'Chim chết cổng chùa', phóng sinh vô tình thành điều ác
(Thethaovanhoa.vn) - Những ngày đầu năm mới là dịp để người dân đi cúng lễ ở các đền chùa, cầu cho một năm nhiều tài lộc, may mắn, bình an. Theo quan điểm của Phật giáo, phóng sinh mang lại rất nhiều công đức.
- Thả chim phóng sinh mồng một Tết – Nét văn hóa của người Đà Lạt
- Cứu chim phóng sinh - Một người chết đuối
Phóng sinh là một việc làm để thể hiện tấm lòng từ bi của con người đối với muôn loài. Khi con người nhìn thấy các loài vật đang bị bắt nhốt, giam cầm sẽ phát lòng từ bi, tìm cách giải thoát cho những con vật tội nghiệp đó. Người ta bẫy những con chim để bán cho người đi phóng sinh. Chúng lại bị bắt lại ngay sau khi được thả. Và rồi người ta lại mua. Vòng luẩn quẩn cứ thế cho đến khi chú chim bị chết. Lúc ấy lại là chuyện khác, một kiểu phát tâm từ bi vô trách nhiệm.
Một câu hỏi được đặt ra, lượng lớn những loài vật được con người mua về để phóng sinh, chúng từ đâu xuất hiện? Bản chất tốt đẹp của hoạt động phóng sinh còn không khi sự hiểu biết đúng đắn về tâm linh đi xuống. Liệu có bao nhiêu phần trăm trong tổng số những người tham gia hoạt động phóng sinh là vì thật tâm họ có lòng thương cảm đối với muôn loài? Hay tất cả những việc làm đó chỉ để mong mang lại những điều may mắn về cho bản thân mình?!
Như một chu kỳ, cứ những ngày đầu của năm mới, báo chí lại rần rần những bài viết về hoạt động phóng sinh ở các đền chùa. Không còn xa lạ nữa những dòng tít bài “Chim phóng sinh bị mua đi bán lại đến... chết mới thôi”, “Chim phóng sinh chết la liệt trước cổng chùa ngày Rằm tháng Giêng”, “Chim phóng sinh chết sau khi được thả”.
Rõ ràng hoạt động nhân văn, tốt đẹp này đã bị biến tướng rất nhiều so với những tốt đẹp vốn có. Theo quy luật của thị trường, có cầu ắt sẽ có cung. Nhu cầu phóng sinh của người dân ngày càng tăng thì sẽ xuất hiện người bán những con chim phóng sinh.
Người ta bẫy những con chim trời để bán cho người đi phóng sinh. Những con chim đó lại bị người bán bắt lại ngay sau khi được thả. Và rồi chúng lại được bán. Vòng luẩn quẩn cứ thế diễn ra cho đến khi chú chim tội nghiệp bị chết.
Báo chí đề cập rất nhiều, bản thân những người tham gia hoạt động phóng sinh cũng có thể tự suy luận ra được sự thật về những chú chim được họ mua lại để phóng sinh. Nhưng chẳng ai bận tâm đến điều này. Họ chỉ lo cho xong công việc của mình. Một kiểu phát tâm từ bi vô trách nhiệm.
Họ mua chim về để phóng sinh nhưng lại im lặng trước những hành vi giết lại động vật hoang dã. Họ mua chim phóng sinh thể hiện từ bi nhưng lại sử dụng những sản phẩm từ động vật quý hiếm. Và việc phóng sinh, vô tình trở thành tiếp tay cho điều ác.
Ở ngã tư phố Bà Triệu – Tô Hiến Thành (Hà Nội) từ lâu người phụ nữ tên Tim, bán trà đá vỉa hè và quanh năm mang thóc ra nuôi chim trời. Bà bỏ tiền ra mua thóc về cho chúng ăn. Thi thoảng có người lại mang thóc đến cho bà để bà chăm lũ chim trời.
Đàn chim ở ngã tư phố Bà Triệu – Tô Hiến Thành
Chăm những đàn chim trời lâu đến nỗi... bà có thể hiểu được chúng muốn ăn gì. Thóc cũng phải hạt mẩy, ngon chúng mới ăn. Một ngày bà cho lũ chim ăn vài lần, ăn xong chúng đi nơi khác kiếm mồi rồi lại quay trở về quanh quẩn bên cây cột điện cạnh quán nước bà Tim.
Bà nói rằng người ta đưa bà lên báo nhiều rồi và bà không thích điều này lắm. Mình làm việc thiện, cho lũ chim ăn thì đâu có gì. Phải chăng những điều tốt đẹp trong xã hội bây giờ ít quá nên việc bình thường cũng trở nên đặc biệt trên mặt báo?
Ngồi nhìn ngắm đàn chim bình thản mổ từng hạt thóc trên vỉa hè, mặc kệ những chiếc xe vẫn ầm ầm lao qua, mặc kệ phố xá đông đúc, ồn ã. Bỗng thấy lòng nhẹ nhàng, thanh thản. Bỗng thấy được ý nghĩa thực sự của làm điều thiện với chúng sinh, ý nghĩa thực sự của phóng sinh.
Bài và ảnh: Mỹ Anh