Chữ và nghĩa: 'Nhất củ khoai đầu vồng…'
(Thethaovanhoa.vn) - Câu tục ngữ trên viết đầy đủ là: “Nhất củ khoai đầu vồng, nhì có chồng trưởng nam”. Đây là cách xếp loại (theo thứ tự nhất nhì) của cách đánh giá dân gian. Bậc thứ nhất liên quan tới sự vật (khoai đầu vồng). Bậc thứ hai liên quan tới con người (chồng trưởng nam).
“Khoai” là “tên gọi chung những loại cây có củ chứa tinh bột ăn được”. Nhưng “khoai” trong “khoai đầu vồng” là khoai lang (“cây có thân mọc bò, lá hình tm, hoa hình phễu, màu trắng hay tím nhạt, rễ củ chứa nhiều tinh bột, dùng để ăn” - Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020). Đây là một loại cây ăn củ rất phổ biến ở nông thôn ta. Ngoài lá (làm rau cho người ăn và chăn nuôi gia súc) thì củ khoai lang được coi là một loại lương thực hỗ trợ chủ chốt cho mọi gia đình (Được mùa chớ phụ ngô khoai/ Đến khi thất bát lấy ai bạn cùng). Có lẽ vì tầm quan trọng đó mà “củ khoai đầu vồng” được tôn lên vị trí thứ nhất trong câu tục ngữ này.
“Vồng” là “luống đất đắp cao, hình khum khum” để trồng các loại khoai (khoai lang, khoai sọ, khoai tây…). Khi làm đất trồng khoai, người ta đánh thành luống khá cao, xẻ một đường dọc luống, đặt các đoạn dây khoai lang bánh tẻ (cắt thành từng đoạn) rồi lấp đất (Đám cưới tránh ngày đoạn tang/ Trồng khoai lang tránh ngày gió bấc). Dây bén rễ và vươn ngọn bò dọc luống (Khoai lang ba tháng phủ vồng).
Những dây ở đầu vồng (đầu luống) có ưu thế nhiều đất ăn và nhiều hướng cho ngọn bò xung quanh. Chính vì vậy mà củ khoai đầu vồng to, chắc. Khi già, củ khoai này luộc sẽ bở, có vị đậm và thơm ngon hơn.
- Chữ và nghĩa: 'Chè hâm lại, gái đưa đò'
- Chữ và nghĩa: 'Ngày kĩa' và 'ngày kịa'
- Chữ và nghĩa: 'Nhà nghèo hay con thảo, nước loạn biết tôi trung'
Đây chính là tiền đề tạo nên vế thứ hai: “Nhì có chồng trưởng nam”. “Trưởng nam” là “con trai cả đã lớn tuổi trong một gia đình nào đó”. Đây là người đứng đầu cho một gia đình, rộng hơn một gia tộc chịu trách nhiệm lo liệu mọi công việc (Trưởng nam lắm ruộng nhiều trâu/ Một trăm cái giỗ đổ đầu trưởng nam). Với vai trò quan trọng như thế, trưởng nam phải cáng đáng một “sứ mệnh” đối nội và đối ngoại trong hàng tộc. Bù lại, trưởng nam sẽ được hưởng một đặc ân mà những người khác cùng bậc trong gia đình (thứ nam, trưởng nữ, thứ nữ) không có: Được hưởng mọi phần ưu tiên trong việc phân chia: Nhà cửa, đất đai, của cải và phần lộc (mọi con cháu cùng được thụ hưởng) trong các dịp lễ tết, cúng giỗ, việc họ. Trong mâm cỗ lễ, sau khi hạ lễ, người ta bao giờ cũng cắt ít nhất một phần tư cái thủ lợn luộc, hay đầu và đùi con gà và một phần xôi to nhất cho trưởng nam. Ngày xưa, đó là một ưu đãi đặc biệt. Dĩ nhiên, những người thân (trong đó có vợ và con cháu) trưởng nam sẽ được hưởng cùng. Già được thịt (lợn, gà) uống rượu, trẻ được ăn xôi trắng với giò. Hỏi còn gì hạnh phúc bằng (nhất là vào thời kì đói kém). Đấy là chưa nói trưởng nam còn được thừa kế những tài sản, tiền bạc lớn hơn nhiều. Bổng lộc như thế làm gì mà các bà vợ không hân hoan, vui sướng. Ông chồng mình cũng như bao đàn ông khác. Tự nhiên vào hàng “VIP”, được nhận đủ thứ, không chỉ “oai” và danh giá mà còn nhận về mình bao nhiêu lợi ích vật chất.
Đầu vồng khoai củ mới to
Trưởng nam, trưởng họ vừa lo vừa mừng
PGS - TS Phạm Văn Tình