Núi Phú Sĩ 'kêu cứu' vì quá tải
Là một trong những địa điểm du lịch mang tính biểu tượng của Nhật Bản, mỗi năm, núi Phú Sĩ đón hàng triệu du khách tới tham quan. Theo đó, các dịch vụ vận tải, nhà hàng ăn uống và quầy hàng lưu niệm cũng mọc lên như nấm để phục vụ du khách cả ngày lẫn đêm và chính điều này đã làm mất đi cảnh quan yên bình vốn có nơi đây.
"Núi Phú sĩ đang thét gào" - đó là lời chia sẻ của Thống đốc tỉnh Yamanashi - nơi tọa lạc ngọn núi lửa nổi danh này.
Số lượng du khách tới tỉnh Yamanashi, điểm xuất phát chinh phục núi Phú Sĩ, đã tăng gấp đôi từ năm 2012-2019, lên 5,1 triệu du khách, tăng mạnh nhất sau khi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) năm 2013 đưa núi Phú Sĩ vào danh sách Di sản thế giới.
Điều này đã gia tăng áp lực lên các dịch vụ du lịch tại đây, khi nguồn cung cấp điện cho các dịch vụ là máy phát điện chạy dầu diesel và hàng nghìn lít nước sinh hoạt cần vận chuyển bằng các xe bồn, rác thải cũng cần xe tải chở đi.
Không chỉ vậy, số lượng người leo núi chinh phục ngọn núi lửa nổi tiếng thế giới – cả ngày lẫn đêm – cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, đòi hỏi người leo núi phải có thể lực, thích nghi được với sự thay đổi nhiệt độ và không khí loãng khi lên cao.
Tuần này, các bộ trưởng Nhật Bản đã họp để thảo luận các biện pháp giải quyết vấn đề quá tải tại các địa điểm có đông khách du lịch. Đối với núi Phú Sĩ, tháng trước, chính quyền địa phương lần đầu tiên quyết định áp dụng các biện pháp kiểm soát đám đông nếu đường đi quá đông người, tuy nhiên thực tế chưa triển khai áp dụng lần nào.
Số lượng du khách tới Phú Sĩ dự kiến sẽ giảm nhẹ trong năm nay so với năm 2019, nhưng năm 2024 có thể tăng trở lại.
Thống đốc Yamanashi, ông Kotaro Nagasaki, nhấn mạnh rằng Nhật Bản cần thực hiện các biện pháp để đảm bảo núi Phú Sĩ không bị mất danh hiệu Di sản thế giới. Ông đề xuất xây dựng một hệ thống đường sắt hạng nhẹ để thay thế con đường chính dẫn đến điểm xuất phát chính phục vụ những người đi bộ đường dài.