấy từ bỏ kiểu quần 'cướp biển' và áo ba lỗ," Federer chia sẻ vào năm 2010. "Tôi nghĩ phong cách của chúng tôi đối lập rõ ràng hơn khi đó. Tôi thật sự nhớ điều đó."

Năm 2010, Nadal trở thành tay vợt trẻ nhất hoàn thành Grand Slam sự nghiệp (thắng cả bốn giải Grand Slam) sau khi đánh bại Novak Djokovic ở trận chung kết Mỹ Mở rộng ở tuổi 25. Nhưng đằng sau ánh hào quang, cơ thể Nadal bắt đầu làm anh mệt mỏi, mở ra cuộc chiến không hồi kết giữa thể chất và tinh thần. Nadal liên tục bị giằng xé giữa những trăn trở nên giải nghệ hay tiếp tục để giành thêm một danh hiệu lớn.

Điểm yếu lớn nhất của Nadal là bàn chân trái. Ngay từ những ngày mặc quần capri, bàn chân này đã là vấn đề. Anh gặp bị gãy xương vào năm 2004. Sau đó gặp lại vấn đề tương tự vào cuối mùa giải 2005 và đầu năm 2006. Đã có tin đồn rằng chấn thương này là mãn tính.

Đến năm 2009, Nadal tiết lộ anh bị viêm gân ở cả hai đầu gối. Đây là vấn đề tiếp tục ám ảnh sự nghiệp của anh trong ba năm sau đó. Dù vậy, Nadal vẫn tiếp tục giành chiến thắng, nhưng ngày càng phải chịu đựng nhiều hơn.

Trong tự truyện năm 2011, "Rafa: Câu chuyện của tôi", anh viết về sự cần thiết của việc xem mỗi trận đấu như trận cuối cùng. "Chúng tôi rất may mắn, nhưng cái giá phải trả là sự nghiệp của chúng tôi kết thúc ở độ tuổi không tự nhiên. Thậm chí tệ hơn, chấn thương có thể chấm dứt hành trình của bạn bất cứ lúc nào. Vì vậy, bạn phải tận hưởng từng cơ hội như thể đó là lần cuối cùng."

Rất khó để xác định thời điểm chính xác khi những vấn đề của Nadal trở nên nghiêm trọng. "Thành thật mà nói, tôi đã chịu đựng nhiều hơn mức đáng có với bàn chân của mình trong suốt một năm qua," Nadal chia sẻ vào tháng 8/2021. Một tháng sau, anh tiếp tục làm dấy lên lo ngại về khả năng giải nghệ: "Tôi không biết khi nào mình sẽ thi đấu trở lại. Nhưng trong đầu tôi, mục tiêu vẫn rất rõ ràng và tôi tin mọi thứ sẽ tiến triển tích cực."

Ngược với mọi dự đoán, Nadal trở lại Úc Mở rộng 2022 và bắt đầu giành chiến thắng. Ở giải đấu này, Nadal dường như thi đấu với tinh thần thoải mái hơn, ít áp lực hơn và trân trọng những gì mình đã đạt được. Anh như đang thử thách xem mình có thể tận hưởng bao nhiêu niềm vui trong quãng thời gian còn lại của sự nghiệp.

Trước giải đấu, Djokovic, Federer và Nadal đều có 20 Grand Slam. Đến cuối giải, sau chiến thắng trước Daniil Medvedev trong trận chung kết, Nadal có 21 danh hiệu. Và 4 tháng sau, anh giành được danh hiệu thứ 22, cũng là danh hiệu cuối cùng trong sự nghiệp.

Sau chiến thắng tại chung kết Pháp Mở rộng 2022 trước Casper Ruud, Nadal đứng giữa trung tâm sân Philippe-Chatrier, trước đám đông người hâm mộ cuồng nhiệt. Anh vừa trở thành nhà vô địch nam lớn tuổi nhất tại giải khi đã 36 tuổi. Khi những giai điệu "Bella Ciao" và "Olé, Olé!" lắng xuống, mọi người háo hức chờ nghe những lời từ Nadal. Tin đồn giải nghệ lan truyền khắp nơi và khán giả như nín thở chờ đợi. Nhưng Nadal chưa sẵn sàng.

