Các ông chủ của Ngoại hạng Anh (P2): Vì sao một nửa số CLB thuộc quyền sở hữu của người Mỹ?
Chúng ta sẽ tìm hiểu về các nhà đầu tư Mỹ: họ là ai? Tại sao họ lại quan tâm đến giải đấu hàng đầu nước Anh và kế hoạch của họ là gì?
Tại các hội trường của khách sạn và sòng bạc Hard Rock ở Fort Lauderdale, sự có mặt của đại diện của chính phủ Vương quốc Anh là một trong điều gây bất ngờ nhất.
Tại Soccerex, một hội chợ kéo dài hai ngày trong nhà, nơi những người tham gia phải trả hàng trăm USD vé vào cửa được lắng nghe các cuộc thảo luận từ các chủ sở hữu, nhà đầu tư và giám đốc điều hành của các đội bóng ở Mỹ và châu Âu. Đồng thời, hội chợ cũng quy tụ đại diện của các giải đấu, luật sư, chuyên gia phần mềm, chuyên gia tiếp thị trí tuệ nhân tạo và các doanh nhân đầy tham vọng.
Chính phủ Anh được đại diện bởi Richard Albert, trưởng bộ phận đầu tư vốn ở khu vực Bắc Mỹ. Nhiệm vụ của Albert là thúc đẩy dòng vốn từ Mỹ vào nền kinh tế Anh, đặc biệt trong các lĩnh vực năng lượng sạch, bất động sản và công nghệ. Nhưng trong 12 tháng qua, một lĩnh vực mới đã nổi lên: thể thao, cụ thể là bóng đá Anh.
Thực chất, đây là một dịch vụ "trung gian," giúp kết nối các nhà đầu tư uy tín với những câu lạc bộ ở Ngoại hạng Anh và Giải hạng Nhất đang tìm kiếm sự hỗ trợ về tài chính. Theo Albert, hầu như ngày nào nhóm của ông cũng nhận được yêu cầu liên quan đến việc mua hoặc bán các câu lạc bộ bóng đá Anh. Các quỹ đầu tư tư nhân, vốn mạo hiểm, quỹ bất động sản, quỹ cơ sở hạ tầng, quỹ tài trợ đại học và quỹ hưu trí công ở Mỹ đều đã bày tỏ sự quan tâm.
Chính phủ Anh đang cố gắng thúc đẩy đầu tư vào một trong những sản phẩm xuất khẩu thành công nhất của nền kinh tế nước này: Ngoại hạng Anh. Giải đấu được phát sóng tại 189 trong số 193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc. Vào tháng 5, Ngoại hạng Anh công bố rằng giải đấu có 1,87 tỷ người hâm mộ toàn cầu, và 900 triệu hộ gia đình trên thế giới có thể xem bóng đá Ngoại hạng Anh. Không có gì ngạc nhiên khi các nhà đầu tư Bắc Mỹ lại quan tâm đến sản phẩm này, khi bản quyền phát sóng tại Mỹ đã mang lại 450 triệu USD (355 triệu bảng Anh) mỗi mùa từ NBC.
Cách đây chỉ 20 năm, không có câu lạc bộ Ngoại hạng Anh nào thuộc quyền sở hữu của người Mỹ. Hiện tại, 9 trong số 20 đội bóng ở giải đấu này được sở hữu chủ yếu bởi các nhà đầu tư Mỹ: Manchester United, Arsenal, Aston Villa, Liverpool, Chelsea, Fulham, Bournemouth, Crystal Palace và Ipswich Town. Những cái tên này bao gồm cả các nhân vật nổi tiếng, và đôi khi là gây tranh cãi, trong bóng đá Anh — như gia đình Glazer, nhà Kroenke, Todd Boehly & Clearlake Capital và Fenway Sports Group (FSG). Con số này có khả năng sẽ tăng lên, khi Everton dự kiến sẽ được gia đình Friedkin ở Texas tiếp quản.
