GS Hoàng Tụy: Người khai sinh “Trường phái Hà Nội”
Nữ GS sử học Trường ĐH Harvard bà Ann Hibner Koblitz, tác giả cuốn sách viết về cuộc đời và sự nghiệp nữ toán học Nga Kovalevskaia bán rất chạy ở Mỹ và chồng bà, Neal Koblitz GS toán học Trường ĐH Tổng hợp Washington là những người am hiểu Việt Nam. Họ là người sáng lập Giải Kovalevskaia ở nhiều nước như Việt Nam, Nicaragua , El Salvador… Năm 1990, sau khi đến Việt Nam làm việc với các nhà toán học nước ta, trở về Mỹ, GS Neal Koblitz viết một bài báo dài tới 30 nghìn từ, chiếm 19 trang tạp chí, kèm theo 10 bức ảnh, một tấm bản đồ và ba biểu đồ, đăng trên Tạp chí Toán học The Mathematical Intelligencer, được NXB Springer - Verlag in đồng thời ở Mỹ và châu Âu. Đầu đề bài báo đầy lôi cuốn: “Hồi ức về toán học ở một đất nước bị bao vây”.
Qua hồi ức của GS Hoàng Tụy, nhà toán học Mỹ muốn giới thiệu với giới toán học quốc tế những thành tựu đáng ngạc nhiên của các nhà toán học, cũng như các em học sinh giỏi toán Việt Nam tại các kỳ Olympic toán quốc tế, mặc dù đất nước này đang bị Mỹ cấm vận và có mức thu nhập bình quân đầu người thấp “không tưởng tượng nổi”. N. Koblitz dành phần lớn bài báo để kể tỉ mỉ quê hương, dòng họ, thời niên thiếu, thanh niên cũng như quá trình học tập, nghiên cứu, sáng tạo của nhà toán học Việt Nam Hoàng Tụy - người đứng đầu Trường phái Hà Nội - mà nhiều kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực lý thuyết Tối ưu toàn cục được coi là kinh điển, và đã được thừa hưởng rộng rãi ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới.
GS Hoàng Tụy
Mồ côi cha khi mới lên bốn, gia đình túng bấn lại đông anh em nên tuổi thơ của ông rất vất vả. Giỏi văn học Pháp, nhưng ngay từ thời trung học, Hoàng Tụy đã bộc lộ thiên hướng toán học. "Nhảy cóc" hai lớp, là thí sinh tự do, ông vẫn đỗ đầu kỳ thi tú tài phần một vào tháng 5/1946 và sau đó 4 tháng, đỗ đầu tú tài toàn phần ban toán ở Huế.
Năm 1951, nghe tin TS Lê Văn Thiêm chuẩn bị mở Trường Khoa học cơ bản, Hoàng Tụy liền xin phép Sở Giáo dục Liên khu V cho ra Việt Bắc theo học thầy Thiêm. Chuyến đi "Tầm sư học đạo" ấy kéo dài gần 6 tháng. Trong ba lô chỉ có gạo, muối và dăm ba cuốn sách toán tiếng Pháp đã được gỡ bỏ hết bìa cứng và xén hết lề cho nhẹ bớt... Đến nơi thì Hoàng Tụy mới biết, chương trình này ông đã tự học xong cả rồi.
Trường Khoa học cơ bản chuyển sang khu Học xá ở Nam Ninh (Trung Quốc). Các hiệu sách ở đây có bán sách toán tiếng Nga. Hoàng Tụy liền học tiếng Nga qua tiếng Anh, với cuốn sách mỏng Russian in three Months (Tiếng Nga trong 3 tháng). Chỉ sau chưa đầy 3 tháng, ông bắt đầu đọc được cuốn Lý thuyết hàm biến số thực của I.P.Natanson, vừa đọc vừa luôn tay tra từ điển Nga - Anh, Nga - Hán...
Thủ đô giải phóng, ông bắt tay vào việc dạy toán tại Trường ĐH Khoa học, về sau là Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội.
Tháng 3/1959, Hoàng Tụy trở thành một trong hai người Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ khoa học toán - lý tại Trường Lomonosov, Moskva. Lĩnh vực nghiên cứu của ông là Giải tích thực, nhưng chẳng bao lâu sau, ông nhận thấy tuy đây là lý thuyết hay và quan trọng nhưng khó có ứng dụng thực tế ở Việt Nam, ít nhất là vào thời điểm ấy. Năm 1961, ông bắt đầu chuyển sang nghiên cứu Vận trù học. Sau một thời gian tìm hiểu, ông bắt đầu có công trình nghiên cứu về lĩnh vực mới này, và sau khi gặp và trao đổi ý kiến với nhà toán học Nga nổi tiếng L.V.Kantorovich (chuyên gia hàng đầu thế giới về ứng dụng toán học vào kinh tế, đã được giải thưởng Nobel năm 1974), ông dứt khoát chuyển sang Lý thuyết tối ưu - một ngành Toán học có nhiều ứng dụng trong Vận trù học và nhiều ngành kinh tế, công nghệ.
Đầu năm 1961, ông khởi xướng và hướng dẫn phong trào ứng dụng vận trù học ở miền Bắc, bắt đầu từ ngành giao thông vận tải rồi dần dần mở rộng sang nhiều ngành kinh tế khác. Lúc bấy giờ trên thế giới, vận trù học hãy còn rất mới mẻ, nên một số phóng viên nước ngoài (như Le Monde) rất ngạc nhiên, khi biết có những thành tựu vừa mới ra đời ở Mỹ cách đó chỉ mấy năm (như phương pháp "đường găng" hay PERT) mà đã được nghiên cứu ứng dụng ở Việt Nam ngay trong hoàn cảnh chiến tranh.
Ít năm sau, năm 1964 ông có công trình thực sự gây tiếng vang quốc tế. Công trình ấy không phải là một luận án tiến sĩ dài nhiều trăm trang, mà chỉ là một bài báo ngắn, vẻn vẹn 4 trang khổ nhỡ, đăng trên Báo cáo của Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô. Kết quả đáng quý nhất của bài báo là đưa ra được một lát cắt độc đáo, có khả năng ứng dụng rất đa dạng, không những để giải nhiều bài toán tối ưu toàn cục (những bài toán "khó về bản chất", trước đó chưa ai giải được), mà còn để giải những bài toán quy hoạch tổ hợp. Phương pháp do Hoàng Tụy đề xuất về sau được giới toán học quốc tế gọi là "lát cắt Tụy" (Tuy's cut) và được coi là cột mốc đầu tiên đánh dấu sự ra đời của một chuyên ngành toán học mới: Lý thuyết Tối ưu toàn cục.
* Nhà toán học lão thành của đất nước
Từ ngày 20 đến ngày 22/8/1997, nhân dịp GS sắp tròn 70 tuổi tại Viện Công nghệ Limkoping (Thụy Điển), cuộc hội thảo quốc tế với chủ đề "Tìm tối ưu từ địa phương đến toàn cục" được tổ chức để tôn vinh ông, "người đã có công trình tiên phong trong lĩnh vực tối ưu toàn cục và quy hoạch toán học tổng quát". Các báo cáo của các nhà toán học thế giới tại hội thảo được tập hợp thành một cuốn sách đề tặng GS Hoàng Tụy.
Cuốn sách được xuất bản ở Mỹ, Anh, Hà Lan và nhiều nơi khác. Vẻ đẹp tự nhiên và tao nhã - từ dùng của các nhà toán học - của những chứng minh toán học của ông chinh phục được các nhà khoa học thế giới, các bài toán của ông có ứng dụng trong nhiều ngành khoa học, công nghệ và kinh tế, trong đó có những vấn đề thuộc lĩnh vực mũi nhọn của thế giới về tin học và sinh học.