"Tôi không biết điều gì sẽ xảy ra trong tương lai. Tôi sẽ tiếp tục chiến đấu để tiến lên," Nadal nói sau đó nhận được những tràng vỗ tay rất lớn. Nhưng đó cũng là lần cuối cùng chúng ta thấy anh ở phong độ đỉnh cao tại Roland Garros.

'Vua sân đất nện' Rafael Nadal giải nghệ, để lại di sản không ai có thể sánh bằng - Ảnh 5.

Bất chấp những chấn thương, Nadal vẫn vô địch Úc mở rộng 2022

Vài giờ sau trận chung kết Pháp Mở rộng 2022, Nadal tiết lộ rằng trong suốt hai tuần thi đấu, anh không hề cảm nhận được bàn chân trái của mình. Trước mỗi buổi tập luyện hoặc trận đấu, anh đều phải tiêm để làm tê dây thần kinh ở khu vực bị chấn thương. Chấn thương này khiến anh đau đớn ngay cả khi đi lại, chưa nói đến việc chơi quần vợt. Sau Roland Garros, Nadal đã trải qua thủ thuật nhằm nhắm vào dây thần kinh gây đau nhức ở bàn chân.

Phương pháp này giúp cải thiện bàn chân của anh, nhưng Nadal lại đối mặt với các chấn thương ở bụng và hông, khiến anh phải nghỉ phần lớn mùa giải 2023.

Tháng 5/2023, Nadal tổ chức một cuộc họp báo tại Học viện quần vợt Rafa Nadal ở Manacor, nơi anh chia sẻ về kế hoạch tương lai. "Dù trong tâm trí, tôi vẫn muốn tiếp tục, nhưng cơ thể đã bảo rằng, đây là giới hạn. Bạn không bao giờ biết mọi thứ sẽ ra sao, nhưng tôi dự định rằng năm 2024 sẽ là năm cuối cùng của tôi. Tôi không đáng phải kết thúc sự nghiệp trong một buổi họp báo."

Nadal đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc giải nghệ. Các học viện quần vợt mang tên anh đã được thành lập ở Mexico, Hy Lạp, Kuwait, Hong Kong và Ai Cập, nơi các tay vợt Felix Auger-Aliassime, Casper Ruud, Lorenzo Sonego và Emil Ruusuvuori từng tập luyện. Anh cũng sở hữu chuỗi nhà hàng tại Madrid, Ibiza và Valencia, đồng thời đầu tư vào bất động sản, khách sạn và năng lượng tái tạo.

Năm 2013, Nadal ra mắt dòng sản phẩm thời trang của riêng mình hợp tác với Nike, với logo hình cặp sừng bò tượng trưng cho biệt danh "Raging Bull". Ngoài ra, tình yêu của anh dành cho Real Madrid là điều không thể phủ nhận. Đã có nhiều tin đồn rằng Nadal có thể trở thành chủ tịch câu lạc bộ bóng đá này sau khi giải nghệ. Một nguồn tin tiết lộ với ESPN rằng điều đó hoàn toàn có khả năng xảy ra, dù thời gian cụ thể vẫn chưa rõ.

Ảnh hưởng của Nadal vượt xa sân đấu

Tầm ảnh hưởng của Nadal đã truyền cảm hứng cho thế hệ ngôi sao tiếp theo, như Carlos Alcaraz. "Rafa là người hùng của tôi từ khi còn nhỏ," Alcaraz chia sẻ vào năm 2023.

