Thư EURO: Tỏ tình kiểu Pháp dưới chân tháp Eiffel
(Thethaovanhoa.vn) - Bạn hãy tưởng tượng, trước khai mạc EURO mấy giờ đồng hồ, hàng nghìn cổ động viên đang rùng rùng chuyển động ở khu fanzone và số đông kéo đến chân tháp Eiffel, dưới cái nắng cuối ngày trải vàng như mật ong, một chàng trai đang ngỏ lời cầu hôn với cô gái.
Họ bất chấp xung quanh. Chàng trai mặc sức để tay “diễn thuyết”. Cô gái nhìn thẳng vào mắt chàng. Lá vàng cứ rơi. Và rồi, chàng trai kéo cô gái sát vào mình. Họ ôm nhau trong im lặng. Cạnh đó, khóm hồng đang lung linh khoe sắc. Tháp Eiffel tỏa hào quang bao dung. “Je T’aime”- Anh yêu em. Có thể chàng trai đã thủ thỉ câu đó. Họ dịu dàng quá! Đắm say quá!
Một khung cảnh quá lộng lẫy, như là một màn tỏ tình trong phim ảnh kinh điển. Thú thực, nó làm các giác quan của tôi rung lên như điện giật, đánh thức rung cảm vi diệu nhất của cái gọi là yêu đương chìm sâu tận đáy tâm hồn mình?
Paris còn được mệnh danh là thành phố của tình yêu. Nhiều du khách đến đây để yêu nhau hơn. Thậm chí, họ đến đây để tỏ tình, để thấm vào nhau dư vị yêu đương đúng nghĩa. Khi đã bước vào ngày thứ 2, cảm nhận của tôi là người dân Paris lãng mạn và nồng nàn quá đỗi. Bạn bè tôi giải thích rằng, khi yêu, các chàng trai sử dụng những cử chỉ tinh tế lắm. Và kết thúc buổi tối hẹn hò là những cử chỉ thân mật, dĩ nhiên không thể thiếu nụ hôn nồng nàn đặc trưng của Pháp. Nếu cần biết thêm sự khác biệt giữa nụ hôn thông thường và nụ hôn kiểu Pháp, bạn hãy đến Paris, hoặc chịu khó tìm hiểu nhé…
Người Pháp vẫn giữ được nét tình yêu cổ điển, và bị tác động rất mạnh bởi cảnh sắc, kiểu “tức cảnh sinh tình”. Một cú sét ái tình bất cứ lúc nào cũng có thể xoẹt qua như một định mệnh mãi mãi gắn chặt nhau. Thế nên mỗi lần đi qua vườn Luxembourg, nhìn cảnh sắc đắm say và những trai tài, gái sắc đang rảo bước, tôi càng hiểu vì sao chỉ một ánh mắt của Marius lần đầu chiếu qua nàng Cosette, vốn tinh khiết và bẽn lẽn như đóa hồng ban mai còn ngậm đầy sương, đang ngồi trên ghế đá, lại yêu chàng trai xa lạ đến chết bỏ!
Dưới chân ngọn tháp huyền thoại, thầm cảm ơn bậc vĩ nhân Gustave Eiffel. Bởi ông cũng có mối liên hệ với Việt Nam khi là tác giả của cầu Tràng Tiền, cầu Long Biên, Kết Cấu Nhà Bưu Điện Sài Gòn (tức Nhà Bưu Điện Trung Tâm TPHCM hiện nay). Mối liên hệ giữa Pháp và Việt quá sâu sắc.
Ngay khu fanzone, giữa biển người, thật bất ngờ khi bắt gặp một nhóm sinh viên Việt Nam. Có mấy đôi tay trong tay, cảm nhất rất rõ họ hạnh phúc vì tình yêu bóng đá, và tình yêu lứa đôi.
Tôi cũng thấy niềm hạnh phúc xâm chiếm khi chợt nhận ra mình đã yêu Paris nhanh đến thế. Rảo bước giữa đại lộ Bourdonnails, những ngôi nhà như những cung điện. Nhiều cửa sổ ngay tầng một không hề đóng cửa. Thậm chí, có thể thấy các thiếu nữ, tiểu thư, nằm ngủ ngon như những con mèo ngoan, giữa ánh đèn ngủ kỳ ảo. Thế cho nên, Paris vẫn còn những chuyện tình kiểu “Romeo” và “Juliet”, trèo ban công để vào với người yêu. Mấy tiệm cà phê khách trầm ngâm như hiền triết. Từ hàng trăm năm trước, biết bao phát minh, sáng tạo đã nẩy chồi từ những quán cà phê này. Mấy hộp đêm vẫn còn đỏ đèn. Hộp đêm nào nàng Marguerite Gautier (trong Trà Hoa Nữ) đã lui tới để bước vào áng văn của Alexandre Dumas con?
Năm xưa, Bạch Công Tử- Lê Công Phước từng nhẵn mặt giữa chốn xa hoa này. Trong suốt hai năm từ 1931 – 1932, ông được giới ăn chơi quý tộc ở Pháp tôn sùng là “ông hoàng”, gọi bằng cái tên rất “Tây”. Thời gian ăn chơi trên đất Pháp, những mảnh đất cả đời ông Phủ Sủng cất công gây dựng cũng theo gót chân Bạch Công Tử không cánh mà bay tứ tán. Nghĩ mà kinh khiếp cho một đời trai phong trần!
Lúc này, khu fanzone vẫn đang ầm ầm những âm thanh đầy màu sắc. Hàng chục nghìn người, từ khắp thế giới, đổ về Paris vì một tình yêu chung - bóng đá. Tất nhiên, bóng đá còn là cầu nối thắt chặt tình yêu lứa đôi. Để tôn vinh tình yêu đó, hãy cảm ơn chính phủ và người dân Pháp. Họ đã hy sinh thầm lặng rất nhiều để tạo dựng những tình yêu.
Hữu Quý (Từ Paris)
Thể thao & Văn hóa