EURO & những ám ảnh của bóng đá Việt Nam
(TT&VH Cuối tuần) - EURO 2012 đã kết thúc ở trời Tây, nhưng với sân cỏ Việt Nam, nó vẫn chưa chấm dứt. Tuần này, Cà phê bóng đá trở lại với khách mời là nhạc sĩ Dương Thụ.
* Thể hình cầu thủ là nỗi ám ảnh thường trực với bóng đá Việt Nam. Cầu thủ chúng ta quá nhỏ con ngay cả khi so sánh với cầu thủ các nước trong khu vực, như Singapore, Indonesia, Malaysia chứ chưa nói gì đến các nước ngoài khu vực. Thiệt thòi về thể hình làm nhiều người không tin tưởng vào tương lai của bóng đá Việt Nam “bé con con thế thì đá đấm gì”. Riêng ông, ông nghĩ thế nào?
- Đúng là trong bóng đá, thể hình vô cùng quan trọng, đặc biệt đối với hàng thủ. Đội tuyển Việt Nam khi đối đầu với những đội bóng ngoại quốc cao to, có lối đá đơn giản, không hoa mỹ phần lớn bàn thua không phải do bị ép sân mà do hàng thủ “lùn” quá để những quả câu bổng từ xa hoặc từ hai cánh “rót đầu” trước cầu môn chỉ có thể chạm vào đầu cầu thủ đối phương bay vào lưới chứ nó không thể “tìm” thấy đầu của bất cứ anh hậu vệ hoặc trung vệ nào. Trận giao hữu gần đây với đội tuyển Trung Quốc là một thí dụ. Tôi đã từng ra sân xem những trận như thế thấy thua mà cứ tức anh ách và dẫn đến một ý nghĩ có tính chất mặc định, với bóng đá nếu thể hình bé con như thế thì đá cho vui chứ chúng ta không có cửa. Nhưng khi xem Barcelona và nhất là gần đây xem Tây Ban Nha đá trong Euro mới ngộ ra một điều, vẫn hoàn toàn có cửa cho những đội bóng có thể hình khiêm tốn nếu họ tìm ra được lối chơi đúng. Lối chơi chứ không phải chiến thuật đâu nhé. Tây Ban Nha vô địch EURO đã đả bại tất cả các đội bóng có chiều cao hơn mình. Nếu mang Tây Ban Nha so với các đội bóng mà họ đánh bại về mặt thể hình thì giống như đem ta so với Trung Quốc vậy. Chính EURO đã giải thoát tôi khỏi nỗi ám ảnh thường trực về thể hình này.
* Ông muốn nói đến lối chơi Tiqui-taka của Tây Ban Nha? Hay chiến thuật 4-6-0 của “Ngài râu kẽm” De Bosque?
- Có lẽ không hoàn toàn như vậy. Lối chơi của Tây Ban Nha không chỉ là chuyền ban ngắn, di chuyển nhiều, đập nhả để cố gắng đưa bóng vào sát cầu môn khiến hàng thủ đối phương rối loạn để tạo ra những cơ hội ghi bàn không thể chống đỡ. Đấy chỉ là một phần trong lối chơi của họ và chỉ áp dụng trong những trận đấu mà họ là cửa trên.
Lối chơi của Tây Ban Nha vẫn dựa trên triết lý của bóng đá hiện đại: Kiểm soát được bóng sẽ làm chủ thế trận. Tất nhiên phải kiểm soát bóng từ phần giữa sân trở lên. Nhưng khái niệm kiểm soát trong lối chơi của Tây Ban Nha có đặc thù riêng: kiểm soát là tìm mọi cách để giữ bóng trong chân, cù cưa, chuyền đi chuyền lại, chuyền ngang, chuyền lên rồi lại chuyền về không cho đối phương có cơ hội để tổ chức tấn công khiến đối phương mất cảm hứng và... mất luôn cả cảnh giác. Đá như thế, chán ngắt, nhưng ở Euro tất cả phải chào thua. Tuy nhiên Tây Ban Nha vẫn cho ra một siêu phẩm làm say mê lòng người đó là trận chung kết và chỉ một trận đó mà thôi.
* Vậy lối chơi Tây Ban Nha và chiến thuật 4-6-0 của “Ngài râu kẽm” là lối ra cho những nền bóng đá có thể hình khiêm tốn như nền bóng đá của chúng ta và vì thế mà ông hy vọng vào tương lai của đội tuyển Việt Nam.