Ngay cả những người từng thất bại trước Nadal cũng trân trọng ký ức này. "Tôi hy vọng một ngày nào đó sẽ kể với các cháu rằng tôi đã từng đấu với Rafa trên sân Chatrier trong trận chung kết, và chắc chắn chúng sẽ thốt lên, 'Wow, thật sao?'" Ruud chia sẻ sau khi thua Nadal trong trận chung kết Pháp Mở rộng 2022. "Tôi sẽ nói, 'Đúng vậy'."

Trận đánh đơn cuối cùng của Nadal tại Roland Garros là vào tháng 5/2022 trước Alexander Zverev. Sau hơn ba giờ đồng hồ, Nadal thua Zverev trong hai set liên tiếp. "Nếu đây là lần cuối cùng tôi chơi ở đây, tôi cảm thấy hài lòng với chính mình," Nadal nói. "Tôi đã cố gắng hết sức để sẵn sàng cho giải đấu này trong gần 20 năm. Và hôm nay, cùng với hai năm qua, tôi đã trải qua những giai đoạn khó khăn nhất trong sự nghiệp quần vợt của mình. Tôi ước mơ quay lại đây. Ít nhất tôi đã làm được điều đó. Tôi thua, nhưng đó là một phần của trò chơi."

Nadal tham gia cả nội dung đánh đơn và đôi tại Thế vận hội, thi đấu cùng Alcaraz ở nội dung đôi và vào đến tứ kết, trước khi thua Djokovic ở vòng hai nội dung đơn. "Quay lại năm 2006, tôi không nghĩ chúng tôi sẽ đối đầu nhau trên sân tại Thế vận hội," Djokovic chia sẻ. "Tôi nghĩ cả hai đều rất trân trọng trận đấu này. Tôi tin rằng sự cạnh tranh của chúng tôi, và cả với môn thể thao này, là điều rất đặc biệt."

Djokovic hiện là thành viên cuối cùng của "Big Three" còn thi đấu và đang dẫn đầu với 24 danh hiệu Grand Slam, hơn Federer 4 danh hiệu và Nadal 2 danh hiệu. Dù Djokovic tiếp tục bổ sung thêm vào bộ sưu tập đáng nể của mình, anh thừa nhận sẽ không đối thủ nào anh cảm thấy có sức hút như khi Nadal hay Federer.

'Vua sân đất nện' Rafael Nadal giải nghệ, để lại di sản không ai có thể sánh bằng - Ảnh 6.

Djokovic luôn coi Nadal là động lực để chiến đấu

"Khi Nadal thông báo rằng năm sau sẽ là năm cuối cùng trong sự nghiệp, tôi cảm thấy như một phần của mình cũng đang rời đi cùng cậu ấy," Djokovic chia sẻ vào tháng 11 năm ngoái. "Cậu ấy là một trong những người có ảnh hưởng lớn nhất trong sự nghiệp của tôi, trong sự phát triển của tôi với tư cách một tay vợt và một con người. Chúng tôi luôn cạnh tranh, thúc đẩy lẫn nhau, xem ai sẽ đạt được nhiều hơn, ai sẽ làm tốt hơn. Điều đó mang lại cho tôi động lực rất lớn."

Anh nói thêm: "Cậu ấy là một chiến binh vĩ đại. Là người không bao giờ bỏ cuộc. Với tất cả những chấn thương mà cậu ấy đã trải qua, cậu ấy vẫn tiếp tục tiến lên. Đó là điều mà bạn phải tôn trọng và ngưỡng mộ ở tinh thần của cậu ấy."

Buổi họp báo của đội tuyển Tây Ban Nha vào thứ Hai ở Málaga đã kín chỗ. 6 thành viên của đội ngồi ở bàn họp, nhưng mọi sự chú ý đều đổ dồn vào Rafael Nadal. Anh trả lời các câu hỏi về việc giải nghệ và ý nghĩa của nó, nhưng liên tục nhấn mạnh tầm quan trọng của đội trong tuần thi đấu. Trong khi đó, Carlos Alcaraz, Roberto Bautista Agut, Marcel Granollers, Pedro Martinez Portero và đội trưởng David Ferrer ngồi im lặng lắng nghe.

