Huyền thoại Nesta phần 1: Cậu bé nhút nhát trở thành hậu vệ kiểu mới của bóng đá Ý và ông bố thà chết không để con khoác áo Roma
Nếu không bị cản trở bởi chấn thương, ngày nay chúng ta sẽ nói về Alessandro Nesta như một trong năm hậu vệ vĩ đại nhất mọi thời đại. Thực tế, xin được chỉnh sửa lại: mặc dù gặp chấn thương, Alessandro Nesta vẫn là một trong năm hậu vệ vĩ đại nhất.
Hiếm có một cầu thủ nào có kỹ thuật, phong cách và khả năng kiểm soát bóng xuất sắc như vậy, thể hiện vai trò trung vệ ở cấp độ cao nhất mà không mắc lỗi hay bị lỡ vị trí, giống như chàng trai đến từ Cinecittà này.
Nesta là người rất coi trọng sự riêng tư và luôn tránh xa ánh đèn sân khấu mà nhiều đồng nghiệp yêu thích. Trong suốt những năm qua, anh đã vô tình xây dựng hình ảnh của một người đàn ông nhút nhát và hướng nội. Nhưng khi cần, Nesta lại thẳng thắn và sắc bén. Nesta là hình mẫu của một vận động viên mà hôm nay Italia đang thiếu: một người tài năng, để sân cỏ nói lên điều đó thay vì Twitter.
"Thằng bé nhà tôi khoác áo Roma ư? Thà chết còn hơn"
Câu chuyện của Alessandro Nesta bắt đầu vào ngày 19/3/1976. Tại nhà Nesta, người công nhân đường sắt và trụ cột gia đình, ông Giuseppe đang thư giãn trước TV. Trên kênh RAI, Eddy Merckx đang thắng thế trong cuộc đua Milano-Sanremo lần thứ bảy thì vợ của ông Giuseppe, Maria Laura, yêu cầu chồng lái xe đến bệnh viện. Đứa con thứ hai của họ chuẩn bị ra đời và cậu bé được quyết định sẽ đặt tên là Alessandro Nesta.
Thời gian tua nhanh đến tháng 9/1984, ông Giuseppe đưa cậu con trai lớn Fernando đến trường bóng đá Cinecittà để đăng ký. Cùng đi trong xe còn có Alessandro, người đang nổi cáu vì muốn được đăng ký như anh trai của mình. Trong khi cả gia đình cảm thấy căng thẳng, may mắn thay, Giuseppe đã đồng ý, chi 30.000 lire để làm hài lòng cậu con trai này.
Khoản đầu tư này nhanh chóng cho thấy sự hợp lý: Alessandro Nesta gây ấn tượng với các HLV nhờ sự nghiêm túc, thái độ và tinh thần hy sinh. Chỉ vài mùa giải sau, Francesco Rocca, đội trưởng của AS Roma, đã giới thiệu Nesta cho ban lãnh đạo đội bóng thủ đô. Sau khi xem anh thi đấu trong một vài trận, Roma quyết định ngay lập tức đầu tư vào chàng trai nghiêm túc này, với mức giá 10 triệu lire. Nếu Alessandro đang vui mừng – lúc này trái tim cậu vẫn chưa thuộc về Lazio – thì người cha Giuseppe lại đang trải qua một cuộc khủng hoảng.
Một mặt, ông rõ ràng nhận thức được tầm quan trọng của thỏa thuận này, vì nó sẽ là một bước tiến lớn trong sự nghiệp của cậu con trai Alessandro Nesta, người có tài năng thiên bẩm. Mặt khác, với niềm tin bất diệt vào Lazio, ông không thể chấp nhận: "Con trai tôi chơi cho Roma? Không thể chấp nhận được". Vì vậy, Giuseppe đã yêu cầu, thậm chí cầu xin Lazio cho con trai mình một cơ hội thử việc.
Một đứa trẻ nhà tôi trong màu áo Roma? Thà chết còn hơn, tôi nghĩ như vậy. Đó là lý do tại sao, không nói cho những người ở Cinecittà, tôi tự mình đưa Alessandro đến Lazio. Hãy nhận lấy thằng bé, tôi đã cầu xin họ như vậy. Đừng để tôi thấy nó trong màu áo của Roma. Thế là Lazio đã ngay lập tức đăng ký cho Alessandro và từ đó sự nghiệp của nó cất cánh.
ông Giuseppe
Không gặp phải vấn đề gì, Alessandro vượt qua kỳ kiểm tra và vào đội trẻ của Lazio khi mới 10 tuổi, trở thành thành viên của gia đình thứ hai của mình trong gần hai thập kỷ. Ban đầu chơi ở vị trí tiền vệ phải, Nesta gây ấn tượng bởi sự quyết tâm, khả năng định vị chính xác và đặc biệt là những phẩm chất thể thao rõ rệt, giúp anh trở thành một trong những tài năng triển vọng nhất của thành phố.
Khác Totti, Nesta trở thành mẫu cầu thủ mới của bóng đá Ý
Mặc dù ở Rome, cái tên được nhắc đến nhiều hơn cả là một người bạn đồng lứa của Nesta, lớn lên ở khu Porta Metronia và vừa chuyển từ Lodigiani sang Roma: Francesco Totti.
Nếu Totti là một kiểu cầu thủ số 10 điển hình của Ý, người thừa kế của các ngôi sao vĩ đại từ Valentino Mazzola đến con trai của ông, Sandro, rồi đến Rivera, Antognoni, và sau này bóng đá Ý có thêm Roberto Baggio và Del Piero, thì Nesta lại đại diện cho một thế hệ cầu thủ mới mẻ chưa phổ biến. Mới 15 tuổi, Nesta đã là hình mẫu của một loại cầu thủ mới, người có thể chơi xuất sắc ở vị trí trung vệ nhưng đồng thời cũng giỏi trong việc xây dựng lối chơi và rất duyên dáng trong các động tác.
