Hoàng Thành Thăng Long: Có nên khai quật toàn bộ?
Sáng qua (11/8), tại Thành cổ Hà Nội, Đoàn đại biểu VN tham dự kỳ họp lần thứ 34 Ủy ban Di sản thế giới của UNESCO tại Brazil đã báo cáo kết quả của chuyến đi...
(TT&VH) - Sáng qua (11/8), tại Thành cổ Hà Nội, Đoàn đại biểu VN tham dự kỳ họp lần thứ 34 Ủy ban Di sản thế giới của UNESCO tại Brazil đã báo cáo kết quả của chuyến đi; đồng thời trao đổi về các kế hoạch bảo tồn phát huy khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long (HTTL)...
Cùng với việc ghi tên HTTL vào danh sách di sản thế giới (ngày 31/7); UNESCO đã đưa ra 6 kiến nghị với VN. Đó là: tăng cường mở rộng nghiên cứu khai quật khảo cổ học khu di sản, xem xét mở rộng hơn khu đệm trong khu di sản, thực hiện việc quản lý tổng thể và đảm bảo các chương trình có liên quan phải được thực hiện theo như kế hoạch đề ra... UNESCO sẽ thường xuyên kiểm tra hàng năm, nếu chúng ta vi phạm sẽ bị nhắc nhở, hoặc bị loại ra khỏi danh sách di sản thế giới!
Đôi rồng trước điện Kính Thiên vẫn chưa “phát lộ” hết.
Phát biểu tại hội nghị, nhiều nhà quản lý cũng cho rằng, sau khi được công nhận rồi, công việc của chúng ta rất nặng nề. GS Nguyễn Quang Ngọc cho rằng, trong quá trình xem xét hồ sơ HTTL, một trong những lý do mà ICOMOS - cơ quan tư vấn của Ủy ban Di sản thế giới - thậm chí đã từng đề nghị hoãn xem xét là vì chúng ta khai quật quá ít, quá nhỏ, không đủ để công nhận. “Tôi có hỏi sang bên Nara - cố đô của Nhật Bản, thì được biết là họ gần như khai quật toàn bộ khu vực đó, hàng mấy chục ha, và khai quật 50 năm nay. Trong khi đó, di chỉ của ta chưa đến 3ha. Cho nên chúng ta tiếp tục phải khai quật để tìm ra những giá trị khảo cổ học còn nằm sâu trong lòng đất mà chúng ta chưa thấy hết được. Đơn giản nhất là đôi rồng ở điện Kính Thiên, vẫn bị đất phủ lên trông như rồng... chết (do sân điện Kính Thiên bị tôn lên, phủ lấp chân rồng- PV). Rõ ràng phải xem bậc cuối cùng của điện Kính Thiên như thế nào, qua đó làm rõ được về đôi rồng và thềm rồng... Đương nhiên làm là phải làm một cách chính quy bài bản. Hơn nữa, cần nghiên cứu, tuyên truyền để người dân hiểu đúng về giá trị nổi bật toàn cầu của di sản’’- GS Nguyễn Quang Ngọc chia sẻ.
Nên tổ chức đón bằng công nhận tại sân Đoan Môn
Về Lễ đón bằng công nhận Di sản văn hóa thế giới của HTTL, theo dự kiến sẽ tổ chức vào sáng 1/10 tại Vườn hoa Lý Thái Tổ. Tuy nhiên, theo các giáo sư, nhà quản lý... thì phải tổ chức ở sân Đoan Môn mới đúng ý nghĩa, và phải làm sớm trước tháng 10.Bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết: sẽ tập hợp các ý kiến trên và trình Thủ tướng xem xét. |
Trong khi một số nhà khoa học cho rằng cần tiếp tục khảo cổ để hiểu đầy đủ giá trị, đồng thời, khuyến cáo các đơn vị đang sử dụng đất của di sản cần trả lại để quy hoạch tổng thể di sản, thì cũng có những ý kiến ngược lại. “Tuyệt đối không nên đào nữa, đào đến thế đủ rồi. Các nhà khoa học phải suy nghĩ về vấn đề này, vì có đào nữa cũng chỉ phát hiện thêm hàng vạn, hàng vạn mảnh sành, không có gì khác nữa đâu’’- Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc chia sẻ - “Chúng ta nên dừng ở đó và bàn đến việc bảo vệ như thế nào, đồng thời tập trung tôn tạo những cái nằm sâu dưới lòng đất hàng ngàn năm qua để tạo sự hài hòa, đồng thời giữ mãi được danh hiệu Di sản thế giới”. Điều đó cho thấy, để thực hiện khuyến cáo của UNESCO là “tăng cường mở rộng nghiên cứu khai quật khảo cổ học khu di sản”, các nhà khoa học và quản lý cần xác định quy mô khai quật “vừa sức mình” để vừa tiếp tục khám phá các giá trị của HTTL vừa bảo tồn được toàn vẹn di chỉ sau khai quật.
Hoa Chanh