100 năm ngày sinh nhà văn Nguyễn Đình Thi: "Ngôi sao nhớ ai mà sao lấp lánh"
Tại Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Nguyễn Đình Thi (20/12/1924 - 20/12/2024), bên cạnh sự xuất hiện của đông đảo văn nghệ sĩ, trí thức, có sự xuất hiện đặc biệt của dịch giả Dominique De Miscault - người dịch tuyển tập thơ Búp sen và tia nắng (Lotus En Bouton - Esclats De Soleil) của Nguyễn Đình Thi ra tiếng Pháp, xuất bản song ngữ Pháp - Việt tại Pháp.
Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy - tác giả Con đường gốm sứ, từng nhiều lần hợp tác với bà Dominique De Miscault và từng học cùng cháu nội Nguyễn Đình Thi (cùng tên họ Nguyễn Thu Thủy) - đã may mắn có mặt tại buổi lễ, lần đầu chứng kiến câu chuyện cảm động về mối tình của nhà thơ Nguyễn Đình Thi và nữ ký giả Madeleine Riffaud, người Pháp, thông qua câu chuyện của dịch giả Dominique De Miscault.
Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) trân trọng giới thiệu bài viết này.
Một chuyện tình lãng mạn
Tuyển tập Búp sen và tia nắng (Lotus En bouton - Eclats De Soleil) gồm 50 bài thơ của Nguyễn Đình Thi, do nhà thơ Bằng Việt và Dominique De Miscautl tuyển chọn và dịch sang tiếng Pháp.
Nghệ sĩ Dominique De Miscault có một tình yêu đặc biệt với Việt Nam nói chung và nhà thơ Nguyễn Đình Thi nói riêng. Bà vừa là họa sĩ, nghệ sĩ nhiếp ảnh và dịch giả thơ. Bà cũng đã từng dịch thơ và xuất bản thơ của Hoàng Cầm, Trần Nhuận Minh, Trần Đăng Khoa, Bằng Việt… sang tiếng Pháp.
Bà là người bạn thân thiết với nhà báo, nhà chiến sĩ cách mạng Madeleine Rifaud - nàng thơ nổi tiếng của Nguyễn Đình Thi. Trong bài Nhớ (1954), Nguyễn Đình Thi viết: "Ngôi sao nhớ ai mà sao lấp lánh/ Soi sáng đường chiến sĩ giữa đèo mây/ Ngọn lửa nhớ ai mà hồng đêm lạnh/ Sưởi ấm lòng chiến sĩ dưới ngàn cây/ Anh yêu em như yêu đất nước/ Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần/ Anh nhớ em mỗi bước đường anh bước/ Mỗi tối anh nằm mỗi miếng anh ăn/ Ngôi sao trong đêm không bao giờ tắt/ Chúng ta yêu nhau chiến đấu suốt đời/ Ngọn lửa trong rừng bập bùng đỏ rực/ Chúng ta yêu nhau kiêu hãnh làm người".
Nguyễn Đình Thi và Madeleine Riffaud (từng là một nữ chiến sĩ kháng chiến chống phát xít) có một mối tình vô cùng đặc biệt. Họ gặp nhau trong Đại hội Thanh niên dân chủ thế giới tại Berlin, Đức (1951) khi cả 2 cùng vào tuổi 27. Sự đồng điệu, đồng cảm về lý tưởng cũng như phong cách sống đã nảy sinh mối tình đặc biệt của 2 người, tràn trề vẻ đẹp nhân bản. Đối với Madeleine Riffaud, Nguyễn Đình Thi chính là mối tình trọn đời, cũng là hình mẫu lý tưởng sống của bà. Tuy không đi tới được hôn nhân, họ vẫn thường xuyên trao đổi thư từ, giao lưu với nhau cho đến khi Nguyễn Đình Thi mất.
Năm 1968, Madeleine Riffaud đã dịch sang Pháp ngữ và giới thiệu tiểu thuyết Mặt trận trên cao của Nguyễn Đình Thi tại Paris. Những năm cuối đời, sức khỏe rất yếu, nhưng Madeleine Riffaud vẫn cố gắng thực hiện sở nguyện của Nguyễn Đình Thi từ những năm 1990, mà chưa kịp hoàn thành, đó là muốn dịch tập thơ sang tiếng Pháp và xuất bản ở Pháp.
