Bóng đá là liều thuốc chữa lành ở quốc gia 'khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới'
Sudan đang hứng chịu "cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới". Nhưng bóng đá đang như một liều thuốc chữa lành cho tất cả.
Trước mỗi buổi tập, đội tuyển bóng đá nam Sudan xếp hàng và khoác tay nhau. Đội trưởng kêu gọi cả đội đứng nghiêm và dành một phút mặc niệm. Sau đó, anh phá tan không khí bằng một tiếng hô lớn. Tất cả đồng loạt vỗ tay ba lần. Bất kể buổi tập đang diễn ra ở đâu, quốc gia nào, đó luôn là thời điểm họ gạt mọi thứ sang một bên để chỉ tập trung vào bóng đá.
Rất lâu rồi, ĐTQG Sudan không thi đấu trên sân nhà. Từ tháng 4/2023, quốc gia Đông Bắc Phi này bị cuốn vào cuộc nội chiến tàn khốc giữa quân đội quốc gia do chính phủ lãnh đạo và Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF) của phe nổi dậy. Theo ước tính của Hoa Kỳ, khoảng 150.000 người đã thiệt mạng. Liên Hợp Quốc (LHQ) cho biết có tới 14 triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa.
Các sân bóng đá quanh thủ đô Khartoum và thành phố Omdurman đã trở thành nơi chôn cất người. Cuộc xung đột kéo dài 19 tháng đã gây ra điều mà LHQ gọi là "cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất trên thế giới".
"Các con số lớn đến mức bạn không thể hình dung được mức độ đau khổ của con người," đặc phái viên Hoa Kỳ về Sudan, ông Tom Perriello, phát biểu với báo giới tuần này. "Các con số thật sự kinh hoàng… và số người chết có lẽ còn nhiều hơn mọi ước tính trước đó."
Đội tuyển bóng đá Sudan đã phải sống ở nước ngoài, chơi các trận "sân nhà" ở Nam Sudan (tách ra thành quốc gia độc lập vào năm 2011), Mauritania, Ả Rập Xê Út và Libya. Dẫu vậy, thành tích họ đạt được thật phi thường: Sudan giành quyền tham dự Cúp bóng đá châu Phi (AFCON) diễn ra tại Morocco vào tháng 12/2025. Họ cũng đang dẫn đầu bảng chiến dịch vòng loại và có cơ hội lớn để giành vé dự World Cup 2026, giải đấu mà họ chưa từng tham gia.
Thủ quân Ramadan Agab của Sudan chia sẻ: "Làm đội trưởng của ĐT Sudan và đại diện cho cả đất nước trong thời điểm khó khăn này là một vinh dự. Sudan là quê hương. Là tất cả. Việc nỗ lực để làm cho đất nước mình hạnh phúc là điều mà tôi không thể diễn tả bằng lời.
"Thật khó khăn khi phải xa nhà liên tục. Toàn bộ cuộc sống, cảm xúc và suy nghĩ của bạn đều ở lại Sudan. Nhưng chúng tôi biết mình có công việc cần hoàn thành. Điều đó quan trọng cho sự nghiệp của chúng tôi và cho đất nước trong hoàn cảnh này. Vì vậy chúng tôi phải đối mặt với nó."
Trong khi đó, HLV trưởng James Kwesi Appiah cho biết: "Phần lớn thời gian khi chúng tôi ở trại huấn luyện, luôn có tin nhắn báo rằng một vài cầu thủ vừa mất đi người thân trong gia đình. Điều này đã xảy ra khoảng 5 lần. Bạn phải đến an ủi họ."
"Chúng tôi nói về những gì đang xảy ra ở quê nhà khi ở trại. Tôi cũng thấy rất nhiều tin tức trên TV. Tôi thấy mình phải làm được một điều gì đó. Để thấy các cầu thủ của tôi hiểu được giá trị, để ít nhất người dân quê nhà có được niềm vui."
