Chế lời Quốc ca và ý thức về tính biểu tượng
(Thethaovanhoa.vn) - Vụ hát Quốc ca “chế lời” có diễn biến mới khi ngày 29/10 Phòng An ninh (PA 83) CA TP.HCM đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ “chế” lời Quốc ca và tổ chức hát nơi công cộng sang CA Bình Thạnh để giải quyết.
- Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc nói về 'chế Quốc ca': 'Nên xử lý theo hướng giáo dục'
- Hà Nội bắt đầu thực hiện nghi lễ chào cờ, hát Quốc ca đầu tuần
Nhìn ra thế giới
Hát nhạc chế không phải là chuyện lạ, không chỉ ở Việt Nam mà còn đầy rẫy ở khắp nơi. Nhạc gì cũng chế, có cái thành “hit” trong đời sống âm nhạc của công chúng, nhưng chỉ là hát vui trên bàn nhậu. Các lời ca như “Đô trung bình là bốn xị, tệ lắm cũng vài chai…” (chế từ bài Huyền thoại mẹ của Trịnh Công Sơn); hoặc “Bia nào cũng là bia, bia chai cũng là bia, bia mộ cũng là bia” (chế từ bài Ru ta ngậm ngùi của Trịnh Công Sơn)…
Nhưng cho đến nay, ngay cả những bài hát chế lời hát vui trên bàn nhậu dăm bảy người, cũng chưa ai chế lời từ Quốc ca. Có lẽ họ ý thức được rằng Quốc ca là một biểu tượng thiêng liêng, không nên có những hành vi sửa đổi dù chỉ để đùa vui. Điều này khác hoàn toàn với vị giám đốc chế lời quốc ca rồi bắt 500 công nhân cùng hát, cho thấy ý thức đối với Quốc ca là quá kém.
Đứng về mặt pháp lý, nếu xem bản nhạc chế lời từ quốc ca của vị giám đốc nọ là một tác phẩm phái sinh, thì để làm điều này người thực hiện cần xin phép tác giả (hoặc đại diện quyền tác giả), được tác giả cho phép thì mới thực hiện.
Nước Mỹ có thể xem là vương quốc của nhạc chế. Nhạc nào cũng chế và chế rất hay, thậm chí người chế lại lời (parodist) còn ẵm nhiều giải Grammy. Trong số ấy Weird Al Yankovic có thể được xem là một ông vua không ngai của nhạc chế. Ông “chế” từ những bài hit của Michael Jackson, Madonna, Nirvana… và biến thành hit của riêng mình. Công chúng khoái nghe nhạc Yankovich vì ở đó có sự giễu nhại, châm biếm, đả kích uyên thâm. Trong sự nghiệp hát nhạc chế của mình, Yankovic đã xuất bản gần 30 album, cái nào cũng là best-seller.
Nhưng tuyệt nhiên, chưa bao giờ có ai kể cả Yankovic “chế” lại, Star-Spangled Banner, bài quốc ca Mỹ và cả Amazing Grace bản thường được coi là "quốc ca" chính thức của người da đỏ Mỹ. Có những giới hạn không thể vượt qua. Điều này cho thấy rằng dù ở đất nước mà các nghệ sĩ luôn“muốn gì làm đó” người ta cũng có một ý thức rất cao đối với quốc ca, đối với biểu tượng của đất nước.
Tuyệt nhiên không phải chuyện đùa
Ở Việt Nam, ý thức về tính biểu tượng dường như vẫn đang bị xem thường một cách thản nhiên. Hôm 17/10, tại sân Hoa Lư (TP.HCM) đã diễn ra lễ hội hóa trang Cosplay theo tinh thần truyện tranh Nhật.
Lễ hội này đã có từ nhiều năm nay và là một sân chơi ưa chuộng của các bạn trẻ. Nhưng đáng nói là tại lễ hội này lại lọt thỏm một vài hình ảnh phản cảm khi có bạn trẻ vận bộ đồ quân phiệt Nhật và cả bộ đồ sĩ quan SS (phát xít Đức). Có lẽ họ đã quên đọc lại lịch sử và quên những đau thương từ những bộ đồ quân phiệt trên.
Cách đây 10 năm, hoàng tử Harry của Hoàng gia Anh, trong phút bốc đồng đã mặc một bộ đồ phát xít mà ngay sau đó tờ The Sun đã đăng lên trang bìa với dòng chữ “Harry Nazi” (Harry phát xít) và cũng lần đầu tiên, tại trang 2 tờ này, đã có một bài xã luận cực kỳ nghiêm túc về lòng yêu nước. Hoàng tử Harry sau đó đã phải xin lỗi.
Nêu hai trường hợp nói trên để thấy rằng, với những sự việc tương tự, người nắm chức vị cao trong xã hội, cần có ý thức cao vì hành động của họ sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều người (trường hợp của Hoàng tử Harry là như vậy).
Trở lại với trường hợp của vị giám đốc chế lời quốc ca, ý thức lệch lạc của ông ta trước mắt là ảnh hưởng đến 500 công nhân mà ông ta bắt họ phải hát, chưa tính đến những người đã phải nghe bài này và bài hát được hát trong một buổi lễ chính thức chứ không phải hát vui trên… bàn nhậu.
Những người giữ những chức vụ quan trọng và có tác động đến nhiều người, xã hội đòi hỏi họ có những mẫu mực, ý thức của vị giám đốc chế lời quốc ca đáng trách là ở chỗ đó.
Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa