Nghệ nhân Phạm Văn Cường: "Anh thợ cả" làng tượng Phật
Theo sử sách cũ chép lại thì nghề tạc tượng ở Hà Tây (cũ) có từ thời Lê sơ và Võ Lăng là một trong những làng nghề có tiếng từ rất sớm. Nghệ nhân Phạm Văn Cường là “anh thợ cả” đã có mấy chục năm truyền dạy nghề “chân truyền” của ông cha cho nhiều lứa thanh niên trong thôn.
“Vào nghề” từ thuở lên 10
Nghệ nhân Phạm Văn Cường sinh năm 1960 trong một gia đình có truyền thống về tượng pháp, hoành phi, câu đối và đồ thờ. Hiện anh là một trong số ít những người trong nghề còn nắm giữ những bí quyết pha chế sơn ta cổ truyền của “đất trăm nghề” Hà thành. Anh từng rong ruổi khắp các tỉnh phía Bắc đảm trách phần nội thất của nhiều đền chùa trong đó có những ngôi chùa nổi tiếng của Hà Nội như chùa Quán Thánh, Cổ Nhuế, Láng Hạ, đền Sóc, đền Bạch Mã...
“Bén duyên” với nghề tạc tượng từ năm lên 10 tuổi do chính ông nội của mình cầm tay chỉ việc, nghệ nhân Pham Văn Cường vào nghề tự nhiên như hít thở khí trời. Đối với anh, tạc tượng hay làm hoành phi câu đối để thờ là một “nghề tâm linh”. Mỗi khi tạc xong một bức tượng Phật, tượng danh nhân hay góp công tu sửa được một ngôi chùa, anh đều cảm thấy trong mình thanh thản bởi đã được đóng góp sức mình vào việc kế thừa, phát huy truyền thống cha ông trong việc gìn giữ “những biểu tượng tâm linh” của làng xã bị tàn phá trong thời kỳ chiến tranh và sự xâm hại của các yếu tố tự nhiên, con người.
Cường thổ lộ, trong nghề tạc tượng, khó nhất là sơn. Sơn cũng có thể coi là một nghề riêng đòi hỏi sự kỳ công không kém gì nghề chạm bạc, chạm ngà. Mỗi một kích cỡ tượng đều có cái “mệt” riêng của nó. Tượng lớn đòi hỏi người thợ không chỉ khéo léo mà cần có sức khỏe dẻo dai và giàu kinh nghiệm, biết nhìn thớ gỗ để đục phá thế nào để tượng vừa cân đối lại tiết kiệm được nguyên liệu cũng như thời gian. Tượng bé lại đòi hỏi phải chính xác đến từng chi tiết dù là bé nhất. Những tượng cỡ nhỏ thì phần hoàn thiện như “kẹt” (đắp sơn vá tượng) mài, sơn tượng chiếm nhiều thời gian nhất.
Nghệ nhân Phạm Văn Cường
Làm thợ cũng cần “Phật tâm”
Không chỉ riêng nghệ nhân Phạm Văn Cường mà cả gia đình nghệ nhân 50 tuổi này đều dốc sức cho nghề gia truyền của ông cha. Trong thôn chỉ riêng nhà anh Cường đã có đến 3 xưởng sản xuất với khoảng 50 công nhân làm việc. Bây giờ dù đã ở tuổi “tri thiên mệnh” nhưng anh vẫn sẵn sàng cùng thợ đến bất cứ nơi đâu theo “tiếng gọi” của những ngôi chùa.
Trong những xưởng sản xuất của anh có từ 10 - 15 lao động chủ yếu là những người trong thôn Võ Lăng. Con trai mới vào nghề thì đục phá còn đàn bà, con gái thì đảm việc gọt nạo trước khi sơn. Còn những thợ thạo việc thì chịu trách nhiêm những khâu quan trọng và phức tạp nhất như chạm hoa văn hay vá, sơn. Khó nhất là sơn son thếp vàng đòi hỏi sự kỳ công nhất là sự khéo léo của người làm nghề.
Mặc dù không khó kiếm thợ làm nhưng anh vẫn lưu tâm nhiều nhất đến những người có tính kỷ luật cao trong lao động. Điều này cũng rất quan trọng vì những kíp
thợ của anh thường phải thi công ở nơi chùa chiền tôn nghiêm nên người thợ ngoài việc giỏi chuyên môn còn phải có đạo đức tốt, không nói tục, không rượu chè. Bởi trong khi làm việc họ luôn phải tuân thủ quy tắc sinh hoạt của chùa chiền. “Cho nên người thợ phải có lòng hướng Phật”, anh Cường kết luận.
Anh cho rằng việc rèn luyện tính kỷ luật cũng giúp người thợ cẩn trọng hơn trong công việc cuả mình, nghề làm tượng không có chỗ cho những người thợ cẩu thả vì như thế không những chỉ tạo ra những sản phẩm khuyết tật, kém chất lượng mà còn thất thố với tiền nhân, những người đã giữ nghề qua nhiều thế hệ.
Hiện những kíp thợ do nghệ nhân Phạm Văn Cường đào tạo đã đem theo nghề làm tượng của làng Võ Lăng đến đến nhiều vùng miền của cả nước. Có những người đã lập nghiệp ở Thái Lan, Campuchia, Trung Quốc.
Với những đóng góp của mình trong việc giữ gìn, phát huy và truyền dạy nghề truyền thống cho thế hệ trẻ, Phạm Văn Cường được phong tặng danh hiệu nghệ nhân tháng 6/2005.
Vi Nhung