"Anh ấy thật đặc biệt," Ferrer nói, trong một khoảnh khắc hiếm hoi nhận được câu hỏi trực tiếp. "Tôi từng phải chịu đựng khi đấu với anh ấy nhiều lần trên sân. Giờ đây, tôi lại phải chịu đựng khi ở bên anh ấy ngoài sân. Chúng tôi thật may mắn khi có anh ấy bên cạnh hôm nay."

Cuối cùng, Nadal nói rằng anh có thể tiếp tục thi đấu thêm một năm nữa. Nhưng cơ thể và tâm trí đều bảo với anh rằng đã đến lúc kết thúc ở quê hương Tây Ban Nha. "Những điều tôi đã trải qua khiến tôi cảm thấy rằng mình không còn khả năng cạnh tranh ở mức cao nhất. Tôi không thể tận hưởng điều đó theo cách tôi muốn. Vì vậy, cuối cùng tôi tự hỏi, liệu tôi có thể chịu đựng thêm một năm nữa, nhưng để làm gì? Để nói lời tạm biệt ở từng giải đấu?

"Tôi không có cái tôi lớn đến mức cần điều đó. Với tôi, ngày hôm nay việc tiếp tục không còn ý nghĩa khi biết rằng tôi không còn khả năng thi đấu theo cách tôi muốn, vì cơ thể tôi không cho phép điều đó xảy ra thường xuyên."

Tuy nhiên, Nadal thừa nhận rằng anh không hối tiếc khi giải nghệ. Anh không dùng những lời sáo rỗng mà thay vào đó thẳng thắn nhìn nhận về những hạn chế của mình.

"Tôi không phải kiểu người sẽ nói rằng mình không muốn thay đổi gì, bởi vì với tôi điều đó thật kiêu ngạo. Tôi muốn thay đổi nhiều thứ, nhưng một điều quan trọng với tôi là sẽ chia tay các giải đấu chuyên nghiệp với niềm tin rằng tôi đã nỗ lực hết mình ở gần như mọi khoảnh khắc."

Lời chia tay xúc động

Ở Davis cúp vừa qua, Ferrer quyết định để Nadal ra sân ở nội dung đơn vào thứ Ba. Ông muốn Nadal khuấy động đám đông, tạo nên bầu không khí cuồng nhiệt của quần vợt Tây Ban Nha. Đám đông 11.300 người hô vang "Sí se puede!" ("Bạn có thể làm được!"), cổ vũ Nadal lần cuối. Mẹ của anh, bà Ana Marie, vợ Mery, chị gái Maribel và cậu con trai nhỏ Rafa Jr. cũng có mặt trên khán đài ở Málaga. Việc chứng kiến Nadal thi đấu lần cuối đã gợi lại tất cả những ký ức. Từ một Nadal trẻ trung trong chiếc quần lửng đến một người đàn ông, người cha, người chồng và huyền thoại của môn thể thao này.

'Vua sân đất nện' Rafael Nadal giải nghệ, để lại di sản không ai có thể sánh bằng - Ảnh 7.

Chia tay một huyền thoại của lịch sử quần vợt

Thực tế, dù Nadal bắt đầu trận đấu tốt trước Botic van de Zandschulp, mọi thứ dần vượt khỏi tầm tay. Dù đẫm mồ hôi và nỗ lực hết mình cho một điều kỳ diệu cuối cùng, anh không thể tạo ra phép màu. Nét mặt anh đôi lúc hiện lên vẻ khắc khổ, như thể một người đàn ông bất lực khi không thể có được cái kết trọn vẹn.

"Tôi không đủ nhanh nhạy để đọc trận đấu và cảm thấy kiểm soát được," anh thừa nhận. "Mọi điểm số diễn ra quá nhanh, không có thời gian để suy nghĩ. Khi bạn đã lâu không thi đấu, mọi thứ đều phụ thuộc vào những chi tiết nhỏ. Tôi không còn sự nhạy bén như những người đang chơi ở hệ thống giải."

