Phát triển công nghiệp điện ảnh Việt Nam (kỳ 1): Đúng chiến lược, rõ tầm nhìn…
Công nghiệp điện ảnh từ lâu đã là xu thế phát triển tất yếu ở nhiều nước và là một bộ phận quan trọng của công nghiệp văn hóa. Nói đến công nghiệp điện ảnh là phải nói đến sản phẩm điện ảnh (là tác phẩm điện ảnh, gọi đơn giản hơn là bộ phim) và thị trường điện ảnh.
Tuy nhiên, không chỉ đối với công chúng Việt Nam mà ngay cả với những người làm điện ảnh, thuật ngữ "công nghiệp điện ảnh" còn rất mới mẻ.
Mũi nhọn trong các ngành công nghiệp văn hóa
Tại "Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam" diễn ra tháng trước tại Đà Nẵng, TS Đỗ Quốc Việt, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, trong tham luận của mình nhấn mạnh: "Cùng với các ngành nghệ thuật khác, điện ảnh đã góp phần trong công cuộc phát triển văn hóa dân tộc, đưa văn hóa trở thành nền tảng tinh thần, mục tiêu và động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đã và đang tạo động lực để thu hút các thành phần kinh tế trong nước tham gia cũng như thu hút doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào điện ảnh".
Nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng, ngày 8/9/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1755/QĐ-TTg phê duyệt "Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030", theo đó yêu cầu tăng dần tỷ trọng phim truyện Việt Nam chiếu tại các rạp; xây dựng và phổ biến các tác phẩm điện ảnh có giá trị nghệ thuật, có tính cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế; đạt mục tiêu đảm bảo doanh thu từ phim Việt Nam đạt khoảng 50 triệu USD vào năm 2020 và 125 triệu USD vào năm 2030.
Theo Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, quá trình thực hiện chiến lược trên diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị - xã hội của Việt Nam đạt được những thành tựu to lớn, khẳng định uy tín, vị thế trên trường quốc tế. Giai đoạn 2018 - 2023 là khoảng thời gian điện ảnh Việt Nam có sự thay đổi sâu sắc. Ở trong nước, đó là sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng các doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào hoạt động sản xuất, phát hành và phổ biến phim tại Việt Nam; sự gia tăng, chuyển đổi mục đích sử dụng của các rạp chiếu phim và hãng phim Nhà nước; sự gia tăng của các doanh nghiệp sản xuất phim tư nhân với phần lớn phim được sản xuất thường chú trọng yếu tố thương mại và giải trí. Hệ thống rạp với cơ sở hạ tầng, máy móc, thiết bị kỹ thuật hiện đại đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế được xây dựng tại nhiều thành phố lớn trên cả nước.
Để đạt được những kết quả đó, theo TS Đỗ Quốc Việt, phải kể đến công tác xây dựng thể chế, chính sách lĩnh vực điện ảnh thời gian qua. Trong đó, việc kịp thời ban hành Luật Điện ảnh số 05/2022/QH15 được Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 15/6/2022 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023) với nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới so với Luật Điện ảnh năm 2006. Chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh được luật quy định rõ việc đầu tư và hỗ trợ nhằm tạo sự linh hoạt trong chính sách của Nhà nước; thể hiện rõ hơn cơ chế, biện pháp của Nhà nước để huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển công nghiệp điện ảnh, tăng cường xã hội hóa hoạt động điện ảnh… cùng với đó là Nghị định 131/2022/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn dưới luật đã tạo điều kiện và thúc đẩy các hoạt động sản xuất, phát hành và phổ biển phim trong và ngoài nước.
Xu hướng sản xuất phim remake - làm lại từ các phim nổi tiếng nước ngoài - phát triển khá mạnh và bước đầu thành công về doanh thu.
Thị trường điện ảnh phát triển mạnh
Thị trường phát hành phim, phổ biến phim tại Việt Nam phát triển khá mạnh, nhất là sau đại dịch Covid-19. Theo thống kê của Cục Điện ảnh, hiện cả nước có 5 cơ sở phát hành và phổ biến phim trong nước; 7 cơ sở phát hành và phổ biến phim có vốn nước ngoài thường xuyên tham gia hoạt động phát hành phim; 11 doanh nghiệp đủ điều kiện phân loại phim trên không gian mạng. Số lượng các cơ sở phát hành và phổ biến tăng dần qua các năm, nhất là ở khối doanh nghiệp có vốn nước ngoài.
Số lượng phim Việt Nam được cấp phép chiếu tại các rạp có xu hướng tăng: Năm 2016 là 42 phim, năm 2017 là 38 phim; năm 2018 là 40 phim; năm 2019 là 41 phim; năm 2020 là 36 phim; năm 2021 là 21 phim; năm 2022 là 30 phim và năm 2023 là 36 phim. Số lượng phim nước ngoài phổ biến chiếu tại rạp Việt Nam cũng tăng mạnh, chiếm hơn 70%. Xu hướng sản xuất phim remake - làm lại từ các phim nổi tiếng nước ngoài - phát triển khá mạnh và bước đầu thành công về doanh thu.
