Tử tế không bao giờ sáo rỗng
(Thethaovanhoa.vn) - 30 năm kể từ khi bộ phim Chuyện tử tế của đạo diễn Trần Văn Thủy ra đời, năm 2014 vừa qua, “tử tế” lại trở thành từ khóa “hot” của truyền thông. Những chuyên mục về chuyện tử tế được mở trên nhiều tờ báo, kênh truyền hình. Những cuộc tọa đàm lớn nhỏ xung quanh chủ đề “cũ kỹ” này cũng được mở ra liên tiếp. Thậm chí, cả một giải thưởng báo chí với chủ đề “Sống tử tế” cũng được hình thành và thu hút hàng trăm bài báo bàn về giá trị cốt lõi của cộng đồng.
Song, nếu cứ tiến triển theo đà này, nhiều người lo ngại sự tử tế sẽ thành một phong trào chóng đến, chóng đi, một khẩu hiệu lên gân sáo rỗng, một chủ đề mang tính giải trí đáp ứng sự tò mò hơn là hướng thiện?!
Phóng viên báo Thể thao & Văn hóa có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Văn Vịnh, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội và Phát triển, Phó viện trưởng Viện Công nghệ Giáo dục về vấn đề này.
Chúng ta đang khát thèm sự tử tế
* Một câu hỏi từ 30 năm trước của đạo diễn Trần Văn Thủy nhưng vẫn chưa có lời đáp thấu đáo, theo ông, thế nào là sự tử tế?
- Theo tôi, tử tế không phải là những khái niệm đạo đức đao to búa lớn. Tất cả mọi hành vi trong đời sống của con người đều xuất phát từ định hướng có tính nhân văn và chia sẻ. Nên với tôi, chuyện tử tế chỉ là một nụ cười, một cái vẫy tay. Chuyện tử tế chỉ là những hành vi nhỏ, hướng thiện và hướng về tình thương của con người.
* Đơn giản vậy sao truyền thông phải ồn ào trong suốt năm qua?
- Chúng ta nên thẳng thắn nhìn nhận rằng, chúng ta đang ở trong một xã hội khát thèm sự tử tế, một nền truyền thông bị “cướp, hiếp, giết, sốc, sex, sến” lấn át. Đó là một xã hội với cách hành xử thờ ơ của con người với con người hay các hành vi bất thường mang tính bạo lực, manh động tràn lan các mặt báo.
Tất nhiên, xã hội nào cũng có vấn đề trong nội hàm của nó, cũng có chuyện tốt và chuyện xấu đan xen. Nhưng lúc những người tử tế, việc tử tế vẫn tồn tại thầm lặng thì những hành vi lệch chuẩn đạo đức lại được truyền thông săn đón, đăng tải quá nhiều. Khi truyền thông soi chiếu xã hội với một lăng kính như vậy, cộng đồng sẽ bị bủa vây bởi các “thuyết âm mưu” trước vô vàn sự việc nhỏ và trở nên hoang mang. Mà cái đích cuối cùng của mọi cuộc khủng hoảng là phải tìm bằng được thứ gì đó để tin. Và theo tôi, đó là lý do “tử tế” thành từ khóa hot của truyền thông trong suốt năm qua dù đó là giá trị giản đơn, cơ bản.
Những tờ báo, kênh truyền hình chính thống đã làm đúng sứ mệnh của mình khi khơi dậy niềm tin chính đáng này. Trước kia có các phong trào tôn vinh người tốt việc tốt, nay tôi thấy cách thức làm này không còn phù hợp. Nên với những phương tiện tiếp cận thông tin rầm rộ như hiện nay thì việc đưa những thông tin mang lại xúc cảm cho mọi người, giàu tính nhân văn là cần thiết và hữu dụng.
Nên tôi ủng hộ việc xã hội vào cuộc tôn vinh những bài báo viết những câu chuyện tử tế, người tử tế, việc tử tế. Đây chưa thể là đối trọng với những chuyện nhảm nhí nhưng nó có tác dụng tích cực thúc đẩy xã hội và các cá thể trong xã hội điều chỉnh hành vi của mình.