Sau đó, Nadal thẳng thắn tự đánh giá về màn trình diễn của mình, nói rằng ngay cả nếu Tây Ban Nha tiến xa hơn, anh cũng sẽ không tham gia vào trận kế tiếp. "Nếu tôi là đội trưởng, có lẽ tôi sẽ thay đổi, không chọn mình vào ngày hôm sau. Và nếu đây là trận cuối cùng của tôi, có lẽ điều này cũng tốt. Tôi đã thua trận đầu tiên của mình ở Davis Cup, và tôi cũng thua trận cuối. Vậy là khép lại một vòng tròn."

Trong một môn thể thao cá nhân, Nadal chưa bao giờ đặt bản thân lên trên hết. Thậm chí ở Málaga, từ ghế dự bị sau khi trận đấu của anh kết thúc, tinh thần chiến đấu của Nadal vẫn không thể bị dập tắt. Anh nỗ lực giành giật các điểm số, chiến đấu với từng cú thuận tay, từng pha ghi điểm và cả những sai lầm.

"Tôi không lo lắng về chương tiếp theo trong cuộc đời mình," Nadal nói. "Tôi luôn cảm thấy hạnh phúc ngay cả khi không có quần vợt. Nhưng đồng thời, tôi phải chấp nhận thách thức của một sự thay đổi quan trọng trong cuộc đời. Bạn cần chấp nhận rằng mọi thứ sẽ khác đi."

"Tôi sẽ nhớ cảm giác thi đấu, cảm giác nhìn thấy người hâm mộ, nhớ bầu không khí trong những trận đấu lớn. Có lẽ tôi sẽ tìm thấy những điều khiến mình hạnh phúc hơn hoặc mang lại cảm xúc quan trọng hơn trong cuộc sống. Nhưng cảm giác phấn khích ấy sẽ rất khó tìm thấy ở ngoài thể thao chuyên nghiệp."

22 Grand Slam của Nadal

1. 2005 French Open

Đánh bại Mariano Puerta (6-7, 6-3, 6-1, 7-5).

Danh hiệu đầu tiên, Nadal vượt qua Federer ở bán kết và thắng Puerta trong trận chung kết.

2. 2006 French Open

Đánh bại Roger Federer (6-3, 4-6, 6-3, 6-4).

Nadal bảo vệ danh hiệu thành công, trở thành tay vợt bất bại tại Roland Garros.

3. 2007 French Open

Đánh bại Roger Federer (1-6, 6-1, 6-4, 7-6).

Federer tiếp tục thất bại trước Nadal, người giữ vững vị trí ông vua sân đất nện.

4. 2008 French Open

Đánh bại Roger Federer (6-1, 6-3, 6-0).

Nadal giành chiến thắng vang dội, hủy diệt Federer trong trận chung kết.

5. 2008 Wimbledon

Đánh bại Roger Federer (6-4, 6-4, 6-7, 6-7, 9-7).

Trận chung kết kinh điển, Nadal đánh bại Federer ngay tại thánh địa của anh.

6. 2009 Australian Open

Đánh bại Roger Federer (7-5, 3-6, 7-6, 3-6, 6-2).

Nadal giành danh hiệu đầu tiên tại Úc, khiến Federer xúc động rơi nước mắt.

7. 2010 French Open

Đánh bại Robin Soderling (6-4, 6-2, 6-4).

Nadal báo thù Soderling sau thất bại tại Roland Garros 2009.

8. 2010 Wimbledon

Đánh bại Tomas Berdych (6-3, 7-5, 6-4).

Nadal trở lại Wimbledon sau chấn thương và giành chức vô địch lần thứ hai.

9. 2010 US Open

Đánh bại Novak Djokovic (6-4, 5-7, 6-4, 6-2).

Hoàn tất bộ sưu tập Career Grand Slam ở tuổi 24.

10. 2011 French Open

Đánh bại Roger Federer (7-5, 7-6, 5-7, 6-1).