Phim của các doanh nghiệp, cơ sở điện ảnh trên cả nước phát triển mạnh, nhiều bộ phim đã đoạt nhiều giải thưởng quốc tế như phim: Cha cõng con, Dạ cổ hoài lang, Cô Ba Sài Gòn, Nhắm mắt thấy mùa Hè, Song lang, Hạnh phúc của mẹ… Bên cạnh đó, nhiều bộ phim đạt doanh thu cao, là tín hiệu khả quan đóng góp cho quá trình phát triển ngành công nghiệp điện ảnh như: Bố già đạt doanh thu gần 430 tỷ đồng, Hai Phượng đạt doanh thu 200 tỷ đồng; Cua lại vợ bầu đạt 191 tỷ đồng; Nhà bà Nữ doanh thu 475 tỉ đồng; Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh thu được 273 tỷ đồng; Mai đạt doanh thu gần 500 tỷ đồng… và nhiều phim đạt mức doanh thu trên 100 tỷ đồng (Mắt biếc, Em chưa 18, Gái già lắm chiêu, Lật mặt 48h...)
Đây là những bộ phim có góc nhìn đa chiều, phản ánh đời sống gia đình - xã hội, được thực hiện với hình thức hấp dẫn, có khả năng truyền tải thông điệp tích cực tới khán giả, có ảnh hưởng tốt với đời sống xã hội.
Hoạt động hợp tác, hội nhập quốc tế trong lĩnh vực điện ảnh có nhiều khởi sắc, thể hiện qua các sự kiện điện ảnh Việt Nam ở nước ngoài, các sự kiện điện ảnh quốc tế. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức lồng ghép các sự kiện điện ảnh kết hợp đẩy mạnh quảng bá du lịch, nét đẹp về văn hóa, con người Việt Nam như: Chương trình Xúc tiến Du lịch - Điện ảnh Việt Nam tại Hoa Kỳ với chủ đề Việt Nam - Điểm đến mới của điện ảnh thế giới; Tuần phim Việt Nam tại các nước châu Á, châu Âu, châu Mỹ Latin..., Liên hoan phim Quốc tế Berlin - Đức, Liên hoan phim Quốc tế Hong Kong (Trung Quốc), Liên hoan phim Quốc tế Tokyo - Nhật Bản, Liên hoan Phim Quốc tế Cannes - Pháp...
Ở trong nước, các Liên hoan phim Việt Nam, Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội, Liên hoan phim châu Á - Đà Nẵng, các liên hoan phim chuyên ngành, chuyên đề… là hình thức hiệu quả để xúc tiến, quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến bạn bè thế giới, mở rộng giao lưu học hỏi kinh nghiệm quốc tế và là kênh thu hút khách du lịch hiệu quả. Ngoài ra, các doanh nghiệp tư nhân chủ động quảng bá, giao lưu, tuyên truyền giới thiệu tác phẩm điện ảnh tại các liên hoan phim quốc tế, chợ phim, xuất khẩu tác phẩm điện ảnh đã được thẩm định, cấp phép phát hành để lại những dấu ấn tốt.
Phim Nhà nước đặt hàng ngoài tiêu chí tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, cũng tạo được niềm tin của đông đảo với khán giả với những câu chuyện, góc nhìn đa dạng, khái quát được những vấn đề xã hội lớn, mang tính nhân văn. Điển hình, phim Nhà tiên tri đoạt giải thưởng Quay phim xuất sắc nhất tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XIX; phim Thầu Chín ở Xiêm đạt Giải A, Giải thưởng sáng tác Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Phim Cuộc đời của Yến (đề tài về người phụ nữ Việt Nam) đạt Giải thưởng Lớn - Grand Festival Prize tại Liên hoan Phim lần thứ 9 "Công chiếu Quốc tế lần đầu - Philippines 2016" và giải Bông Sen bạc tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 19 (năm 2015)…
Tương tự, phim Phượng cháy (đề tài thanh, thiếu niên), được trao Bằng khen của Ban Giám khảo Giải thưởng Cánh diều; Phim Truyền thuyết về Quán Tiên (đề tài về chiến tranh cách mạng), đạt giải Bông sen Bạc LHPVN lần thứ 21; Phim Bình minh đỏ (đề tài chiến tranh cách mạng), đạt giải Cánh diều Bạc năm 2022 và Giải thưởng của Ban Giám khảo LHPVN lần thứ 22; Phim Cơn giông (đề tài về chiến tranh cách mạng), đạt giải Giải Vàng của Hội Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022)…
Hiện tượng "Đào, phở và piano"
Trong số các phim được Nhà nước đặt hàng, riêng phim Đào, phở và piano đã đạt Giải Bông sen Bạc tại LHPVN lần thứ 23 và được phát phổ biến thí điểm tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia và 17 hệ thống rạp của các doanh nghiệp tư nhân, trung tâm văn hóa, điện ảnh một số tỉnh/thành phố. Phim đã tạo sức hấp dẫn đối với khán giả, thu hút được đông đảo số lượng người xem, tạo được ấn tượng tốt về hiệu quả phim do Nhà nước đặt hàng, doanh thu tính đến ngày 08/4/2024 đạt gần 21 tỷ đồng.
(Còn tiếp)