Quần vợt: Từ Arthur Ashe đến Dustin Brown - Những câu chuyện cổ tích của Wimbledon
Ngày ấy…
Hình ảnh mái tóc dread-lock của Dustin Brown bay trong gió sau khi anh đánh bại Nadal tại vòng 2 Wimbledon 2014 gợi nhiều liên tưởng. Ngày 5/7, đúng 40 năm về trước, Arthur Ashe đã đánh bại ứng viên hàng đầu cho ngôi vô địch Jimmy Connors để trở thành tay vợt da đen đầu tiên lên ngôi Wimbledon.
Arthur Ashe bắt đầu chơi quần vợt từ khi là một cậu bé tại thị trấn quê nhà ở Richmond, bang Virginia. Sau khi giành học bổng quần vợt ở UCLA, Ashe đã được ngôi sao quần vợt lúc bấy giờ là Pancho Gonzales nâng đỡ. Năm 1968, ông trở thành tay vợt da đen đầu tiên vô địch US Open. Hai năm sau, ông cũng thâu tóm được luôn Australian Open.
Dustin Brown (trái) gây sốc tại Wimbledon nhưng còn lâu mới đạt tới đẳng cấp của Arthur Ashe
Năm 1975, ở Wimbledon, Ashe đã 31 tuổi và đã qua thời đỉnh cao. Thế nên việc ông vào tới tận chung kết đã đủ gây bất ngờ lớn rồi, nhất là đối thủ của Ashe, Connors còn đang là nhà đương kim vô địch. Trước đó, thành tích tốt nhất của cây vợt da đen chỉ là vào bán kết năm 1968 và 1969. Lúc ấy, rất nhiều người nghĩ rằng Ashe sẽ không có chút cơ hội nào, đơn giản là trong cả 3 cuộc đối đầu trước đó, Connors đều thắng rất dễ dàng. Hơn nữa, ở trận bán kết trước đó với Roscoe Tanner, Connors còn thể hiện phong độ hết sức ấn tượng bằng chiến thắng 3-0, trong khi Ashe phải tới set thứ 5 mới đánh bại đối thủ người Úc Tony Roche.
Nhưng rồi mọi dự báo sớm sụp đổ, trong trận chung kết trên sân Church Road, Connors chỉ thắng nổi jeux đầu, rồi sau đó thua liền lúc 6 jeux sau đó, khiến set đầu chỉ mất 20 phút là xong. Sang set 2, kịch bản tương tự cũng lại diễn ra, Connors thua chóng vánh cùng tỷ số 1-6. Ở set thứ ba, Connor thắng chật vật 7-5, nhưng đó là tất cả bởi đến set 4, Ashe lấy lại được sự cân bằng và thắng 6-4 để giành chức vô địch Wimbledon duy nhất trong sự nghiệp.
Ashe giải nghệ năm 1980. Trong suốt sự nghiệp của mình, ông dành được 51 chức vô địch lớn nhỏ. Sau khi rời sân đấu, Ashe viết cuốn sách gồm 3 tập “A Hard Road to Glory”, được xuất bản lần đầu năm 1988. Trong tự truyện này, ông miêu tả chi tiết những khó khăn, gian nan mà những vận động viên da màu phải chịu đựng ở Mỹ. Đặc biệt là vào năm 1983, sau một ca phẫu thuật tim, Ashe đã bị nhiễm HIV khi đang được truyền máu. Sau khi tiết lộ bí mật khủng khiếp này với cả thế giới vào năm 1992, ông bắt đầu thành lập những chương trình giáo dục cho công chúng về HIV và AIDS. Ashe qua đời vì biến chứng liên quan đến AIDS vào ngày 6/2/1993. Năm 1997,US Open đặt tên cho sân đấu chính của giải là Arthur Ashe.
Mỏi mòn đợi…”cổ tích”
Khó có thể so sánh Dustin Brown bây giờ với Arthur Ashe khi tay vợt gốc Jamaica chưa bao giờ vào tới vòng 4 Wimbledon. Và khó có thể tưởng tượng Brown sẽ là tay vợt da màu tiếp theo chinh phục được danh hiệu cao nhất tại All England Club. Nhưng cách mà chàng trai có mái tóc ấn tượng ấy đã đánh bại được “ông vua đất nện” Rafael Nadal tới hai lần đã khiến cho người hâm mộ phải thực sự để tâm và nhắc tới anh nhiều. Brown đã chơi một thứ tennis xuất sắc. Anh giành được 13 cú ace, 58 điểm winner và lên lưới tới 89 lần. Riêng trong set đầu tiên, Brown đã có được 20 điểm winner và 2 lần giành break. Thực ra, ngay sau khi thắng Nadal thì Brown cũng bị loại, tuy vậy tên anh cũng đủ trở thành từ khóa tìm kiếm ‘hot’ trên mạng trong mấy ngày nay. Điều đó chứng tỏ một điều, người hâm mộ khát những làn gió mới.
Dustin Brown đã không thể viết tiếp câu chuyện cổ tích của mình
Thực ra Wimbledon chính là giải Grand Slam lý tưởng nhất để những câu chuyện cổ tích xảy ra. Năm 2004, khán giả trên sân đấu trung tâm theo dõi trận chung kết giữa Serena Williams và 1 tay vợt 17 tuổi đã được mãn nhãn bởi vẻ xinh đẹp và những cảm xúc vỡ òa của nhà vô địch. Bởi đó không phải là Serena mà là Maria Sharapova, lúc đó vẫn “tuổi teen” đã được ôm chiếc đĩa bạc. Không ai có thể ngờ một thiếu nữ Nga, đã phải xa mẹ, chuyển sang Mỹ cùng bố để hy sinh những năm tháng gia đình hạnh phúc cho nghiệp quần vợt, lại có thể vô địch một giải Grand Slam khi còn trẻ như thế. Trận đấu kết thúc sau 2 set đấu với các tỷ số 6-1, 6-4
“Búp bê Nga” đã đi vào lịch sử quần vợt khi trở thành tay vợt Nga đầu tiên giành chức vô địch cá nhân tại Wimbledon. Và sau Martina Hingis (16 tuổi năm 1997) và Lottie Dod (15 tuổi năm 1887), Sharapova là tay vợt trẻ thứ ba lên ngôi cao nhất tại đây. Chiến thắng ấy cũng đặt dấu chấm hết cho 4 năm thống trị liên tục của chị em Williams tại All England Club.Từ ấy đến nay, quần vợt nữ cũng chứng kiến thêm nhiều nhà vô địch Wimbledon mới nhưng không có trường hợp nào gây sốc như Maria Sharapova kể cả Marion Bartoli năm 2013. Phía giải nam thì còn… "thảm hại” hơn khi quanh đi quẩn lại chỉ có “Big Four” tranh nhau lên ngôi – mà trong đó đã có tới 6 lần của Roger Federer.
Có vẻ như Wimbledon năm nay cũng sẽ không có bất ngờ gì khi mà những tay vợt trẻ tiềm năng, những “ngựa ô” đều lần lượt rơi rụng ngay tuần thi đấu đầu tiên. Những câu chuyện cổ tích kiểu Arthur Ashe, Maria Sharapova, những người viết nên lịch sử theo cách của riêng mình chắc lại phải chờ thêm.
Yến Nhi
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần