Ví, Giặm Nghệ Tĩnh thành Di sản thế giới: Chỉ cần không can thiệp 'thô bạo'
Trước đó, vào chiều 27/11 tại Paris (Pháp), phiên họp Uỷ ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 9 của UNESCO đã chính thức công nhận Ví, Giặm Nghệ Tĩnh (VGNT) là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại.
Sức sống xuyên thời gian
Theo UNESCO, một trong những tiêu chí quan trọng nhất để VGNT được vinh danh nằm ở "sự trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong cộng đồng cư dân Nghệ Tĩnh" và "phản ánh bản sắc văn hóa cũng như thể hiện suy nghĩ, cảm xúc của họ".
Từng tham gia nhận xét tư vấn cho hồ sơ trước khi gửi lên UNESCO, PGS Đặng Hoành Loan (nguyên Phó Viện trưởng Viện âm nhạc VN) cũng là người có hàng chục năm nghiên cứu về VGNT. Theo lời ông, VGNT nhiều khả năng xuất hiện từ thế kỷ XVII, khi các phường hội nghề nghiệp tại vùng dân cư này manh nha hình thành. Rồi một thời gian dài sau đó, từ không gian đặc thù của môi trường lao động, VGNT đã tự phát triển để trở thành sinh hoạt văn hóa chính trong hầu hết các hoạt động cộng đồng của người dân nơi đây.
"Gần như không loại hình dân ca nào tại VN có cuộc vượt thoát ngoạn mục khỏi chức năng ban đầu như vậy. Từ việc tồn tại như những điệu hát của phường vải, phường củi, phường buôn..., VGNT đã dần dần xuất hiện tại tất cả các sinh hoạt khác như ru em, làm ruộng, tự sự, đối đáp và thậm chí cả giao duyên nữa"- PGS Loan nói. "Đặc biệt, nếu các điệu dân ca tại đồng bằng Sông Hồng và đồng bằng Sông Mã vẫn có chút gì đó tương đồng nhau và làn điệu thì VGNT lại mang những đặc điểm hoàn toàn riêng biệt, thậm chí là tạo ra sự lan tỏa, ảnh hưởng tới dân ca khu vực từ Quảng Bình tới Huế".
Sức sống bản địa ấy là lý do để VGNT tồn tại như một dòng chảy xuyên suốt vài trăm năm nay, với hàng trăm lời ca khác nhau. Trong đó, có những lời ví phường vải được cho là viết bởi Đại thi hào Nguyễn Du và có cả những lời ca mới, được sáng tác rất ngẫu hứng để ghi lại lịch sử Việt Nam hiện đại trong thời kháng chiến. Năm 2013, thống kê cơ bản cho thấy ở khu vực Nghệ An, Hà Tĩnh có tới 260 làng thực hành dân ca ví dặm và 75 nhóm VG lớn (hơn 1500 thành viên). Đó là chưa kể tới một lượng khổng lồ những người dân bản địa đã từng biết về VG và có thể hát ngay 1, 2 bài nếu được yêu cầu.
Hãy để Ví, Giặm là của cộng đồng
"Được vinh danh thì mừng rồi. Nhưng, chúng ta đừng vội nghĩ tới việc bảo tồn VGNT thông qua sự can thiệp trực tiếp" – GS Tô Ngọc Thanh (Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian VN) chia sẻ. "Dân ca là loại hình luôn gắn chặt với không gian văn hóa bản địa đặc thù. Nếu lại xuất hiện cái tư duy rằng VGNT cần được tổ chức chuyên nghiệp, rồi sân khấu hóa để mang đi biểu diễn khắp nơi thì khổ cho VGNT vô cùng".
Sự thực, từ vài chục năm trước, tỉnh Nghệ Tĩnh đã tự xây dựng cho mình một đoàn kịch dân ca hiện đại. Trong đó, những làn điệu Ví, Giặm được đặt lời mới và biên tập lại, rồi đưa lên sân khấu để biểu diễn với hệ thống nhân vật và nội dung riêng. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, loại hình này cần được coi là một hướng phát triển bổ sung và không thể thay thế cho VGNT "gốc".
"Chỉ có điều, khi tôn vinh, chúng ta hãy phân biệt rạch ròi giữa di sản dân ca với nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp" – PGS Loan chia sẻ. Theo ông, để hỗ trợ cộng đồng bản địa bảo tồn VGNT, ngành quản lý đơn giản chỉ cần tổ chức thêm nhiều cuộc thi và liên hoan mang tính chất phong trào cho loại hình dân ca này. "Càng có nhiều sân chơi, những người dân bản địa tại hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh càng có thêm cơ hội thể hiện tình yêu với VGNT của mình. Đó chính là con đường bảo tồn bền vững thông qua cộng đồng đang gìn giữ và thực hành di sản".
Cúc Đường
Thể thao & Văn hóa