Nhiều câu lạc bộ Ngoại hạng Anh không thuộc chủ sở hữu Mỹ cũng đang tìm kiếm nguồn đầu tư bên ngoài, với ngân hàng thương mại Rothschild hỗ trợ tìm kiếm đối tác cho Tottenham Hotspur, Brentford và West Ham United ở các mức độ khác nhau. Chính phủ Anh cũng đã nhờ đến Rothschild và công ty tư vấn Deloitte để hỗ trợ quá trình "liên kết" cho các tổ chức thể thao của Anh. Các cuộc kết nối với Deloitte đã giúp các nhà đầu tư Mỹ tiếp cận những thương vụ tiềm năng, chẳng hạn như giải đấu cricket The Hundred. Đối với Ngoại hạng Anh, các giao dịch tương tự cũng có thể sẽ sớm diễn ra.
Điều này khiến khả năng phần lớn các câu lạc bộ Ngoại hạng Anh thuộc các ông chủ sở hữu người Mỹ ngày càng trở nên rõ ràng, thậm chí có thể là điều tất yếu.
Nhưng những nhà đầu tư này là ai, tại sao họ lại quan tâm đến Ngoại hạng Anh và họ có kế hoạch gì cho bóng đá Anh?
Trong một cuộc phỏng vấn với Financial Times đầu năm nay, John W. Henry, chủ sở hữu chính của Fenway Sports Group, nói rằng quyền sở hữu thể thao đã thay đổi từ những "doanh nghiệp gia đình nhỏ" thành những "doanh nghiệp khốc liệt và cạnh tranh." Ở Ngoại hạng Anh, các khoản đầu tư từ Mỹ đã đóng vai trò chủ yếu trong quá trình chuyển đổi đó.
Quá trình này có thể được chia thành hai dạng chính: văn phòng gia đình (family office) và vốn đầu tư tổ chức. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, khi giá trị các thương vụ ngày càng lớn, hai hình thức này dần hội tụ.
Mọi thứ bắt đầu từ năm 2005, khi gia đình Glazer — vốn đã sở hữu đội bóng bầu dục Mỹ Tampa Bay Buccaneers — mua lại Manchester United với giá 790 triệu bảng trong một thương vụ gây tranh cãi và sử dụng đòn bẩy tài chính lớn. Kể từ đó, 815 triệu bảng đã được chi để trả lãi nợ và 432 triệu bảng được trả cổ tức trong gần 20 năm sở hữu. Trong thời gian này, Manchester United không vô địch Ngoại hạng Anh và cũng không vượt qua tứ kết Champions League trong 11 năm qua. Tuy vậy, năm ngoái, gia đình Glazer vẫn bán 27,7% cổ phần của câu lạc bộ với giá 1,3 tỷ bảng.
Gia đình Glazer đã trở thành biểu tượng cho cách nhìn nhận tiêu cực cách đầu tư của người Mỹ: các chủ sở hữu bị xem như những người khai thác tài sản mà không đóng góp. Nhận thức này càng rõ ràng hơn khi đặt cạnh sự chi tiêu xa hoa của tỷ phú Nga Roman Abramovich tại Chelsea hay quỹ đầu tư thuộc quyền sở hữu của Sheikh Mansour, Phó Thủ tướng Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, tại Manchester City.
Tuy nhiên, thực tế là mô hình làm ăn của gia đình Glazer không đại diện cho tất cả các ông chủ người Mỹ. Đã có những câu chuyện kinh hoàng, chẳng hạn như quyền sở hữu của George Gillett Jr và Tom Hicks tại Liverpool, nơi sự quản lý yếu kém và những mâu thuẫn nảy sinh đã khiến CLB đến bờ vực phá sản trước khi được FSG giải cứu vào năm 2010.
Những trải nghiệm khác cũng tương tự Mới đây, các cổ đông lớn của Swansea, Jason Levien (cũng sở hữu D.C. United tại giải bóng đá Nhà nghề Mỹ) và Steve Kaplan, đã rút khỏi câu lạc bộ Hạng Nhất với khoản lỗ lớn. Họ mua lại Swansea với định giá 110 triệu bảng vào năm 2016 khi câu lạc bộ còn thi đấu ở Ngoại hạng Anh suốt 5 năm liên tiếp.