- Tôi không nghĩ thế. Lối chơi của Tây Ban Nha và đội hình chiến thuật 4-6-0 là không thể áp dụng. Muốn chơi được như vậy kỹ thuật phải siêu phàm, đặc biệt là kỹ thuật chuyền bóng ở mọi cự ly và khả năng chạy chỗ của hàng tiền vệ. Chỉ cần một đường chuyền sơ sẩy ở giữa sân là có thể tạo ra thảm họa ngay. Tây Ban Nha có nhiều cầu thủ đẳng cấp thế giới, đặc biệt họ sở hữu hàng tiền vệ thuộc loại mạnh nhất thế giới đủ sức để chơi trò 4-6-0 rất quái đản. Ta đừng có mơ. Nhưng xem Tây Ban Nha đá ở kỳ EURO này tôi đã thay đổi cách nghĩ về chuyện thể hình của bóng đá Việt Nam. Nếu chúng ta có một lối chơi thích hợp, theo kiểu (chứ không phải giống) như Tây Ban Nha, dù cầu thủ ta thể hình khiêm tốn ta vẫn có cửa. Lối chơi ấy tôi đã nhìn thấy ở đội tuyển Việt Nam thời Calisto: không chơi 4-4-2 như thời Riedle mà chơi với hàng tiền vệ 5 người (3-5-1) phối hợp nhỏ, chơi bóng ngắn, pressing toàn sân, di chuyển nhanh, tăng tốc ở những đoạn ngắn, dám đột phá trong vòng cấm địa. Cầu thủ ta kỹ thuật cá nhân nhất là kỹ thuật qua ngừơi khéo léo, tốc độ xuất phát và bứt tốc ở những đoạn ngắn khá ngon lành. Chơi khá thông minh và giầu cảm hứng nhưng chuyền và sút bóng chưa thật chính xác. Xem những Văn Quyết, Thành Lương vừa thích thú vừa bực mình (kỹ thuật khó thì như làm xiếc còn những cái dễ ợt thì…). Vấn đề phải nhìn ra những mặt mạnh và điểm yếu của cầu thủ mình để có phương hướng đào tạo đúng. Hàng thủ cao to vẫn có thể kiếm được, nhưng một hàng tiền vệ nhỏ con song hoàn hảo về kỹ thuật kiểu Tây Ban Nha để thực hiện lối chơi bóng ngắn tốc độ cao, giàu cảm hứng thì phải dày công đào tạo từ lứa trẻ. Tôi thiển nghĩ có lẽ đây phải là một ưu tiên hàng đầu trong việc đào tạo cầu thủ trẻ của bóng đá Việt Nam. Nếu đào tạo chủ động theo hướng này (đào tạo dư thừa những tiền vệ đủ khả năng vận hành theo lối chơi nói trên)chúng ta hoàn toàn có thể vươn lên tầm châu lục.
* Ở EURO lần này, các đội bóng lớn lọt vào vòng trong hầu hết đều sử dụng HLV nội. Có vẻ việc sử dụng HLV nội của ta là đúng hướng.
- Tây Ban Nha, Ý, Đức, Bồ Đào Nha, Anh, Pháp… đều là những quốc gia bóng đá hàng đầu, có truyền thống lâu đời, họ là đỉnh cao, cả cầu thủ lẫn HLV, nên chẳng cần phải học hỏi ai nhiều, họ nếu có chỉ là tham khảo tí chút. Việt Nam ta nhược tiểu về bóng đá. Cả cầu thủ lẫn HLV nếu có giỏi cũng chỉ ở phạm vi khu vực, và so với các nền bóng đá tiên tiến chúng ta cũng chỉ là những học trò. Nội hóa, đóng cửa dạy nhau là xuất phát từ tình thế hiện nay, giải quyết cái trước mắt và đáp ứng cho cái giấc mơ nhỏ nhoi: “vô địch vùng trũng” (mà ta đã từng vô địch và nhiều lần về nhì rồi còn gì). Muốn vươn lên tầm châu lục thì phải tầm sư học đạo ở những nền bóng đá phát triển, có triết lý bóng đá mà ta nhắm thấy phù hợp như Tây Ban Nha, Bồ Đào nha, Đức chẳng hạn. Ta đã có một ông Bồ Đào Nha “xịn” nhưng lại để ông ấy đi. Thật đáng tiếc. Lần này nếu ông Phan Thanh Hùng giúp đội tuyển ta dành chức vô địch (điều này chắc có thể được vì ta gần năm nay FIFA vẫn xếp hạng chót vót trong khu vực mà) thì nên thôi chuyện HLV nội đi. Như thế đủ rồi.
* Cái này thì dính đến chuyện LĐBĐVN rồi. Theo ông liệu sau EURO này LĐ có rút ra được điều gì không?
- Ở ta mọi chuyện đều khó đoán. Là một cổ động viên của đội tuyển tôi chỉ biết mong ước LĐ sẽ có những quyết sách đúng, đặc biệt về việc đào tạo cầu thủ trẻ. Chúng ta có vài trung tâm đào tạo cầu thủ trẻ khá chuyên nghiệp. Nhưng đó là những lò đào tạo gà nòi. Bóng đá là môn thể thao đại chúng. Nó chỉ phát triển được khi bóng đá phong trào phát triển. Nó không thể chỉ dựa vào mầy lò đào tạo, dù “xịn” như lò của Hoàng Anh Gia Lai. Trẻ con ở trường phải được đá bóng và học kỹ thuật đá bóng. Tài năng thật sự sẽ nảy nở ở đây, môi trường bóng đá tự nhiên. Đây mới là nguồn cung cấp thật sự cho tuyến 2 (đào tạo cầu thủ trẻ) của các đội bóng chuyên nghiệp. Chỉ tiếc rằng đây có vẻ là một mong ước hão huyền vì các trường học đâu có đất để làm sân bóng… Nếu không có bóng đá trường học thì mọi giấc mơ chỉ là… giấc mơ thôi.
Cà phê bóng đá