Thư Quảng Châu: Xa con sông mang bao nỗi nhớ...
Và nếu có linh hồn, chắc Châu Giang thích điều đó. Cũng như con người thôi, thi thoảng cần được bình yên, quên hết sân si, nghe đơn giản nhưng thật là khó. Dù chìm trong bóng đêm, thiếu sự quấy động của con người, nhưng Châu Giang vẫn có vẻ đẹp riêng của nó, không kém phần quyến rũ.
Asian Games 16 trên đảo Hải Tâm Sa của sông Châu Giang, Ảnh Quốc Khánh
Tôi nghĩ dòng Châu Giang thực sự là một trong những điểm nhấn chủ đạo, làm lữ khách quyến luyến khi rời Quảng Châu. Không phải ngẫu nhiên khi người Trung Quốc tổ chức lễ khai mạc và bế mạc Asian Games 16 trên đảo Hải Tâm Sa của sông Châu Giang. Sông cũng như người, nói như nhạc sĩ Hoàng Hiệp “Con sông tôi tắm mát/ Con sông tôi đã hát/ Con sông cho tôi đậm một tình yêu nước non quê nhà. Sông cũng như người ấy...”. Cứ để ý, điện ảnh, âm nhạc hay thơ ca mà cứ kéo dòng sông vào cũng gây hiệu ứng mạnh. Tình Châu Giang, bộ phim ấy thực sự là cầu nối để khán giả ta biết đến thành phố Quảng Châu cũng như “học theo” cách làm phim về đề tài đổi mới.
Nhiều đồng nghiệp chúng tôi cũng tỏ ra quyến luyến dòng sông này. Cũng phải thôi bởi khách sạn Dong Cheng nằm trên đường Duyên Giang Đông, nơi đại bản doanh của các nhà báo VN, ngay sát bờ sông. Làm việc mệt nhọc, mở toang cánh cửa, Châu Giang kia rồi. Nửa đêm đói bụng, phi taxi ra bờ sông làm tô cháo ngồi hàn huyên cùng chiến hữu rồi nghe tiếng sóng lao xao thú vị vô cùng.
Nhân nói chuyện đồng nghiệp chúng tôi, mới thấy tự hào bởi số lượng kéo sang đến gần 60 người. Anh em thường nói đùa “chúng ta tác nghiệp chuyên nghiệp, chất lượng chuyên môn và bản lĩnh nghề nghiệp chẳng ngán thằng Tây nào”. Đấy cũng là một sự hòa nhập nhanh, khẳng định vị thế của báo chí ta trong quá trình tiến “ra biển”.
Chỉ tiếc thể thao ta lần này đã không hoàn thành chỉ tiêu. Đấy cũng là nỗi đau, của những người như chúng tôi sang đây đầy khí thế, hy vọng tràn trề nhưng chỉ được hát quốc ca đúng một lần.