Nadal thắng Federer trong trận chung kết Grand Slam thứ tư tại Roland Garros.

11. 2012 French Open

Đánh bại Novak Djokovic (6-4, 6-3, 2-6, 7-5).

Nadal phá kỷ lục với 7 danh hiệu Roland Garros, vượt qua Björn Borg.

12. 2013 French Open

Đánh bại David Ferrer (6-3, 6-2, 6-3).

Vượt qua Djokovic ở bán kết trước khi giành danh hiệu thứ 8 tại Roland Garros.

13. 2013 US Open

Đánh bại Novak Djokovic (6-2, 3-6, 6-4, 6-1).

Nadal trở lại phong độ đỉnh cao, giành chức vô địch Mỹ Mở rộng lần thứ hai.

14. 2014 French Open

Đánh bại Novak Djokovic (3-6, 7-5, 6-2, 6-4).

Nadal thắng danh hiệu thứ 9 tại Roland Garros, củng cố vị thế số một sân đất nện.

15. 2017 French Open

Đánh bại Stan Wawrinka (6-2, 6-3, 6-1).

Sau chấn thương, Nadal trở lại mạnh mẽ và giành danh hiệu Roland Garros thứ 10.

16. 2017 US Open

Đánh bại Kevin Anderson (6-3, 6-3, 6-4).

Nadal tiếp tục phong độ cao, giành danh hiệu Grand Slam thứ 16.

17. 2018 French Open

Đánh bại Dominic Thiem (6-4, 6-3, 6-2).

Nadal giành danh hiệu Roland Garros thứ 11, khẳng định sự thống trị.

18. 2019 French Open

Đánh bại Dominic Thiem (6-3, 5-7, 6-1, 6-1).

Nadal lần thứ hai đánh bại Thiem trong trận chung kết tại Roland Garros.

19. 2019 US Open

Đánh bại Daniil Medvedev (7-5, 6-3, 5-7, 4-6, 6-4).

Trận chung kết nghẹt thở, Nadal giành danh hiệu Grand Slam thứ 19.

20. 2020 French Open

Đánh bại Novak Djokovic (6-0, 6-2, 7-5).

Nadal giành chức vô địch lần thứ 13 tại Roland Garros, không thua set nào.

21. 2022 Australian Open

Đánh bại Daniil Medvedev (2-6, 6-7, 6-4, 6-4, 7-5).

Lội ngược dòng ngoạn mục, Nadal giành danh hiệu Grand Slam thứ 21.

22. 2022 French Open

Đánh bại Casper Ruud (6-3, 6-3, 6-0).

Nadal vô địch Roland Garros lần thứ 14, danh hiệu Grand Slam cuối cùng trong sự nghiệp.

Tags:

Tin cùng chuyên mục

Mykhailo Mudryk dương tính với doping: Nỗi thất vọng tràn trề ở Stamford Bridge

Mykhailo Mudryk dương tính với doping: Nỗi thất vọng tràn trề ở Stamford Bridge

Khi Mykhailo Mudryk gia nhập Chelsea, cả đội đều coi đây là một chiến thắng lớn. Nhưng gần 2 năm sau khi anh gia nhập từ Shakhtar Donetsk, bầu không khí lạc quan ban đầu đã nhường chỗ cho những nỗi thất vọng.

Hai lần trượt ngã của Marc Cucurella và câu chuyện về đôi giày thi đấu trong bóng đá

Hai lần trượt ngã của Marc Cucurella và câu chuyện về đôi giày thi đấu trong bóng đá

Chiến thắng 4-3 đầy kịch tính của Chelsea trước Tottenham Hotspur vào Chủ nhật vừa qua để lại câu chuyện đáng chú ý xoay quanh hậu vệ Marc Cucurella.

