Nhìn từ EURO 2012: Phía Đông còn nhiều cái lạ!
(TT&VH) - EURO 2012 là một dịp tuyệt vời để những người thuộc các nước phương Tây tìm hiểu và khám phá về Ba Lan và Ukraina, những quốc gia vốn thuộc về phương Đông, từng là cả một thế giới kỳ bí trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Hơn 20 năm trước, khối Đông Âu sụp đổ đã mở ra cơ hội giao lưu Đông - Tây rộng rãi và cởi mở hơn, khi các biên giới dần được xóa nhòa, các rào cản dần được dỡ bỏ.
Một EURO sặc mùi chính trị
Châu Âu ngày càng phát triển, đang hình thành nên một ngôi nhà lớn mà ở đó không còn nhiều biên giới ngăn cách giữa các nước: Đi lại tự do, tiêu một đồng tiền chung, hệ thống pháp luật - chính sách tương đối nhất quán...
Sau khi rời khỏi khối Đông Âu, Ba Lan đã ngả về phương Tây với những sự kiện mang tính lịch sử như gia nhập NATO năm 1999 hay gia nhập Liên minh châu Âu năm 2004.
Cũng trong thời gian đó, Ukraina dù trên danh nghĩa đã tự đứng trên đôi chân của mình nhưng vẫn ít nhiều chịu sự ảnh hưởng lớn từ Nga, người anh cả trong khối Đông Âu trước đây. Trong những năm qua, dường như nhiều người Ukraina, đặc biệt là giới trẻ, đang khát khao được theo chân Ba Lan ngả về phương Tây.
Có lẽ cần phải nhắc lại một lần nữa, rằng không ngẫu nhiên khi Ba Lan và Ukraina được chọn làm nơi tổ chức EURO 2012, khi danh sách các ứng viên đua tranh giành quyền đăng cai còn có Italia và liên danh Croatia - Hungary. Bằng con đường bóng đá, phương Tây sẽ dễ dàng tiến sát và thâm nhập sâu hơn vào phương Đông. Ít ra, sự thay đổi đáng kể cũng xảy ra ở Ukraina, nơi được xem là biên giới giữa Đông và Tây.
Trước thời điểm EURO 2012 khởi tranh, những chính trị gia hàng đầu và cả những cầu thủ nổi tiếng ở phương Tây liên tục gây sức ép, lên tiếng đòi tẩy chay giải đấu với cái cớ là sức khỏe của bà Yulia Tymoshenko, cựu thủ tướng Ukraine hiện đang bị giam cầm và chờ ngày ra tòa chịu án. Trong trường hợp này, bóng đá đã biến thành một công cụ chính trị để các quốc gia phương Tây can thiệp vào Ukraina.
Phía Đông có nhiều cái lạ
Bất chấp việc phải đối mặt với muôn vàn khó khăn và luôn bị nhìn với ánh mắt nghi ngờ, cuối cùng thì Ba Lan cũng đã tổ chức thành công EURO 2012 trên phần đất của mình. Khi trận bán kết thứ hai giữa Đức và Italia khép lại ở Warsaw, các cổ động viên lục tục kéo nhau ra về trong an toàn, những nhà tổ chức Ba Lan đã thở phào nhẹ nhõm.
Dù mọi sự so sánh đều là khập khiễng nhưng nhìn chung, dư luận đánh giá cao hơn khâu tổ chức của Ba Lan so với Ukraina. Vụ gây rối giữa cổ động viên Nga và cổ động viên chủ nhà ở vòng bảng là sự cố đáng tiếc nhất xảy ra trên phần đất Ba Lan. Dù vẫn chậm hơn nhiều quốc gia phát triển khác nhưng dù sao đi nữa, Ba Lan cũng đã hòa nhập phần nào với châu Âu, đi theo những tiêu chuẩn cao của khu vực này.
Trong khi đó, Ukraina vẫn đang chịu sự giành giật ảnh hưởng giữa Đông và Tây, khiến mọi thứ vẫn chưa thật rõ ràng. Những thay đổi ở đất nước này là chưa đủ để mang đến một sự phát triển vượt bậc như nhiều người mong đợi. Xã hội Ukraina vẫn đầy lộn xộn, lắm tiêu cực và rất nhiều thứ bị phương Tây xem là “chậm tiến”. Không ai là không ngán ngẩm khi nhìn cách sắp xếp, bố trí chỗ ngồi của nhân viên đường sắt Ukraina cho các cổ động viên rời Kiev sau trận chung kết.
Những người Ba Lan có lý khi kể lại rằng họ đã mua vé các trận đấu tại Ukraina nhưng không dám mạo hiểm băng qua bên kia biên giới để xem bóng đá. Những ai, từ các quốc gia phát triển thực sự, đã đến Ukraina trong dịp EURO 2012 sẽ khó mà có ấn tượng tốt về đất nước này, dù nó rất đẹp.
Khác với “Phía Tây không có gì lạ” (tựa gốc tiếng Đức: Im Westen nichts Neues) của binh sĩ Erich Maria Remarque, viết về mặt trận phía Tây thời kỳ chiến tranh thế giới lần thứ nhất và được đánh giá là tác phẩm văn học phản chiến xuất sắc nhất mọi thời đại, cho đến giờ này phía Đông xem ra vẫn còn nhiều điều khá lạ lẫm. Cũng chẳng phải là điều gì đó kỳ bí như thời kỳ Chiến tranh Lạnh, mà đơn giản vì Ukraina vẫn chưa thể bứt ra và lột xác thành một quốc gia phát triển.