Thể thao Việt Nam: Bước lùi 20 năm
Cũng phải, khi mà cuộc sống ngày càng khó khăn bởi giá cả leo thang, những cơn sốt đất, sốt vàng, sốt cả ngoại tệ có thể đào sâu hố ngăn cách giàu nghèo, thì các đại biểu quốc hội sốt sắng chất vấn, cũng chỉ là thực hiện vai trò cơ bản của người đại biểu nhân dân.
Nhưng cánh phóng viên nội chính, những người chuyên theo dõi hoạt động thời sự nghị trường có nhắn tin cho tôi, bảo “các ông nghị, bà nghị ở bên hành lang hội trường cũng hỏi thăm đoàn TTVN ở Quảng Châu có vàng hay chưa”. “Họ bàn tán xôn xao lắm”. Hôm ấy là ngày 24/11, ngày hy vọng cuối cùng có vàng của TTVN.
Cũng đúng, vật chất khó tách rời tinh thần. Tinh thần có thể được chăm sóc bởi hoạt động giải trí ca nhạc, lễ hội, điện ảnh, truyền hình. Nhưng nếu tinh thần mà khơi dậy được lòng tự hào dân tộc, tạo nên được vinh quang cho Tổ quốc, e rằng chỉ có thể thao, đặc biệt là khi chúng ta là một quốc gia yêu chuộng thể thao và ham tập thể dục.
Giờ mà có lịch chất vấn Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao & Du lịch, chắc nghị trường cũng nóng. Nhưng may là Bộ trưởng Hoàng Anh Tuấn đã báo cáo và trả lời chất vấn cách nay gần 1 tuần, nghĩa là khi Thể thao Việt Nam còn chưa xác nhận là sẽ chẳng có tấm HCV nào ở Asian Games 16.
Nhưng chợt nhớ, trong nhóm các vấn đề mà Bộ trưởng báo cáo, chỉ là xâm phạm các di tích lịch sử văn hóa; bùng nổ lễ hội gây tốn kém, và phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa. Chứ không có thể thao.
Nếu thể thao chưa sáp nhập với văn hóa và du lịch, có lẽ sẽ có một báo cáo hẳn hoi và có một chương trình chất vấn hẳn hoi về các vấn đề của thể thao trong những năm qua xem ra cũng nóng. Này là bóng đá có dấu hiệu loạn, này là một số đại hội thể thao VN đăng cai không cần thiết, và bây giờ là TTVN không có HCV, giống như 20 năm trước khi chúng ta tham dự Asian Games tổ chức ở Bắc Kinh.
Chưa biết có phải nó là hậu quả của việc thiếu đầu tư, thể thao bị quên lãng hay không, mà chỉ biết, thụt lùi tới 20 năm là một nỗi đau quá lớn!