Tóm lại, Nesta đã tiếp nhận và phát triển di sản kỹ thuật, lối chơi của Beckenbauer, hơn là đi theo khuôn mẫu truyền thống của các hậu vệ/marcatori (người phòng ngự kiên cường) của bóng đá Ý trong quá khứ.
Bên cạnh đó, những người sinh năm 1976 được các nhà xã hội học coi là thế hệ lớn tuổi nhất của Generation Y với những đặc điểm như lạc quan về tương lai, tham vọng, khoan dung, dám nghĩ dám làm, cạnh tranh, nhưng cũng có tính cách tự cao và chú trọng đến vẻ bề ngoài. Những yếu tố này không có mặt trong khía cạnh con người đời thường của Nesta, nhưng lại rất rõ ràng ở phương diện cầu thủ của anh. Alessandro Nesta là một trong số ít cầu thủ khiến người ta muốn chơi ở vị trí hậu vệ.
Alessandro Nesta lớn lên nhanh chóng, được cha đưa cho anh 3.000 lire mỗi trận đấu nếu anh thi đấu "đúng cách". Nếu không có sự phát triển chiều cao đột ngột trong mùa hè, khiến Nesta bị viêm cột sống và đầu gối, phải nghỉ thi đấu một thời gian dài, thì Nesta lúc 16 tuổi đã có thể vào đội U18 Ý, nơi mà Francesco Totti đã thi đấu thường xuyên.
Năm 1993 là một bước ngặt với Nesta. Chưa đầy 17 tuổi, anh đã lọt vào tầm ngắm của huấn luyện viên Lazio, Dino Zoff. Zoff không đợi đến khi cậu bé trưởng thành mới cho ra mắt ở Serie A. Trong trận hòa 2-2 kịch tính trên sân Udinese, Nesta được gọi vào sân thay Pierluigi Casiraghi khi trận đấu còn 20 phút. 8 năm sau khi gia nhập Lazio, ngôi sao Alessandro Nesta đã sẵn sàng tỏa sáng trên sân khấu bóng đá Ý.
Lazio giữa những năm 90 chắc chắn không phải là đội bóng sau này sẽ giành Scudetto – họ thiếu Veron, Nedved, Almeyda, Salas, Simeone và Mancini – nhưng đó là một đội bóng đầy những ngôi sao tài năng. Trong khung thành của họ có Luca Marchegiani với lối chơi đầy phong cách và bên cánh trái có Favalli, hàng công gồm Boksic, Casiraghi và Signori chắc chắn thuộc đẳng cấp cao. Chưa kể ở hàng tiền vệ, họ có cầu thủ mang bộ óc thiên tài nhưng đầy rắc rối, Paul Gascoigne.
"Khi đó tôi mới 14 tuổi, đang trong những buổi tập đầu tiên với đội một. Gascoigne là bản hợp đồng đắt giá nhất trong lịch sử Lazio. Anh ấy có vài pha chơi xấu nhưng tôi, là một cầu thủ trẻ, không nói gì và tiếp tục chơi. Một lúc sau, tôi cố gắng ngăn anh ấy bằng một pha tắc bóng hơi mạnh và khiến Gascoigne gãy xương chày và xương mác. Không ai nói gì với tôi cả, và Paul, khi đã hồi phục sau ca phẫu thuật chân, đã an ủi tôi rằng đó không phải lỗi của tôi và tặng tôi năm đôi giày và một bộ dụng cụ câu cá. Tôi không biết vì sao anh ấy làm vậy, nhưng Gascoigne là người như vậy đó", Nesta chia sẻ.
Sau những mùa giải mà Lazio chưa có thành tích đáng kể, Nesta vẫn tiến bộ không ngừng. HLV Zeman đã luôn xếp anh đá chính, tuy nhiên phải tới khi Sven Goran Eriksson xuất hiện, Nesta mới vươn đến tầm cao mới. Có thể nói huấn luyện viên người Thụy Điển đã mang đến bước ngoặt trong sự nghiệp của anh. Dù vậy Alessandro vẫn ghi nhớ công ơn của huấn luyện viên Zeman:
"Tôi bắt đầu đá hậu vệ cánh ở Serie A, nhưng khi 2-3 trung vệ gặp chấn thương, HLV Zeman đã cho tôi đá trung vệ và tôi đã chơi tốt trong 4 trận cuối mùa. Vào mùa hè, Lazio có rất nhiều tiền để mua sắm, nhưng Zeman đã đến gặp Cragnotti và nói rằng ông không cần thêm ai ở hàng phòng ngự. Vì Zeman đã có "cậu bé" – cách mà HLV Zeman gọi tôi - và ông quyết định sẽ cho tôi đá trung vệ", Nesta chia sẻ.
Tuy nhiên, chính Eriksson mới là người biến cậu bé ít nói nhưng đầy tự tin, thành một chuyên gia thực thụ, để Nesra tự do cả trong và ngoài sân cỏ, nhưng cũng trao cho anh trách nhiệm và chỉ cho anh những bí quyết chiến thuật. Chỉ trong một thời gian ngắn, chàng trai nhút nhát từ Cinecittà, trước đây chơi ở vị trí tiền vệ phải, đã trở thành một trong những trung vệ xuất sắc nhất châu Âu. (còn tiếp)