Chữ và nghĩa: 'Ngày kĩa' và 'ngày kịa'
(Thethaovanhoa.vn) - "Ngày kia hay ngày kìa ư? Không được rồi. Gần Tết nên mấy hôm đó mình bận lắm. Lùi lại chút được không? Ngày kĩa hay ngày kịa thì có thể được...”.
Một anh trong nhóm bạn nọ vung tay nói như vậy. Chuyện không có gì đáng nói, nhưng lại rất đáng nói vì một chị bạn người Nga (cũng đang ngồi tại một bàn gần kề trong quán ăn) ghé tai tôi và hỏi: "Ngày kĩa hay ngày kịa là những ngày gì thế anh?".
Người bạn Nga này là một đồng nghiệp nghiên cứu về tiếng Việt và rất giỏi tiếng Việt (không phải người nước ngoài nào nghiên cứu ngôn ngữ hay văn học Việt Nam đều sành sỏi tiếng Việt, nhất là khẩu ngữ). Sự ngạc nhiên của chị (về một từ lạ chị chưa hiểu) cũng chính là điều ngạc nhiên của tôi (cũng bởi, tôi biết và không hiểu tại sao cho đến nay, mọi “Từ điển tiếng Việt” chưa thống kê các từ này).
Để có căn cứ tìm hiểu và giải nghĩa các từ trên, có lẽ ta phải bắt đầu từ một từ được coi là "xuất phát điểm". Đó là từ “hôm nay”.
"Hôm" trong tiếng Việt, có 2 nghĩa, chỉ: 1. thời gian buổi tối và 2. khoảng thời gian thuộc về một ngày. "Nay" là "thời gian hiện tại", "Hôm nay" là "ngày hiện tại, khi đang nói". Nghĩa thứ 2 chính là nghĩa của từ chúng ta đang xét. Trong các bài phát biểu, các diễn văn trong hội nghị, người ta hay bắt đầu bằng từ "hôm nay" và nếu thực hiện phép quy chiếu, mọi người phải liên tưởng xem "hôm nay" ứng với ngày nào theo lịch (Dương lịch và Âm lịch). Theo trục định vị thời gian, "hôm nay" được trực chỉ đúng vào thời gian trong ngày mà sự kiện đang diễn ra. Chẳng hạn: “Hôm nay, sáng mồng hai tháng chín/ Thủ đô hoa, vàng nắng Ba Đình”(Tố Hữu). Hôm nay, đó là đơn vị chỉ thời gian 1 ngày (có 24 giờ) trong tổng số 365 ngày vẫn diễn ra bình thường, tuần tự của 1 năm.
Lấy "hôm nay" làm chuẩn, nhìn về phía trước, ta có ngày mai "ngày liền sau ngày hôm nay". Ngày mai là ngày liền kề ngày hiện tại. Và sau một đêm thức dậy, cái gọi là "ngày mai" ấy đã chuyển hóa sang ngày hôm nay rồi. Tiếp theo, "ngày liền sau ngày mai" sẽ là “ngày kia”. Tiếp theo nữa, "ngày liền sau ngày kia" là "ngày kìa" v.v…
Và cũng lấy "hôm nay" làm chuẩn để nhìn về phía sau, ta sẽ thấy: "Hôm qua" là "ngày vừa qua liền trước ngày hôm nay"; "hôm kia" là "ngày vừa qua liền trước ngày hôm qua". Tiếp nữa, "hôm kìa" là "ngày vừa qua liền trước ngày hôm kia".
Rắc rối thực, chỉ thay đổi mỗi một thành tố kết hợp và thêm thanh điệu (mai, kia, kìa) mà tiếng Việt đã có 3 từ khác nhau chỉ ngày tương lai kế theo "hôm nay" (ngày mai, ngày kia, ngày kìa) và cũng 3 từ khác nhau nữa chỉ ngày hôm trước đã diễn ra (hôm qua, hôm kia, hôm kìa). Nhưng điều đáng nói là, lại có 4 từ (quá khứ 2, tương lai 2) dùng bổ sung thêm để chỉ 4 ngày tiếp theo nữa.
- Chữ và nghĩa: Thổi giá
- Chữ và nghĩa: Cơm sống tại nồi, hay sống tại vung?
- Chữ và nghĩa: 'Nước mưa là cưa trời'
Chị đồng nghiệp người Nga ngạc nhiên là phải. Cũng bởi tiếng Nga có các tương đương tiếng Việt và cũng dừng ở ngày thứ 3 so với ngày "hôm nay". Đó là "hôm kìa" và "ngày kìa". Có điều 2 từ này trong tiếng Nga mang tính giải thích chứ không phải từ riêng biệt có tính định danh (như tiếng Việt). "Hôm kìa" tiếng Nga viết три дня тому назад, có nghĩa là "3 ngày trước đó (tính từ hôm nay)" và "ngày kìa" theo tiếng Nga послепослезавтра có nghĩa là "sau của sau ngày mai" (lặp lại 2 lần: после (sau) + после (sau) + завтра (ngày mai). Người nghe phải tự nhẩm tính để định vị cho đúng ngày này mà trục định vị là "hôm nay". Suy ra cho đúng cũng không đơn giản.
Dù sao, tuy rắc rối song thực hiện được chức năng diễn tả một đối tượng "sở chỉ thời gian" như thế cũng là hay, là cần thiết.Với tiếng Việt, các từ "hôm kĩa, hôm kịa", "ngày kĩa, ngày kịa” mang tính khẩu ngữ mà chức năng của nó chủ yếu giúp cho người nghe hình dung về một ngày khá xa ngày hôm nay. Chứ nếu cần phải chính xác hóa, tránh nhầm lẫn, thì người nói phải nói một ngày thật cụ thể. Thí dụ ngày đang nói là 19/1/2022, thì “ngày mai”sẽ là 20/1, “ngày kia”sẽ là 21/1, “ngày kìa”sẽ là 22/1, còn có thể giúp người nghe hình dung hiểu ngay. Chứ sang “ngày kĩa”, “ngày kịa” thì người nói phải đưa thông tin rõ luôn: Ngày 23/1, ngày 24/1 (2022). Tương tự như vậy, “hôm kĩa”, “hôm kịa” cũng phải chính xác hóa, tránh nhầm lẫn và cũng tiện cho việc giao tiếp.
Những từ này, tuy ít dùng, nhưng vẫn có trong giao tiếp đời thường. Thiết tưởng, “Từ điển tiếng Việt” mới cần phải bổ sung các từ này.
Thay đổi chỉ một dấu thanh
Thế là lỡ hẹn ngày anh gặp nàng.
PGS-TS Phạm Văn Tình