Appiah từng là cựu đội trưởng và huấn luyện viên của Ghana. Ngày 15/10, Sudan gặp Ghana trong trận cầu tâm điểm của chiến dịch vòng loại cúp châu Phi. "Tôi nói với họ rằng: 'Tất cả cha mẹ, gia đình của các bạn đều đang ở Sudan. Họ hạ súng xuống và theo dõi trận đấu này. Đây là lúc để làm họ hạnh phúc.'"
Sudan đã thắng trận đấu diễn ra tại Benghazi, Libya với tỷ số 2-0. Họ chiến thắng đối thủ mạnh nhất bảng với các tên tuổi quen thuộc tại Ngoại hạng Anh như Mohammed Kudus của West Ham, Antoine Semenyo của Bournemouth và Jordan Ayew của Leicester City. 5 ngày trước đó, hai đội hòa nhau 0-0 tại Accra, Ghana.
Thất bại 0-4 trước Niger vào ngày 14/11 nhưng trận hòa 0-0 với Angola tại Benghazi vào ngày 18/11 đã giúp Sudan giành vé dự AFCON 2025 với tư cách đội nhì bảng sau Angola. Đây mới chỉ là lần thứ tư trong 25 lần tham dự, Sudan góp mặt tại cúp châu Phi, giải mà họ từng vô địch khi làm chủ nhà năm 1970.
"Khi Sudan mời tôi dẫn dắt đội tuyển, tôi hỏi họ mục tiêu của mình là gì. Họ nói 'xây dựng một đội bóng'. Tôi nói rằng nếu chỉ là xây dựng một đội bóng, tôi không hứng thú. Tôi đặt ra mục tiêu hoặc giành quyền tham dự AFCON hoặc giành vé dự World Cup."
Lúc này, Appiah có thể đạt được cả hai mục tiêu đó. Sudan vẫn bất bại trong vòng loại World Cup khi thắng 3 và hòa 1 trong 4 trận đã đấu. Đội đang đứng nhì bảng. Senegal sẽ là đối thủ tiếp theo vào tháng 3. Sudan được coi là đội "chủ nhà" của trận đấu này, nhưng địa điểm thực sự như thường lệ vẫn chưa được xác định.
"Tôi rất tự hào về các cầu thủ," Appiah nói. "Tôi đã nói với họ rằng vì tình hình ở quê nhà, các bạn không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải di chuyển bất cứ nơi nào chúng ta đến. Hãy coi nơi đó là sân nhà của mình. Có khán giả hay không không quan trọng. Điều quan trọng nhất là: làm sao để đạt được mục tiêu cuối cùng."
Hơn 100.000 người Sudan hiện sống trong các lều và lán tạm bợ tại trại tị nạn Adre. Đây là nơi nằm bên kia biên giới ở Chad, cách thành phố El Geneina của Sudan khoảng 30 km.
"Hành trình vô cùng gian khổ. Một số người trong chúng tôi đã chết trên đường, số khác may mắn sống sót và đến được đây," một công dân Sudan là Muhammad Munir Ibrahim chia sẻ.
Tại trại tị nạn này, anh và bạn bè đã lập một đội bóng có tên Sudanese Victory sau khi tìm được một quả bóng. Chơi bóng đá là điều duy nhất giúp họ tìm thấy niềm vui trong hoàn cảnh hiện tại. "Khi đến đây, chúng tôi không thấy trường học hay cơ sở nào để đăng ký học. Vì vậy, chúng tôi tìm đến bóng đá," anh nói.
Chơi bóng đá vì thế như một cách giải tỏa cho những người trẻ tuổi.
"Thật sốc khi biết rằng gần 10 triệu trẻ em đang sống trong bán kính 5 km từ các khu vực xung đột," ông Arif Noor, Giám đốc của tổ chức Save the Children tại Sudan cho biết. "Hãy tưởng tượng những tổn thương tâm lý và vết sẹo tâm hồn mà những đứa trẻ này sẽ mang theo đến suốt cuộc đời."