Cổ tức — khoản thanh toán cho cổ đông của một công ty — chủ yếu là cách thức làm ăn của gia đình Glazer. Tại Soccerex, Shilen Patel, một doanh nhân trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tại Florida và chủ sở hữu mới của West Brom, thừa nhận rằng "cổ tức có thể là một cụm từ tồi tệ" trong từ điển bóng đá Anh. Ông nói thêm: "Kỳ vọng luôn là, nếu câu lạc bộ thành công, thì phải tái đầu tư. Và tôi không nghĩ rằng đó là một kỳ vọng không hợp lý. Đổi lại, bạn đo lường sự thành công bằng giá trị; càng làm được nhiều, bạn càng trở nên có giá trị hơn."
Đây là xu hướng phổ biến trong số nhiều nhà đầu tư Mỹ, từ các quỹ như Fenway Sports Group (FSG) tại Liverpool đến văn phòng gia đình như nhà Kroenke tại Arsenal. Những nhóm này phần lớn theo đuổi mô hình tự duy trì, hay được các câu lạc bộ mô tả là "vòng tròn đạo đức." Ở đó, doanh thu của câu lạc bộ — từ bản quyền truyền thông ngày càng tăng, cơ hội tài trợ chưa khai thác, giao dịch cầu thủ thông minh và trải nghiệm thi đấu nâng cao — có thể được tái đầu tư để phát triển đội bóng, giành thêm chiến thắng và cho phép tăng trưởng bền vững.
Mô hình tự duy trì cũng phổ biến trong thể thao Mỹ, nơi gia đình Kroenke sở hữu đội bóng bầu dục Los Angeles Rams, đội bóng đá Colorado Rapids, đội khúc côn cầu Colorado Avalanche và đội bóng rổ Denver Nuggets.
Các câu lạc bộ Ngoại hạng Anh thuộc sở hữu chủ yếu của nhà đầu tư Mỹ:
Manchester United: Gia đình Glazer
Arsenal: Stan Kroenke
Aston Villa: V Sports
Liverpool: Fenway Sports Group
Chelsea: Clearlake Capital
Fulham: Shahid Khan
Bournemouth: Bill Foley
Crystal Palace: John Textor
Ipswich Town: Gamechanger 20
Xu hướng sở hữu nhiều môn thể thao cũng ngày càng phổ biến. FSG sở hữu cả đội bóng chày Boston Red Sox và đội Pittsburgh Penguins trong giải NHL. Josh Harris và David Blitzer cùng sở hữu một phần Crystal Palace và có cổ phần trong cả năm giải thể thao lớn của Mỹ. Todd Boehly của Chelsea cũng là nhà đầu tư vào đội bóng chày L.A. Dodgers và đội bóng rổ L.A. Lakers, mặc dù cổ phần cá nhân của ông tại Chelsea — dù ông là chủ tịch và giám đốc thể thao tạm thời của câu lạc bộ — vẫn nhỏ hơn nhiều so với 61,5% cổ phần thuộc sở hữu của quỹ đầu tư tư nhân Clearlake Capital.
FSG đã trở thành một trong những ví dụ thành công tiêu biểu nhất về sở hữu thể thao của nhà đầu tư Mỹ. Kể từ khi mua Red Sox vào năm 2002, không đội nào giành nhiều chức vô địch World Series hơn họ (4 lần) — một thành tích đặc biệt khi xét đến việc đội này không đăng quang từ năm 1918. Liverpool cũng đã kết thúc 30 năm chờ đợi chức vô địch giải đấu hàng đầu khi giành Ngoại hạng Anh năm 2020.
Trong năm tài chính 2017-2018, Liverpool đạt lợi nhuận trước thuế kỷ lục thế giới lúc bấy giờ đối với một CLB bóng đá với con số lên tới 125 triệu bảng. Dưới sự sở hữu của FSG, Liverpool cũng đã đầu tư 50 triệu bảng vào trung tâm huấn luyện và lên đến 100 triệu bảng để mở rộng sân vận động Anfield. Cần nhấn mạnh, trước đó họ cũng mắc phải sai lầm lớn, chẳng hạn như thất bại trong việc khởi động giải Super League châu Âu vào tháng 4 năm 2021".
