Góc Anh Ngọc: Đăng quang trong điệu pasodoble
1. Họ ở rất xa hơn một vạn cổ động viên Tây Ban Nha ngồi đỏ cả một góc khán đài sân Olimpic, nhưng dường như hồn của họ ở đó, cùng với những người đồng hương cứ dăm phút lại hát lên những tiếng "Ole Ole Ole" vang dội và hào hùng, trong tiếng trống trận của tay cổ động viên có lẽ là nổi tiếng nhất thế giới có tên gọi Manolo, mà nhiều người nhắc đến tên ông là nghĩ đến La Roja (biệt danh của Tây Ban Nha).
|
Tôi ngồi lọt thỏm giữa một rừng sắc đỏ và không thể nào tập trung xem được khi họ cứ hát váng tai, nhảy múa và vui nhộn đến như thế. Họ hạnh phúc, thật sự hạnh phúc, và cảm giác vui sướng của tôi khi có mặt trong một trận chung kết EURO trên khán đài cũng lan tỏa cùng với họ theo cách ấy, dù lúc đầu, tôi hơi tiếc là đã ngồi quá xa nơi mấy nghìn cổ động viên Italia đang hát theo nhịp của bài "Po Po Po" bất hủ đã đi theo họ từ chiến thắng ở đêm Berlin 6 năm về trước. Những tiếng hát ấy vẫn hào hùng và hoành tráng như năm ấy, nhưng không thể nào át được tiếng hát của những người Tây Ban Nha vốn đã hơn họ ở âm lượng, còn thắng tiếp cả về số lượng người hâm mộ có mặt trên khán đài và hơn đứt về khả năng tổ chức.
Maria bảo: "Chúng tôi đã thắng từ khi những tiếng trống Manolo vang lên trên khán đài đỏ rực những Tây Ban Nha". Đấy là phút thứ 13 của trận đấu, và một phút sau lưới của Italia tung lên từ cú đánh đầu của Silva. Phần còn lại của trận đấu, chúng ta đã biết.2. Người phụ nữ đến từ Bilbao ấy là một trong số những nhân vật to mồm nhất trên góc khán đài mà tôi đã ngồi. Những người bạn của cô đến từ những nơi khác trên đất nước, từ Madrid, Barcelona, Mallorca hay Tenerife, nhưng số ghế đã vô tình đưa họ lại cạnh nhau để tạo ra cả một dàn đồng ca như chợ vỡ.
Sự tự tin về chiến thắng đã ăn sâu trong tất cả, như một điều đương nhiên đối với họ khi nói về Tây Ban Nha trước trận đấu. Điều đó được củng cố mạnh mẽ hơn nữa khi hiệp một kết thúc. Họ đã ôm nhau ăn mừng ngay cả khi trận đấu kết thúc, bắt đầu hát lên những khúc ca quen thuộc để cổ vũ, gợi nhớ những tiếng hát say mê và đầy cảm xúc tôi đã từng nghe ở EURO 2008, giải đấu mở đầu cho một chu kì thắng lợi rực rỡ chưa từng có của đội tuyển này trên đấu trường quốc tế, và ở World Cup 2010 trên đất Nam Phi, khi màu đỏ như máu của sắc áo Tây Ban Nha trở thành một thứ mốt mới thống trị thể thao thế giới.
Lịch sử của chính đất nước ấy đã được viết bằng màu đỏ trong 3 giải đấu liên tiếp kể từ năm 2008 và những chiến thắng của đội tuyển quốc gia trong những giải đấu lớn cùng với tài năng của Rafael Nadal và Fernando Alonso có lẽ là cách duy nhất để giữ thăng bằng về mặt tâm lí khi người dân của họ đang ngày càng nghèo đi và thất nghiệp tăng đến mức không phanh nổi.
Vào giờ nghỉ giữa hai hiệp, Maria bảo, "Tôi không thể hình dung nổi điều gì sẽ xảy ra nếu Tây Ban Nha thất bại trong trận chung kết. Người dân sẽ không chịu đựng nổi một cú sốc lớn nữa về mặt tinh thần khi họ đang mất đi nhiều thứ khác".