Vén màn bí ẩn đằng sau sự ra đi của Giám đốc MU: Điều khiến Ratcliffe khó chịu và cách mọi chuyện kết thúc

Vén màn bí ẩn đằng sau sự ra đi của Giám đốc MU: Điều khiến Ratcliffe khó chịu và cách mọi chuyện kết thúc

Việc MU mất đến năm tháng để chiêu mộ Dan Ashworth vào vai trò giám đốc thể thao, rồi chỉ năm tháng sau đã đưa ông ra khỏi ghế, là một diễn biến đáng kinh ngạc khiến nhiều nhân viên tại câu lạc bộ sững sờ.

Huyền thoại Nesta phần 1: Cậu bé nhút nhát trở thành hậu vệ kiểu mới của bóng đá Ý và ông bố thà chết không để con khoác áo Roma

Huyền thoại Nesta phần 1: Cậu bé nhút nhát trở thành hậu vệ kiểu mới của bóng đá Ý và ông bố thà chết không để con khoác áo Roma

Nếu không bị cản trở bởi chấn thương, ngày nay chúng ta sẽ nói về Alessandro Nesta như một trong năm hậu vệ vĩ đại nhất mọi thời đại. Thực tế, xin được chỉnh sửa lại: mặc dù gặp chấn thương, Alessandro Nesta vẫn là một trong năm hậu vệ vĩ đại nhất.

Roberto Baggio ở tuổi 57: ‘Số 10 giờ như tuyệt chủng, tôi chỉ muốn tự chôn mình khi đá hỏng 11m ở World Cup’

Roberto Baggio ở tuổi 57: ‘Số 10 giờ như tuyệt chủng, tôi chỉ muốn tự chôn mình khi đá hỏng 11m ở World Cup’

Những lọn tóc xoăn giờ đã trắng xóa như tuyết, nhưng hình bóng "Đuôi ngựa thần thánh" vẫn hiện hữu, dù không còn chói sáng như xưa. Đó là cảm giác khi người ta nhìn thấy Roberto Baggio ở tuổi 57.

Các ông chủ Ngoại hạng Anh (P3): Chỉ còn lại 5 người Anh, nhưng họ sẽ trụ lại được bao lâu?

Các ông chủ Ngoại hạng Anh (P3): Chỉ còn lại 5 người Anh, nhưng họ sẽ trụ lại được bao lâu?

Trong phần này, chúng ta sẽ tìm hiểu về những ông chủ mang quốc tịch Anh đang sở hữu những đội bóng Anh. Câu hỏi được đặt ra là liệu họ có thể duy trì quyền sở hữu được bao lâu?

David de Gea rực sáng cùng Fiorentina: Người bị MU chối bỏ, nhưng hồi sinh tại Florence

David de Gea rực sáng cùng Fiorentina: Người bị MU chối bỏ, nhưng hồi sinh tại Florence

David De Gea, người từng bị MU thanh lý hợp đồng hè năm ngoái, đã trở thành linh hồn trong hành trình bất ngờ của Fiorentina, đội bóng đang vượt xa kỳ vọng với chuỗi 7 chiến thắng liên tiếp tại Serie A.

Các ông chủ của Ngoại hạng Anh (P2): Vì sao một nửa số CLB thuộc quyền sở hữu của người Mỹ?

Các ông chủ của Ngoại hạng Anh (P2): Vì sao một nửa số CLB thuộc quyền sở hữu của người Mỹ?

Chúng ta sẽ tìm hiểu về các nhà đầu tư Mỹ: họ là ai? Tại sao họ lại quan tâm đến giải đấu hàng đầu nước Anh và kế hoạch của họ là gì?

Tin mới nhất

Độc đáo khu phố bao cấp của Hà Nội được tái hiện trong "Đêm Trúc Bạch"

Độc đáo khu phố bao cấp của Hà Nội được tái hiện trong "Đêm Trúc Bạch"

Lần đầu tiên tại Hà Nội, một không gian với bối cảnh là một khu phố cổ Hà Nội với các toa tàu điện, các cửa hàng bách hóa… gợi nhớ cho người dân Thủ đô và du khách về ký ức của "thời bao cấp", một trong những thời kỳ đặc biệt của đất nước.