Ngày 15/4 năm ngoái, giao tranh bắt đầu tại Khartoum giữa quân đội quốc gia và RSF. Vào đêm trước đó, người đứng đầu Liên đoàn Bóng đá Sudan là Mazin Abusin đang chơi bóng đá.
"Lúc đó là tháng Ramadan và (các trận đấu) thường diễn ra sau khi mọi người kết thúc bữa ăn tối. Đó là giải đấu thường niên của chúng tôi," ông nhớ lại.
"Chúng tôi thức dậy (ngày hôm sau) và nghe thấy tiếng súng nổ và bom rơi. Một ngày sau, tình hình còn tệ hơn. Chúng tôi thường nói: nếu bạn may mắn, bạn sẽ ra ngoài với hộ chiếu, điện thoại và mạng sống của mình."
Abusin đã ẩn náu tại Khartoum và Omdurman trong hai tuần, trước khi quyết định rời đi.
"Chính lúc đó tôi mới nhận ra," ông kể. "Tôi đã nhìn thấy tất cả những thi thể. Thật sự kinh hoàng. Có hàng trăm thi thể nằm rải rác trên đường phố. Xe tăng và xe hơi bị bỏ lại bởi cả hai bên. Rõ ràng đã có một trận chiến lớn ở đây."
Abusin đã đến Anh cùng gia đình nhờ sự hỗ trợ từ quân đội Anh tổ chức các chuyến bay sơ tán. Ông quyết tâm một ngày nào đó sẽ tổ chức trận chung kết của giải bóng đá mình từng chơi ngay tại nơi cũ, như một cách để tưởng nhớ những người đã khuất.
Ở vùng chiến sự, những cầu thủ nghiệp dư vẫn tiếp tục chơi bóng. "Trong khu phố của tôi, tôi biết ít nhất ba hoặc bốn sân bóng đã bị biến thành nghĩa trang," Abusin chia sẻ. "Nhưng người ta vẫn chơi bóng, dù luôn có nguy cơ bị pháo kích."
Trên một sân đất đầy bụi ở quận Karari thuộc Omdurman, người dân tụ tập để chơi và cổ vũ cho một sự kiện có tên là Sự kiên cường. "Thể thao nói chung luôn là nơi mang lại cảm giác an toàn nhưng bóng đá có vai trò đặc biệt. Người dân Omdurman rất đam mê môn thể thao này," một cựu cầu thủ có tên là Awadallah nói. "Các cầu thủ trẻ và già tập trung ở đây hàng tuần để thi đấu với các đội từ khu vực khác."
Họ cũng dõi theo hành trình của ĐTQG Sudan: "Họ là niềm vui duy nhất mà người dân Sudan có được lúc này. Chúng tôi chúc họ thành công và rất tự hào về họ."
Nhiều khu vực ở Khartoum và Omdurman, hai thành phố cách nhau bởi sông Nile, hiện đang hoang tàn. Omdurman là quê nhà của hai CLB lớn nhất quốc gia là Al Hilal và Al Merrikh.
Phần lớn các cầu thủ thuộc ĐTQG Sudan đều thuộc biên chế một trong hai câu lạc bộ này. Đội trưởng Agab và thủ môn Mohamed Mustafa thuộc Al Merrikh, trong khi chân sút hàng đầu Mohamed Abdulrahman và tiền vệ ngôi sao Waliedin Khedr là thành viên của Al Hilal.
Hiện các cầu thủ này đang thi đấu bên ngoài Sudan khi tạm thời khoác áo các CLB tại giải VĐQG Mauritania.
"Thành phố ấy sống và thở cùng bóng đá," Koteba Fareed, người làm việc ở Liên đoàn Bóng đá Sudan, nói về Omdurman. "Bây giờ, khi mọi thứ hoang tàn, chúng tôi cần phải tiếp tục. Dù chỉ chơi một trận bóng phong trào, chúng tôi vẫn sẽ làm những gì tốt nhất có thể. Suy cho cùng, chỉ bóng đá mới mang lại niềm vui lúc này."
Có lẽ, ở Sudan lúc này, bóng đá đang tạo ra một liều thuốc chữa lành cho tất cả.