Thế nên, chẳng có gì ngạc nhiên khi một trong những câu hát hay nhất của các cổ động viên Tây Ban Nha khi trận đấu kết thúc, pháo hoa được bắn lên trời và ở dưới sân, các cầu thủ Tây Ban Nha chạy quanh đường piste với chiếc Cúp bạc trên tay lại là "Chúng ta có thể thất nghiệp, nhưng vẫn là mạnh nhất thế giới".
Cuộc vui của những người trở nên hạnh phúc hơn dù đang nghèo đi ấy đã kéo dài suốt đêm ở Kiev, ngoài sân Olimpic, trên những đường phố lúc ấy đã vắng tanh vắng ngắt những người không nói tiếng Tây Ban Nha, trong những quán bar thuộc loại xa xỉ nhất ở Kiev. Những cuộc ăn mừng như thể là thói quen đã ăn sâu vào máu những người Tây Ban Nha mấy năm qua, khi đội tuyển cứ đá một giải quốc tế lớn nào đó là lại thắng, trở thành một truyền thống thể thao đậm chất xứ sở Iberia đầy nắng và gió ấy.
Ăn mừng lần thứ ba trong vòng 4 năm, có quá nhiều không, có quá nhàm không và thậm chí có làm người ta mệt mỏi vì làm mãi một việc, kể cả là chiến thắng? Ông bạn ngồi cạnh Maria, sau khi quàng lên vai tôi một chiếc khăn Tây Ban Nha để chụp ảnh, đã cười phá lên khi nghe câu hỏi đó: "Câu đó có thể hợp lí nếu anh cả đời chỉ biết hôn mỗi vợ anh và không biết môi của người khác. Chúng tôi yêu đội tuyển theo cách mà mỗi lần hôn vợ lại nghĩ đến người khác. Mỗi một chiến thắng đều rất khác nhau dù đôi khi cùng một cách. Chúng tôi chưa chán đâu".
3. Cervantes sống lại cũng chưa chắc đã viết về đội Tây Ban Nha hài hước đến thế, dù câu chuyện tình yêu của chàng Don Quijote cũng có thể được nhìn theo một hướng rất thể thao: Chàng yêu mãi cô thôn nữ Dulcinea vì cứ ngỡ là nàng đẹp trong khi không hề biết là nàng béo, xấu và hôi nách đến thế nào. Tây Ban Nha đã từng tạo ra những cảm giác rằng năm nay họ chơi buồn ngủ nhất, và lúc nào họ cũng chỉ chiến thắng theo cùng một cách mà những người Barcelona đã đem đến cho đội tuyển quốc gia.
Nhưng chỉ có những kẻ đứng ngoài và không mong muốn Tây Ban Nha chiến thắng mới cảm thấy nhàm chán, và bóng đá thế giới đã thụt lùi không tiến bộ chỉ vì La Roja cứ thắng, thắng nữa, thắng mãi, khi cần phải thắng trong giải đấu có danh hiệu, để rồi từ đó lập ra những thành tích độc nhất vô nhị về sự thống trị của họ trong một thế giới bóng đá đảo điên và nhiều bất trắc đến mức không thể nào tưởng tượng nổi.
Và như thế, người Tây Ban Nha hạnh phúc với cái cách mà họ đã sống và ăn mừng chiến thắng, theo cách của riêng mình, không thèm quan tâm đến bất cứ ai nói gì.
Khi tiếng còi kết thúc trận chung kết vang lên, trên loa của sân Olimpic rộn ràng bản nhạc pasodoble mà người ta hay chơi khi những matador (dũng sĩ đấu bò) chuẩn bị tung ra cú đâm lao quyết định để giết chết con bò tót. Những người Tây Ban Nha trên sân đầy hạnh phúc đã reo lên và ôm nhau lần nữa khi được nghe những giai điệu quen thuộc gắn liền với truyền thống của họ.