Đêm Trúc Bạch: Điểm đến của một Hà Nội quyến rũ, sâu lắng và đậm chất thơ

Đêm Trúc Bạch: Điểm đến của một Hà Nội quyến rũ, sâu lắng và đậm chất thơ

Đêm Hà Nội với sự lung linh của ánh đèn và hơi thở lịch sử qua từng góc phố, là một mô hình độc đáo, giúp du khách khám phá một Hà Nội rất khác - một Hà Nội quyến rũ, đậm chất thơ và sâu lắng.

Bí ẩn những địa điểm được cho là cánh cổng dẫn tới thế giới khác đến nay vẫn chưa có lời giải

Bí ẩn những địa điểm được cho là cánh cổng dẫn tới thế giới khác đến nay vẫn chưa có lời giải

Những nơi này đều có nhiều truyền thuyết bí ẩn xoay quanh và được cho là có thể dẫn lối cho người trần sang thế giới bên kia.

TP.HCM được Giải thưởng Du lịch thế giới chọn làm nơi trao giải

TP.HCM được Giải thưởng Du lịch thế giới chọn làm nơi trao giải

World Travel Awards chọn TP.HCM là địa điểm tổ chức Lễ trao giải thưởng khu vực châu Á và châu Đại Dương năm 2022.

The Bubble Tea Factory: Bảo tàng trà sữa độc nhất vô nhị của đảo quốc Singapore

The Bubble Tea Factory: Bảo tàng trà sữa độc nhất vô nhị của đảo quốc Singapore

Đảo quốc sư tử Singapore hiện đang thu hút với địa điểm dành cho các tín đồ của trà sữa và những viên trân châu ngọt ngào, cũng như những ai ưa khám phá. Đó là bảo tàng trà sữa trân châu đầu tiên tại Đông Nam Á

Cầu cảng đẹp như Hawai ở Hải Tiến khiến giới trẻ mê mệt, đã đến là phải check-in

Cầu cảng đẹp như Hawai ở Hải Tiến khiến giới trẻ mê mệt, đã đến là phải check-in

Với vẻ đẹp hoang sơ của biển cùng kiến trúc độc đáo, cầu cảng Hải Tiến thuộc Khu du lịch Hải Tiến (Hoằng Hóa) hiện đang là điểm check-in khiến giới trẻ mê mệt.

Lái xe ô tô du Xuân và những lưu ý không thể bỏ qua

Lái xe ô tô du Xuân và những lưu ý không thể bỏ qua

Những chuyến du xuân vui và hoàn hảo ai cũng mong muốn, tuy nhiên nó sẽ mất hứng và không trọn vẹn khi gặp những phiền toái đột xuất xảy ra trên đường.

Những lễ hội khó lòng bỏ qua đầu Xuân Kỷ Hợi

Những lễ hội khó lòng bỏ qua đầu Xuân Kỷ Hợi

Đến hẹn lại lên. Tháng Giêng âm lịch hàng năm là tháng của rất, rất nhiều các lễ hội ở Việt Nam trong đó có những lễ hội đáng chú ý, thu hút mối quan tâm của đông đảo dân chúng cũng như du khách gần xa.

Những địa danh Tây Bắc nhất định phải phượt đầu năm

Những địa danh Tây Bắc nhất định phải phượt đầu năm

Từ nhiều năm nay, với đặc thù về cảnh quan trong dịp Tết, Tây Bắc luôn là điểm hẹn lý tưởng để các phượt thủ tìm đến

Đến Chiang Mai, trải nghiệm một Thái Lan thật khác

Đến Chiang Mai, trải nghiệm một Thái Lan thật khác

Đến Thái Lan, nếu đã quá quen với Bangkok và Pattaya náo nhiệt phố thị, Phuket với những bãi biển cát trắng trải dài, thì Chiang Mai sẽ cho du khách một trải nghiệm khác biệt.