Dù vậy, sự tăng trưởng trong 14 năm kể từ khi FSG mua lại là rất lớn. FSG (trước đây gọi là New England Sport Ventures) đã trả 300 triệu bảng để mua Liverpool vào năm 2010, và hiện tại Forbes định giá đội bóng này hơn 4 tỷ bảng.
Không ngạc nhiên khi nhiều nhà đầu tư Mỹ muốn tham gia vào miếng bánh Ngoại hạng Anh. Một ví dụ là Ipswich Town, đội mới lên hạng. Tháng 4 năm 2021, doanh nhân địa phương Marcus Evans bán câu lạc bộ cho Gamechanger 20, một tập đoàn gồm một quỹ hưu trí từ Arizona và một nhóm nhà đầu tư thể thao Mỹ. Giá bán là 30 triệu bảng khi Ipswich còn chơi ở giải hạng Ba Anh. Sau khi thăng hạng Championship vào năm 2023, Bright Path Sports Partners, một quỹ đầu tư từ Ohio, đã rót "lên đến 105 triệu bảng" để sở hữu khoảng 40% câu lạc bộ, định giá câu lạc bộ vượt ngưỡng 250 triệu bảng. Điều này xảy ra trước khi Ipswich thăng hạng Ngoại hạng Anh vào tháng 5.
Mark Ashton, chủ tịch và CEO của Ipswich, cho biết tại Soccerex rằng doanh số bán áo đấu của câu lạc bộ đã tăng từ 10.000 chiếc mỗi năm lên 100.000 chiếc mỗi năm kể từ khi họ tiếp quản. Doanh thu của câu lạc bộ cũng tăng từ 13 triệu bảng lên mức dự báo 155 triệu bảng trong năm nay. Kieran McKenna, huấn luyện viên mà họ tuyển dụng từ đội ngũ huấn luyện của Manchester United, đã dẫn dắt đội bóng hai năm thăng hạng liên tiếp. Theo Ashton, McKenna là "tài sản nóng nhất trong giới huấn luyện." Ashton tiết lộ rằng "ba câu lạc bộ, hai trong số đó có thể là lớn nhất nước Anh," đã muốn McKenna vào mùa hè năm ngoái nhưng Ipswich đã thuyết phục ông gia hạn hợp đồng.
Ashton cũng chia sẻ về cách vận hành câu lạc bộ: "Chúng tôi đã đặt ra một số quy tắc ngay từ đầu. Các cổ đông yêu cầu chúng tôi viết kế hoạch và họ sẽ giám sát. Tôi chịu trách nhiệm thực hiện kế hoạch nhưng các cổ đông không điều hành doanh nghiệp. Họ không có số điện thoại của huấn luyện viên. Họ không đến sân tập. Họ không có mặt trong phòng thay đồ. Họ không tham gia vào việc chọn huấn luyện viên hay tuyển dụng cầu thủ.
Có một đội ngũ quản lý điều hành sẽ điều hành doanh nghiệp, và tôi đã giải thích rằng: 'Tôi có 30 năm kinh nghiệm trong ngành này và vẫn đang học hỏi. Nhưng nếu các bạn yêu cầu tôi lái máy bay vào ngày mai, điều duy nhất tôi hứa là tôi sẽ đâm nó'. Chúng tôi chứng kiến nhiều khoản đầu tư lớn đổ vào bóng đá Anh từ khắp nơi trên thế giới, nghĩ rằng họ có thể thành công ngay trong 24 giờ, nhưng điều đó không thể xảy ra."
Ed Schwartz, đại diện cho quỹ hưu trí bang Arizona, nhận định rằng Ipswich mong muốn "một kiểu sở hữu mang lại sự hỗ trợ, tầm nhìn và nguồn lực cần thiết nhưng không cản trở hoạt động."
