Những chuyện không có trên truyền hình: Thanh Hằng suýt mất “Bạc”
Nạn trọng tài
BTC môn cầu mây đã bố trí trọng tài Thái Lan tham gia điều khiển trận đấu có VN, trong khi Thái Lan và VN đang là hai đối thủ cạnh tranh gay gắt ở nội dung đội tuyển. Mặc dù chỉ là trọng tài phụ nhưng trọng tài Thái lại có nhiệm vụ kiểm soát các tình huống tấn công và ở một pha trả cầu, VĐV VN chưa hề chạm lưới nhưng ông này kiên quyết bắt lỗi và không đồng ý cho trọng tài chính tính điểm. Đội trưởng Lưu Thị Thanh đã phản ứng ngay tại sân nhưng không được giải quyết.
Ức chế trong tâm lý khiến cho bộ ba nữ cầu mây thắng Myanmar một cách khó khăn. HLV Hà Tùng Lập cho biết: “Ngay khi biết được là có trọng tài người Thái bắt phụ trận này chúng tôi đã phản đối bởi Việt Nam cũng có 2 trọng tài quốc tế tham gia ở môn cầu mây. Tuy nhiên, BTC đã không xem xét lại quyết định này vì không đủ thời gian để thay đổi. Ngay sau trận đấu trên, tôi đã yêu cầu từ trận sau, BTC không được bố trí trọng tài là người của nước có đội tham dự nội dung đội tuyển. Để đảm bảo sự công bằng phải sử dụng trọng tài trung gian”.
Ở môn bóng chuyền, Việt Nam dù là một đội không mạnh tham gia chủ yếu để cọ xát, tích lũy kinh nghiệm luôn phải đối mặt với những đội bóng sừng sỏ nhất châu Á vì rơi phải bảng đấu “tử thần”, song vẫn luôn phải đối mặt với sự ép trắng trợn của trọng tài. VĐV Phạm Minh Tuấn (Thể Công) cho biết: “Trận nào cũng vậy, các trọng tài đa số là “bênh vực” các quốc gia mạnh chứ không hề đứng về chúng tôi. Nếu tỷ số đang có lợi cho kẻ mạnh thì không sao. Nhưng nếu chúng tôi chơi xuất thần, có những quả chặn, phá và đập bóng ăn điểm thì coi chừng. Đang rất sung thì trọng tài tuýt còi, phạt lỗi đội hình. Xin hỏi lỗi đội hình là gì? Là lúc phụ công vào, libero ra, chúng tôi thực hiện hoàn toàn đúng luật. Nhưng trọng tài cứ cho là lỗi đội hình, thế là chúng tôi mất oan 1 điểm, đối thủ chả làm gì cũng được 1 điểm rồi lại được quyền phát bóng.”
HLV Phùng Công Hưng bức xúc không kém: “Theo luật, BHL chỉ được chỉ đạo trên ghế huấn luyện chứ không có quyền tham gia vào phản đối quyết định của trọng tài. Trên sân, đội trưởng Ngô Văn Kiều là quan trọng nhất. Kiều đã không ít lần phản đối và có trận phải tạm dừng trận đấu gần 5 phút. Nhưng cả tổ trọng tài nhất quyết không thay đổi quyết định. Quá ức chế, làm sao có thể tiếp tục thi đấu với trạng thái tâm lý bình thường được? Nhưng đây cũng là một trong những bài học mà chúng tôi muốn các học trò của mình phải đối mặt. Trọng tài thiên vị, vậy chúng ta phải làm tốt hơn cả tốt nhất.”
Nước giàu “mua" huy chương
Đến sân vận động Aoti để xem điền kinh mới thấy chuyên gia điền kinh Uwer Freimuth người Đức của Việt Nam nói chuẩn: “ĐH thể thao châu Á của chúng mày sắp chuyển thành ĐH TDTT châu Phi rồi, đặc biệt là ở môn điền kinh này. Ai đời một đường chạy 8 làn mà có tới 6 làn là người da màu, rất nhiều quốc gia “mua” các chân chạy thiên bẩm của châu Phi để có thành tích luôn cho nhanh.” Các quốc gia là mỏ dầu của thế giới rất hào hứng với chuyện “mua” huy chương này. Để bảo vệ quyền lợi cho chính mình, các nước châu Á khác phải liên tục “để mắt” tới chuyện nhập tịch cho VĐV ở các quốc gia dầu mỏ. Việt Nam không phải là ngoại lệ.
Thanh Hằng suýt nữa đã mất tấm HCB lịch sử ở nội dung 1.500m. Ảnh: QK
Rất may là các chuyên gia Uwer Freimuthu và Gunter Lange cũng với các lãnh đội Việt Nam, chuyên viên Vụ Quan hệ quốc tế đã tìm kiếm được thông tin và bằng chứng về sự “đánh lận con đen” của UAE. Theo đó, Alia Mohamed Saed là VĐV mới nhập tịch về UAE, chưa đủ thời gian để được thi đấu ở các giải quốc tế, phải đến 17/3/ 2013, theo luật điền kinh quốc tế, mới được thi đấu, bên cạnh đó, VĐV này còn đăng ký thi đấu muộn hơn so với thời hạn cho phép. Vậy mà chẳng hiểu bằng cách nào mà Alia Mohamed Saed lại lọt vào danh sách hạt giống của giải.
Nhận được thư phản đối của Việt Nam, ngay lập tức OCA đã triệu tập cuộc họp tiểu ban chuyên môn và quyết định gạch tên Alia Mohamed Saed ra khỏi danh sách thi đấu.
Nhưng nếu không phát hiện ra, không có thư phản đối, thì sao? Tấm huy chương lịch sử của Trương Thanh Hằng liệu có đến với chúng ta?
Cũng là… hội làng
Cứ chê bai sân chơi làng SEA Games toàn môn thể thao ngoài Olympic. Thế mà ĐH Thể thao châu Á cũng chẳng hơn gì. Nước mạnh nào cũng “ấn” được môn thể thao truyền thống của mình vào.
Các nước như Ấn Độ, Pakistan, Uzebekistan, họ có kabaddi, môn quốc hồn quốc túy của họ, tương tự như Judo kết hợp với chơi “cút bắt” của Việt Nam.
Indonesia cũng chẳng kém cạnh, họ có đua thuyền rồng, từ môn này, họ đã có 3 tấm huy chương vàng.
Wushu thì mấy kỳ rồi vẫn có, Trung Quốc rất mạnh, nên họ thêm vào rất nhiều hạng cân. Và có rất nhiều nội dung tán thủ chỉ có vài VĐV tham dự, tranh đủ 3 tấm huy chương. Vậy là Trung Quốc có gần chục tấm HCV từ môn này.
Chưa hết, cả thế giới chắc ngạc nhiên khi biết Asian Games có môn cờ tướng và cờ vây. 4 năm sau ở Incheon (Hàn Quốc) và hàng chục năm sau nữa, chắc gì môn này được đưa vào đại hội. Nhưng nào có hề chi, khi cờ vây và cờ tướng có cả trăm triệu người biết.
Asian Games 2018, nếu tổ chức ở Việt Nam, có lẽ ta sẽ có lặn vòi hơi chân vịt, đá cầu chinh, và vovinam.