Thể thao Việt Nam tại Asian Games 16: Làm lại từ “đầu”
Từ chuyện “gieo” và “gặt”
Khó có thể dùng chữ “tài năng” cho Vũ Thị Hương, Trương Thanh Hằng và Hoàng Anh Tuấn, mà có lẽ đúng hơn, đó là thứ “đột biến” trong mặt bằng thể thao Việt vốn chỉ biết tiến dần bằng thành tích qua từng năm thi đấu. Tiệm cận đến mặt bằng châu lục và thế giới, rõ ràng Hương và Tuấn đều là những thứ “của quý” khi bước chân ra đấu trường quốc tế. Tiếc là, từ sự nhìn nhận, đến cách đầu tư với họ là chẳng hề giống nhau.
Hãy bắt đầu với Hương, kỳ tích mới nhất của TTVN. Tài năng của cô, có lẽ chẳng cần phải tốn nhiều giấy mực để mà phân tích, bàn bạc. Bước lên ngôi đầu Đông Nam Á trên đường chạy ngắn của nữ, tới năm 2009, Hương có riêng cho mình chức vô địch châu Á đầu tiên ở cự ly 60m ở AIG, bên cạnh đó là những thứ hạng đầu ở các giải quốc tế. Tấm HCĐ trên đất Quảng Châu viết lên chương mới cho lịch sử điền kinh nước nhà, nhưng rõ ràng kỳ tích ấy chẳng hề là bất ngờ, bởi cái lẽ đơn giản, thành tích 11 giây 34 mà cô gái xứ chè Thái Nguyên này từng có được tại SEA Games 25 năm 2009 đã đủ để đứng trong tốp đầu châu Á. Cũng như thế, với Hằng, đằng sau cú sốc với lời chia tay TP.HCM để về làm dâu đất Ninh Bình, cô vẫn cứ lầm lũi khẳng định mình từ đường chạy Đông Nam Á đến châu Á.
TTVN cũng không tự tin vào khả năng giành huy chương của Thanh Hằng (942). Ảnh: QK
Than ôi! Chưa bao giờ những nhà quản lý thể thao Việt lại có đủ sự tự tin vào cái kỳ tích ấy, thay vì việc mải mê đuổi theo các “dự báo Vàng”. Kể từ sau SEA Games 25 trên đất Vientiane (Lào), Hương bị chấn thương, không ai nhắc đến chuyện điều trị cho cô dứt điểm, không ai nói đến việc đưa cô đi tập huấn, thi đấu nước ngoài để nâng tầm cọ xát (ngoại trừ giải Malaysia mở rộng ngay trước Asian Games 16) và cũng chẳng ai quan tâm nhiều đến việc đầu tư sau khi đã trao cô vào tay ông thầy nội có nhiều tâm huyết. Với Thanh Hằng cũng chỉ là dừng ở chuyến tập huấn quen thuộc tại Vân Nam (Trung Quốc), thay vì các kế hoạch hoành tráng từ những chuyên gia người Đức. Vậy mà kỳ tích lại vẫn cứ đến...
Còn Hoàng Anh Tuấn thì sao? Trái lại, tấm HCB Olympic 2008 giống như “cái phao” để khối kẻ cứ ôm vào đó... mà nổi! Tập huấn nước ngoài dài hạn, chuyên gia xịn và được thi đấu khởi động bằng những giải đấu còn vượt tầm châu lục. Ngay cả khi toàn là thất bại (kể từ SEA Games 2009 đến nay), thì từ giới chuyên môn đến chính cả những nhà báo thể thao trong nước vẫn “mạnh miệng tuyên bố” rằng, chỉ có Tuấn mới là “tài năng thực sự” để hướng tới tấm HCV mong đợi. Chung cuộc, cái “nghi án” doping không chỉ khiến nhà á quân Olympic sớm bị loại mà TTVN còn phí hoài cả cơ hội cọ xát lớn khi phải để một tài năng khác - lực sĩ trẻ Thạch Kim Tuấn, người vừa giành HCV Olympic trẻ thế giới, ở nhà ngồi chơi xơi nước.
Từ tuyên bố “làm lại”
Chuyện của Hương, Hằng đến chuyện của Tuấn - xét cho cùng cũng là câu chuyện của TTVN thời hội nhập.
Hãy quên cái “chỉ tiêu Vàng” kia đi, bởi lẽ cho đến khi không đạt được chỉ tiêu thì tất cả mới đều “giật mình” để nhận ra rằng, nó không hề là thứ gắn bó với thể thao Việt. Ngồi “đếm cua trong lỗ” và dựng lên cái chỉ tiêu thấp hơn nhiều các dự báo để “ngóng” về lễ mừng công cùng cơn mưa thưởng, rồi chỉ khi cái “ảo ảnh” ấy thực sự sụp đổ thì người ta mới cay đắng nhận ra rằng - đó là thất bại nặng nề và rồi tự an ủi nhau - Thất bại là mẹ thành công, bất chấp cái thất bại ấy thật đáng để xấu hổ.
Và cũng trên đất Quảng Châu, ông Vương Bích Thắng đã sớm đề cập đến cái gọi là “làm lại” với TTVN. Làm lại từ chiến lược phát triển đến cung cách đầu tư, xây dựng lực lượng nhằm tạo ra sức mạnh thực chất hơn, thay vì chìm trong “cơn mê” của những tấm HCV. Vâng! Với Asian Games 16, làm lại đã là điều bắt buộc, nhưng làm lại thế nào thì chưa có ai hay. Làm lại từ đầu ở đây có nghĩa là bắt đầu từ suy nghĩ, quan điểm, chiến lược. Sau cả một thời gian dài cứ mải mê chỉ chạy theo thành tích, theo những tấm huy chương bằng cách làm kiểu “đi tắt, đón đầu”, còn bây giờ để trở lại với các giá trị cơ bản nhất, các môn thể thao mang tính nền tảng nhất, chả lẽ TTVN lại... xóa bàn cờ làm lại!?