Năm 1988 tại Ðại hội quốc tế về quy hoạch toán học lần thứ 13 tại Tokyo, các nhà toán học thành lập Tạp chí Global Optimization (Tối ưu Toàn cục) mời ông làm Tổng biên tập nhưng ông từ chối, với lý do Việt Nam lúc đó liên hệ với nước ngoài còn nhiều khó khăn, chưa có điều kiện thuận lợi cho việc biên tập một tạp chí khoa học quốc tế. Ông là ủy viên sáng lập của tạp chí này và là ủy viên Ban biên tập nhiều tạp chí quốc tế nổi tiếng khác như Mathematical Programming, Optimization.
Kể từ khi công trình khai phá của Hoàng Tụy được công bố (1964), lý thuyết tối ưu toàn cục ngày càng phát triển mạnh mẽ và có nhiều ứng dụng trong kinh tế, công nghệ. Trong sự phát triển toàn cầu ấy, "Trường phái Hà Nội" (Ha Noi school) giữ vai trò nổi bật. Một số nhà toán học nước ngoài coi Hà Nội là "địa danh nổi tiếng thế giới về tối ưu hóa" với nhiều phát minh đặc sắc, về sau được giới toán học quốc tế gọi là Thuật toán kiểu Tụy, Điều kiện không tương thích Tụy...
GS. Hoàng Tụy là tác giả của gần 150 công trình khoa học đăng trên các tạp chí Toán học quốc tế có uy tín. GS đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 (1996) cho những kết quả sáng tạo không ngừng của ông. Hoàng Tụy cùng với GS Lê Văn Thiêm đã có đóng góp lớn trong việc thành lập Viện Toán học và Hội Toán học Việt Nam. Viện Toán học Việt Nam hiện nay được Viện hàn lâm khoa học thế giới thứ ba công nhận là một trong 10 trung tâm toán học xuất sắc của các nước đang phát triển.
* “Sĩ phu Bắc Hà”
Ông nói: "Đối với tôi, dù nghỉ hưu tôi vẫn làm việc đều đặn, vẫn nghiên cứu và hướng dẫn nghiên cứu Toán học, đồng thời quan tâm thiết tha đến sự nghiệp chấn hưng giáo dục, khoa học của đất nước, vì đó là điều thiết yếu, nguồn vui trong cuộc sống của tôi". GS cười: “Hôm trước có bạn viết báo gọi tôi là “sĩ phu Bắc Hà” đấy”.
Bây giờ, trong căn nhà riêng trên đường Đội Cấn, ông vẫn đang nỗ lực hoàn thành một cuốn sách mới về Tối ưu toàn cục, đã ký hợp đồng với NXB Springer, và hai năm nữa phải hoàn thành. Ông vẫn buộc mình phải suy nghĩ liên tục hàng ngày, đã có lúc ông ngủ quên bên bàn làm việc. Một tâm tư lớn của ông là không áp dụng được thuyết Tối ưu toàn cục vào Việt Nam, chỉ làm được mấy năm hồi 1960, rồi chiến tranh, rồi thời gian, “những cơ hội của tôi qua rồi, nếu áp dụng được thì tránh được bao sai lầm, tốn kém”.
GS Hoàng Tụy sở hữu một phong thái nhẹ nhàng và cách chuyện trò rủ rỉ. “Tài sản” cá nhân lớn nhất của ông bây giờ là 4 người con, 7 người cháu. Sống ở Hà Nội hơn nửa thế kỷ, ông nhận xét: Người mà sống lâu ở Hà Nội thì tất nhiên nảy sinh nhiều tình cảm lẫn suy tư về thăng trầm lẫn vẻ đẹp của Hà Nội. Ông góp ý, 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội là một dịp tốt và hiếm có, rất đáng làm, nhưng lãnh đạo Hà Nội cũng phải suy nghĩ sao cho tiến hành xứng đáng, đừng làm những việc tốn kém và hình thức.
Ngoài tuổi 80, lông mày GS Hoàng Tụy có vài sợi bạc. Tóc bạc như mây.