Góc Hồng Ngọc: Một EURO đảo lộn truyền thống!
(TT&VH Cuối tuần) - EURO 2012 gây ngạc nhiên khi Đức, Ý chơi tấn công, Bồ Đào Nha chủ trương chụp giật, còn Tây Ban Nha thì ru ngủ cả đối phương lẫn người xem trước trận chung kết.
* Cà phê bóng đá: EURO này để lại ấn tượng nào lớn nhất cho bạn vậy, Hồng Ngọc?
- Hồng Ngọc: Tôi cảm nhận như đây là thời điểm của những giá trị bị đảo lộn hết cả (cười).
* Câu này nghe quen quen. Hình như điệp khúc của Đức Khuê trong “Bệnh nói nhiều”. Bạn hãy “nói nhiều” hơn đi nào!
- Trong quan niệm bấy nay của nhạc sỹ, đội tuyển bóng đá của các nước Đức, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha có đặc điểm truyền thống như thế nào vậy?
* Đức thì nổi tiếng về lối chơi thực dụng, thần kinh thép, và hiệu quả cao. Ý rất thành công với lối chơi phòng ngự phản công giàu tính chiến thuật đến mức... quái. Tây Ban Nha là vua vòng loại, họ chơi giàu kỹ thuật và thiên về tấn công nhưng thiếu cá tính và bản lĩnh ở các giải đấu lớn. Còn Bồ Đào Nha là Brazil của châu Âu, nhưng chơi quá rườm rà mà kém tốc độ và hiệu quả…
- Đấy nhé! Tôi thì thấy tại giải này, cả bốn đội tuyển lọt vào bán kết nói trên đều hầu như xa rời truyền thống của chính họ. Đức thì tấn công ào ạt và tốc độ suốt cả giải, trong khi phòng ngự thì quá ngây thơ nên dù đầy ấn tượng về lối chơi thì lại bị người Ý dội cho cả xô nước lạnh. Ý bỗng dưng thích tấn công, thậm chí đôi công cả với những đội tấn công xuất sắc nhất là Đức và Tây Ban Nha, trên con đường vào chung kết theo cách thuyết phục nhất không ai có thể chỉ trích. Tây Ban Nha thì chẳng ngây thơ và quyến rũ tý nào cho đến trước trận chung kết, khi lối chơi tiki-taka vốn mê hoặc thì giải này họ làm cho… mê ngủ, để rồi họ lạnh lùng kết liễu đối thủ từ tuyến hai hoặc từ chấm 11m. Bồ Đào Nha không còn rườm rà mà đá nhanh như “ăn cướp” dựa vào tốc độ của Ronaldo.
* Đúng là họ khác nhiều so với truyền thống thật. Hồng Ngọc lý giải điều đó như thế nào?
- Tôi nghĩ người Đức thay đổi trong chính khuôn khổ giá trị thực dụng và chuẩn mực truyền thống của họ. Thay vì chú trọng vào chiến thắng trong thể thao khi bóng đá còn nặng ý nghĩa thể thao, họ chuyển hướng sang giành chiến thắng kinh tế khi bóng đá trở thành ngành công nghiệp trình diễn trị giá hàng tỷ USD. Nhưng trong khi họ học cách chơi tấn công một cách xuất sắc, họ còn khá ngờ ngệch trong việc tổ chức phòng ngự khi đang tấn công. Hoặc là vấn đề thời vận, khi Đức thiếu trầm trọng những hậu vệ giỏi như truyền thống của họ.
* Vì đây đang là thời vận của Tây Ban Nha. Họ đá kiểu gì cũng thắng!
- Đúng là Tây Ban Nha đang có một thế hệ vĩ đại, trình diễn một lối chơi kiệt xuất, nhưng không phải lúc nào cũng như vậy. Nhưng tôi chia sẻ với nhạc sĩ rằng đây đang là thời vận của họ. Vĩ đại như đội tuyển Hungary những năm 50 vẫn thua một trận đấu cụ thể như thường, bóng đá là thế. Hai lần vô địch EURO gần đây, Tây Ban Nha đều cần đến chiến thắng ở loạt sút luân lưu. Chúng ta nhớ lại trận đấu với Bồ Đào Nha, trong khi trung vệ Bruno Alves của Bồ sút dội xà ngang xuống đất nhưng ra ngoài, thì Fabregas sút dội cột dọc này đi sang… gần cột dọc khác vào lưới. Không cầu thủ nào nói mình có thể làm chủ điều đó được!
* Trở lại với việc Tây Ban Nha đá kiểu “ru ngủ” cả đối phương lẫn người xem ở giải này, điều gì làm họ xa rời truyền thống như vậy?
- Tôi tin vào tinh thần thể thao của người Tây Ban Nha, không có chuyện họ chủ ý phá hoại trận đấu. Tôi nghĩ đó là vấn đề thể lực và động lực. Đội hình xuất phát của TBN có 9 hoặc 10 cầu thủ của Real và Barca, những đội đều lọt vào tới bán kết Champions League và tranh đấu quyết liệt ở Liga, giải đấu kết thúc muộn nhất. Họ không còn đủ sung sức để chơi tấn công mạnh mẽ suốt trận đấu. Trận đấu với Ý ở vòng bảng và với Bồ Đào Nha ở bán kết, họ rất yếu trong tranh chấp tay đôi nên không dễ dàng giành lại bóng để giữ ưu thế kiểm soát bóng vượt trội. Họ cũng giành quá nhiều vinh quang nên khó tránh khỏi việc thiếu động lực, cho đến trận chung kết khi họ cận kề với những kỷ lục vĩ đại trong lịch sử. Trận chung kết lại là một Tây Ban Nha hoàn hảo nhất, đội tuyển hoàn hảo nhất mà tôi từng biết.
* Chúng ta nói về đội tuyển Ý đi. Họ làm tôi mê mẩn ở giải này với lối chơi hào hoa mà đầy tính toán. Như là nghệ thuật đỉnh cao vậy!
- Xã hội Ý vừa là nơi thăng hoa của nghệ thuật, vừa chất chứa các tệ nạn so với châu Âu. Đa số các cầu thủ Ý đều tiềm ẩn cả hai mặt đó. Vấn đề là người dẫn dắt họ sẽ khuyến khích mặt nào. Nhìn hình ảnh đội tuyển Ý ở giải này, tôi tin HLV Prandelli đã khuyến khích phần tích cực của họ. Trừ trận ra quân họ sử dụng ít nhiều tiểu xảo theo thói quen, phần còn lại của giải đấu, đội Ý làm tôi ngưỡng mộ về sự hào hoa, tinh tế, thông minh về chiến thuật và khả năng thích nghi đa dạng. Trên hết là thái độ đóng góp vào trận đấu, thay vì hủy hoại nó. Ngay cả trận chung kết, họ đã làm rất tốt cho đến khi thủng lưới bàn thứ hai, nhưng hai ca chấn thương trước và sau đó đã kết liễu họ khi mất hậu vệ giỏi nhất và chơi kém người.
* “Triết gia” Hồng Ngọc có liên tưởng nào về việc các “giá trị bị đảo lộn” ở EURO vừa qua không?
- Đây đang là thời điểm khủng hoảng toàn cầu mà ! Thế giới đang mất phương hướng phát triển. Một quốc gia có hàng trăm triệu người nghèo và văn hóa còn ở trạng thái bán hoang dã mà đóng vai trò siêu cường thứ hai, thì những giá trị truyền thống của bóng đá bị đảo lộn cũng là lẽ thường thôi (cười).
Cà phê bóng đá