"Rất nhiều người Mỹ đến Anh và nghĩ rằng họ hiểu biết hơn," ông nói. "Họ nghĩ: 'Chúng ta sẽ làm theo cách của mình, vì chúng ta thông minh hơn,' và điều đó thể hiện sự kiêu ngạo. 'Chúng ta sẽ đi khắp nơi như thể mình sở hữu tất cả.'"
Tuy nhiên, bên cạnh những câu chuyện tích cực như Ipswich, cũng cần nhìn nhận thực tế. Theo số liệu do chuyên gia tài chính bóng đá Kieran Maguire tổng hợp cho BBC, các câu lạc bộ Ngoại hạng Anh đã lỗ hơn 1 tỷ bảng trong mùa giải 2022-23. Không một câu lạc bộ nào có mức chi trả lương dưới 46% doanh thu. Ngược lại, 14 câu lạc bộ có mức chi trên 60%.
Hầu hết các câu lạc bộ Ngoại hạng Anh đều thua lỗ, trong khi người hâm mộ thường yêu cầu chủ sở hữu chi tiêu nhiều hơn nữa. Các câu lạc bộ hàng đầu thì càng phải tiêu nhiều hơn và không ít người đặt câu hỏi liệu lợi nhuận kỳ vọng có xứng đáng hay không. Điều này đặc biệt quan trọng khi số lượng nhà đầu tư tiềm năng đang thu hẹp lại: các tài phiệt Nga hiện không còn là lựa chọn, vốn Trung Quốc gần như đã rút khỏi bóng đá Anh. Chỉ có một số ít quỹ đầu tư quốc gia đủ khả năng và mong muốn tham gia cuộc chơi tại Ngoại hạng Anh. Phải chăng mọi ánh mắt đều đang hướng về Mỹ?
Ngay cả những người từng chịu tổn thất lớn từ bóng đá Anh cũng có thể hiểu động lực để đầu tư. Một doanh nhân từng đầu tư vào một câu lạc bộ Ngoại hạng Anh chia sẻ: "Sau những trải nghiệm đó, đôi khi tôi ngạc nhiên khi có người nghĩ: 'Vâng, hãy làm điều này!' Nhưng yếu tố khan hiếm của các câu lạc bộ lớn tại Ngoại hạng Anh lại là một động lực. Bạn có thể từ một cái tên vô danh trở thành người được nhắc đến trong hàng triệu gia đình. Bạn cũng được ngồi cùng bàn với các nhân vật lớn như chủ sở hữu Man City, Newcastle hay nhà Kroenke. Được tham gia vào căn phòng đó là điều quan trọng với nhiều người."
Chủ sở hữu West Brom là ông Patel cũng nhấn mạnh điều này tại Soccerex. Ông nói: "Tôi đã dành 20 năm điều hành các công ty công nghệ y tế. Tôi có thể đi khắp sòng bạc này và chỉ tìm thấy một tá người muốn nói chuyện với tôi về phần mềm giải quyết khiếu nại bảo hiểm. Nhưng khi nhắc đến bóng đá, câu chuyện chỉ xoay quanh điều đó."
Ngoại hạng Anh còn có một lợi thế khác: mức giá đầu vào tương đối thấp cho các nhà đầu tư tiềm năng. Theo Sportico, đội NBA có giá trị thấp nhất là New Orleans Pelicans với 2,72 tỷ USD, trong khi đội đắt nhất là Golden State Warriors ở mức 8,28 tỷ USD. Đội NFL rẻ nhất là Cincinnati Bengals với 4,71 tỷ USD, còn đội đắt nhất là Dallas Cowboys (10,32 tỷ USD).
Trong khi đó, Bill Foley, cũng là chủ sở hữu đội NHL Vegas Golden Knights, đã mua Bournemouth chỉ với 120 triệu bảng vào năm 2022. Newcastle được bán cho Quỹ đầu tư công Saudi Arabia với mức giá hơn 300 triệu bảng vào năm 2021.