* Nhưng đặc điểm cố hữu của truyền thông hiện đại là ồn ào nhanh, lãng quên nhanh. Ông có nghĩ những câu chuyện tử tế cũng “vội vã trở về, vội vã ra đi” như bao trào lưu truyền thông?
- Tôi hy vọng đó không phải là phong trào mà nó sẽ thường trực lâu dài. Bởi điều chỉnh hành vi xã hội không đến từ những phong trào ngắn hạn mà phải bền bỉ.
Thực tế về bản chất, đa số mọi người trong xã hội đều mong muốn chuyện tử tế và sẵn sàng làm việc tử tế khi có điều kiện. Nên tính giáo dục nhân văn của các chuyên mục trên là rất quan trọng và vẫn luôn được đón nhận.
Tôi đặt cược vào “tính bản thiện” của con người
* Có một nghịch lý, sự thắng thế của chuyện tử tế trên truyền thông một phần là bởi những “thông tin lá cải” bị bão hòa trên các mặt báo. Một bộ phận độc giả bội thực những thông tin đó và quay sang đọc chuyện tử tế. Ông có nghĩ đến một ngày nào đó, tử tế cũng sẽ thành một từ rất sáo rỗng?
- Tôi không nghĩ nó sẽ nhàm và sáo. Thực tế, từ rất lâu, loài người đã có những câu chuyện cổ tích để giáo dục trẻ em. Những câu chuyện ấy theo con người trong suốt quãng đời còn lại. Rồi nó được trao chuyền từ bố mẹ sang con cái... Những chuyện tử tế ấy cứ thế từ đời này sang đời khác mà không bao giờ sáo rỗng.
Tôi chỉ hi vọng chuyện tử tế không bị đẩy lên thành phong trào mà hãy để nó âm ỉ cháy nhờ những nhà báo, những người giữ lửa. Còn khi đã thành phong trào, tôi e ngại rằng khi có kinh phí, số lượng người tử tế, việc tử tế tăng vọt. Rồi quyết toán xong, số lượng người tử tế lại biến mất trên mặt báo.
Bản thân các phương tiện truyền thông cũng phải điều tiết để duy trì bền bỉ. Bằng không, khi phát triển “nóng”, thông tin thiếu kiểm chứng được đưa lên ồ ạt, việc tử tế trở thành nhảm nhí và những nỗ lực hiện nay là vô ích.
Nhưng tôi vẫn tin vào sự tương tác của báo chí hiện đại và tính hướng thiện trong cộng đồng. Hay nói cách khác, tôi đặt cược vào “tính bản thiện” của con người.
Tất nhiên người phải có thiện, có ác; ai chỉ có tốt không thì là Chúa trời; ai xấu nhiều hơn tốt thì là những người tầm thường; ai đa phần chỉ xấu thì xã hội đã định vị họ là tội phạm. Và chúng ta phải hướng đến một xã hội với những con người tốt nhiều hơn xấu.
* Chúng ta sẽ hướng tới “tính bản thiện” như ông vừa nói như thế nào?
- Tính tự cân bằng văn hóa là đặc tính tự nhiên của lịch sử. Bao giờ cũng thế, sự dao động sẽ diễn ra mạnh và kéo quá về một cực. Cộng đồng văn minh sẽ tỉnh táo nhận ra và điều chỉnh lại.
Và tính nhân văn, tính hướng thiện mãi mãi là nền tảng gốc. Và không chỉ truyền thông mà cả cộng đồng cần nhìn ra điều này để hướng về những điều tử tế, tìm lại giá trị cốt lõi của mình.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
“Từ rất xa xưa, cha bác có dạy rằng: Tử tế có trong mỗi con người, mỗi nhà, mỗi dòng họ, mỗi dân tộc. Hãy bền bỉ đánh thức nó, đặt nó lên bàn thờ tổ tiên hay trên lễ đài của quốc gia. Bởi thiếu nó, một cộng đồng dù có những nỗ lực tột bậc và chí hướng cao xa đến mấy thì cũng chỉ là những điều vớ vẩn” - Lời bình phim Chuyện tử tế của đạo diễn Trần Văn Thủy. |
Mỹ Anh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Xuân Ất Mùi 2015