Ý nguyện gửi gắm
Bà Madeleine Riffaud đau yếu đã ủy nhiệm cho bà Dominique De Miscault - người bạn lâu năm của mình - tìm cách dịch và in tập thơ. Nhà thơ Bằng Việt là người may mắn và có duyên được hợp tác với Dominique De Miscault để thực hiện ước nguyện này. Nhan đề lấy tên gộp từ 2 tập thơ tuyển của Nguyễn Đình Thi.
Nhà thơ Bằng Việt cho biết: "Tập thứ nhất là Un Jour, Un Lotus Bleu (Một ngày kia, một chồi sen biếc), đa phần là thơ tình, gồm 20 bài mà Madeleine Riffaud đã cẩn thận lưu giữ từ các bản chép tay của Nguyễn Đình Thi tặng bà từ những năm 1980. Tập thứ 2 chọn từ Tia nắng, NXB Văn học in năm 1988, bản này do chính Nguyễn Đình Thi chọn, biên tập và chỉnh sửa khi ông còn sống".
Dịch giả Dominique De Miscault tâm sự: "Ban đầu tôi quyết định chọn dịch 66 bài. Sau khi cân đối và suy tính lại, tôi quyết định chọn 50 bài. Sau khi thu gọn lại, tôi thấy tập thơ tập trung được đậm đặc hơn những ưu điểm đặc thù của thơ Nguyễn Đình Thi, chất suy tư và triết luận trong thơ ông sắc nét hơn, hình thức thể hiện trong thơ ông cũng nổi trội lên những nét độc đáo hơn".
Thật may mắn, khi tập thơ dịch ra mắt tại thủ đô Paris (Pháp) trong tháng 9/2024, bà Madeleine Riffaud đã kịp nhìn thấy. Bà qua đời vào sáng ngày 6/11/2024, sau một thời gian dài ốm nặng, thọ đúng 100 tuổi. Chắc hẳn bà hài lòng khi thực hiện được ý nguyện của Nguyễn Đình Thi đã gửi gắm từ năm 1991.
Nhà thơ Bằng Việt xúc động: "Nếu như tin rằng 2 người giờ đã được đoàn tụ ở thế giới bên kia, chúng ta càng không thể quên những câu thơ tiên tri mà Nguyễn Đình Thi viết từ năm 1983, trong bài thơ Anh tìm em: "Anh tìm em nơi lạ đất trời/ Chiều phương Bắc nắng nhòa thành phố/ Em đây ư, mắt nhìn bỡ ngỡ/ Gặp lại anh, qua cả một đời/ Hai chúng ta đã bao nhiêu xa/ Bao nhiêu năm lặng im hai ngả/ Đường đời - lửa thiêu và băng giá/ Hôm nay - bên nhau như trong mơ/ Em mang cho anh dáng mây năm xưa/ Nước mắt dòng sông Lô tuổi trẻ/ Mái nhà lá sơ sài thuở ấy/ Một đốm hoa đào giữa núi xanh/ Đốm sáng nhỏ giữa linh hồn anh...".
Thơ Nguyễn Đình Thi, nhất quán suốt đời, là sự hòa quyện giữa cảm xúc tươi trong và những tư tưởng nhân bản sâu sắc. Thơ ấy là thơ của một tâm hồn không bao giờ già, không bao giờ ngừng yêu!
Xin được kết bằng nhận xét của nhà văn Anh Chi: "Lão nghệ sĩ kiệt xuất và hào hoa Nguyễn Đình Thi tạ thế ngày 18/4/2003, để lại cho cuộc đời này một trí tuệ mẫn tiệp, sức sáng tạo to lớn và một tâm hồn không bao giờ già, nó ở trong âm nhạc, trong văn, trong kịch và trong thơ ông; đồng thời, cũng để lại trong sinh hoạt văn hóa Việt Nam một pho chuyện về một con người đã tạo nên nhiều sự khởi đầu trong đời sống văn nghệ Việt Nam thời đại mới, thời đại độc lập - tự do - hạnh phúc và hội nhập thế giới".