Sự khác biệt về định giá chủ yếu nằm ở hệ thống lên hạng và xuống hạng — một khái niệm xa lạ với thể thao Mỹ nhưng lại là yếu tố thu hút rất lớn trong bóng đá Anh. Hiện tại, có khoảng tám câu lạc bộ tự coi mình là "nội lực" của Ngoại hạng Anh, nhưng đối với phần còn lại, mục tiêu đầu tiên của mỗi mùa giải là bảo đảm suất chơi ở mùa tiếp theo, qua đó giữ được phần doanh thu từ bản quyền truyền hình.
Năm 2011, Richard Bevan, chủ tịch Hiệp hội Huấn luyện viên Liên đoàn (LMA), từng phát biểu: "Đã có một số câu lạc bộ do người nước ngoài sở hữu thảo luận về việc loại bỏ hệ thống lên hạng và xuống hạng ở Ngoại hạng Anh. Nếu chúng ta có thêm bốn hoặc năm chủ sở hữu mới, điều đó có thể xảy ra."
Tuy nhiên, ý tưởng này chưa bao giờ trở thành hiện thực và nó sẽ phải đối mặt với phản ứng dữ dội từ các câu lạc bộ, cơ quan quản lý, cũng như người hâm mộ, truyền thông và có thể cả chính phủ. Nhưng chúng ta cũng chưa từng chứng kiến một mùa giải nào mà hơn 14 câu lạc bộ Ngoại hạng Anh, mức tối thiểu để thông qua thay đổi luật, thuộc sở hữu đa số của các nhà đầu tư Mỹ.
Các quỹ đầu tư tư nhân thậm chí đang thể hiện sự sẵn sàng chấp nhận đặt cược dài hạn hơn so với kỳ vọng thông thường của nguồn vốn tổ chức. Thay vì kỳ vọng lợi nhuận trong ba đến năm năm, ngày càng có quan điểm rằng thể thao nên được xem là tài sản có thời gian nắm giữ lâu dài hơn.
Đây có thể là điều đang diễn ra tại Chelsea, nơi chủ sở hữu chính Clearlake Capital đã đầu tư mạnh mẽ vào thị trường chuyển nhượng, chủ yếu tập trung vào các tài năng trẻ với hợp đồng dài hạn, nhằm kỳ vọng vào thành công bền vững trong tương lai.
Một chủ sở hữu Ngoại hạng Anh giải thích: "Các nhà đầu tư muốn sở hữu những tài sản có giá trị tăng theo thời gian. Thể thao được coi là một danh mục mà các nhà đầu tư cơ bản nhìn nhận như một tài sản lâu dài, thậm chí là tài sản mãi mãi. Nó không phải là một kế hoạch kiểu: 'Tôi khắc phục vấn đề này, tăng doanh thu, giảm chi phí và bán đi.' Mọi người chấp nhận rằng đây là một tài sản có chu kỳ lâu hơn."
Quan điểm nhất quán là các nhà đầu tư này nhận thấy cơ hội tăng trưởng thông qua việc quản lý tốt hơn. Tuy nhiên, thách thức là tỷ lệ giữa doanh thu đầu dòng và tiền lương cầu thủ đang ở mức đối lập nên điều cần làm nhất sẽ phải là tối đa hóa doanh thu.
Điều cần nhớ là, những người đủ thành công để sở hữu hàng triệu (hoặc hàng tỷ) USD, hoặc huy động được số tiền lớn như vậy, thường rất tự tin vào khả năng của mình. Một cựu chủ sở hữu Ngoại hạng Anh nhớ lại việc các đồng nghiệp khẳng định họ sẽ sử dụng hệ thống tuyển trạch tốt nhất, khám phá các phân tích mới và vận hành thông minh hơn các câu lạc bộ đã có mặt trên thị trường trong việc giao dịch cầu thủ. Liverpool, Brighton và Brentford là những ví dụ rõ ràng nhất về những gì có thể đạt được dưới mô hình này. Nhưng với việc ngày càng nhiều câu lạc bộ bắt kịp xu hướng, hầu hết các đội bóng giờ đây đều sở hữu các chuyên gia khoa học thể thao và dữ liệu hàng đầu, khiến sự khác biệt trở nên ngày càng khó khăn.
