Mỗi năm có 600 hutong biến mất ở Bắc Kinh
Ông Shan Jixiang, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa Quốc gia (SACH) than phiền rằng: “Các xe ủi đất đã san bằng nhiều công trình lịch sử. Nhiều kiến trúc truyền thống đáng lẽ phải truyền lại cho thế hệ mai, sau khi đó là những ký ức có giá trị nhất của một thành phố, song chúng đã bị phá đổ một cách không thương tiếc”.
Ông Shan phản đối mạnh mẽ những quan niệm “tân trang thành phố cổ” và “tân trang những tòa nhà cổ đang gặp hiểm nguy” trong sự phát triển đô thị. Theo ông, việc phát triển như vậy thường phải “trả giá” bằng những công trình kiến trúc có niên đại “hàng trăm thậm chí hàng ngàn năm”. Nhiều thành phố nhỏ và vừa ở Trung Quốc đã mù quáng biến những thắng cảnh của mình thành những tòa nhà cao chọc trời và coi đây như những biểu tượng của công cuộc đô thị hóa và hiện đại hóa. Tuy nhiên, sự phát triển đó đã khiến nhiều cảnh quang thành phố trở nên “cứng nhắc, hời hợt và xám xịt”.
Ông Shan còn chỉ trích về tàn phá nguồn tài nguyên do nhiều tòa nhà “yểu mệnh” ở Trung Quốc gây nên. “Tuổi thọ” trung bình của một tòa nhà ở Trung Quốc là 30 năm, trong khi ở Anh là 132 năm và ở Mỹ và 74 năm. “Nhiều tòa nhà đã bị phá hủy mặc dù chúng vẫn còn sử dụng được”, ông Shan đổ lỗi cho tình trạng thiếu tầm nhìn xa của các nhà quản lý đô thị. “Và đó chính là thảm họa cho cả môi trường và các nguồn tài nguyên”.
Nhiều quan chức cũng đồng tình với quan điểm của ông Shan. Theo số liệu thống kê gần đây nhất của Bộ Nhà ở và Phát triển Thành thị - Nông thôn thì mỗi năm Trung Quốc xây dựng 2 tỷ m2 nhà mới, tiêu thụ tới 40% vật liệu xây dựng của thế giới. “Việc bảo vệ di sản văn hóa ở Trung Quốc đã bước vào thời kỳ khó khăn nhất”, ông Shan cảnh báo.
Chưa có con số thống kê chính thức nào về số lượng di sản văn hóa bị phá hủy khắp Trung Quốc, nhưng một quan chức mang họ Peng ở SACH cho biết, số lượng các di sản bất di bất dịch, như các tòa nhà và khu vườn, đã bị giảm đi đáng kể từ những năm 1980 đến nay, khi chiến dịch đô thị hóa rộng rãi được tiến hành khắp Trung Quốc. Chẳng hạn như ở Bắc Kinh, 4,43 triệu m2 sân cổ, chiếm tới 40% khu buôn bán kinh doanh cổ của thành phố, đã bị phá hủy từ năm 1990. Thậm chí, Nam La Cổ Hạng, khu đường phố thương mại từng rất thịnh vượng trong triều đại nhà Nguyên (1206-1368), cũng không thoát khỏi số phận bởi sự xói mòn đô thị.