Mong muốn thực sự của các nhà đầu tư Mỹ là sự tăng trưởng hơn nữa trong giá trị bản quyền truyền thông của Ngoại hạng Anh. Mặc dù Ngoại hạng Anh đã bỏ xa các giải đấu khác khi thu về 3,33 tỷ bảng (4,21 tỷ USD) mỗi năm từ bản quyền truyền thông trong nước và quốc tế, nhưng con số này vẫn kém xa các môn thể thao lớn ở Mỹ. Thỏa thuận gần đây nhất của NFL, chỉ tính riêng bản quyền Bắc Mỹ qua CBS, Fox, Amazon, ESPN và NBC đã trị giá 111 tỷ USD nghĩa là trung bình hơn 10 tỷ USD mỗi năm. Trong khi đó, thỏa thuận trong nước của NBA cũng trị giá 7,7 tỷ USD mỗi năm.
Các nhà đầu tư Mỹ hy vọng sẽ có thêm đầu tư vào Ngoại hạng Anh từ các công ty truyền thông, đặc biệt qua các nền tảng trực tuyến phục vụ trực tiếp người tiêu dùng (direct-to-consumer streaming). Các nền tảng này đã chi hàng tỷ USD để mua bản quyền nội dung và cũng đang tích hợp các phương thức giúp câu lạc bộ kết nối trực tiếp với người hâm mộ toàn cầu, từ đó khai thác lợi nhuận hiệu quả hơn. Ngoài ra, còn có các cơ hội phụ trợ liên quan đến các đội thể thao, bao gồm phát triển sân vận động, bất động sản, bán lẻ, công nghệ, và ngành thực phẩm - đồ uống, khai thác ý tưởng thể thao như một hình thức giải trí.
Những ý tưởng khác cũng đang được thảo luận tại các câu lạc bộ Ngoại hạng Anh. Nếu muốn tối đa hóa doanh thu từ Mỹ, nơi được coi là thị trường tăng trưởng lớn nhất thì phương án đổi giờ trận đấu cũng được tính đến. Liệu có hợp lý khi các trận đấu tiếp tục diễn ra vào 12h30 trưa thứ Bảy, nghĩa là khoảng 4h30 sáng ở Bờ Tây nước Mỹ? Đẩy lịch thi đấu muộn hơn trong ngày sẽ phải cạnh tranh nhiều hơn với các môn thể thao Mỹ.
Ngoài ra còn có khái niệm mà nhiều người ở Ngoại hạng Anh hy vọng nhưng hiện tại chưa dám công khai: đưa các trận đấu chính thức ra ngoài nước Anh. FIFA — cơ quan cao nhất của liên đoàn bóng đá thế giới — đang tiến gần đến việc xác nhận thay đổi chính sách để điều này trở thành hiện thực. Trong khi đó La Liga của Tây Ban Nha đã không hề che giấu tham vọng tổ chức các trận đấu tại Miami.
Tom Werner, chủ tịch FSG, chia sẻ với Financial Times đầu năm nay: "Tôi quyết tâm một ngày nào đó sẽ tổ chức một trận đấu Ngoại hạng Anh tại New York. Tôi thậm chí có ý tưởng điên rồ rằng sẽ có một ngày chúng ta tổ chức một trận đấu ở Tokyo, vài giờ sau ở Los Angeles, vài giờ nữa ở Rio, rồi đến Riyadh, biến nó thành một ngày mà bóng đá, cụ thể là Ngoại hạng Anh, được tôn vinh trên toàn thế giới."
Ông chủ của Werner tại FSG và đồng thời là chủ sở hữu Liverpool là Henry đã hạ thấp ý tưởng này. Nhưng với việc ngày càng có nhiều nhà đầu tư Mỹ tham gia, chúng ta có thể mong đợi nhiều cuộc thảo luận hơn nữa trong tương lai.