Hoàng thành Thăng Long sẽ mở cửa vào 2/9
Khu di chỉ khảo cổ xin chào…
“Chúng tôi xin giới thiệu về khu khai quật di chỉ khảo cổ 18 Hoàng Diệu”- TS Khảo cổ học Nguyễn Tiến Đông tay cầm chiếc loa chạy pin cổ lỗ trong vai một hướng dẫn viên chuyên nghiệp. Một chuyến tham quan đặc biệt trong khu khai quật khảo cổ học Hoàng thành Thăng Long chừng một tiếng đã bắt đầu như thế cách đây 5 năm. Khi đó, muốn vào tham quan khu khai quật này, người ta phải xin rất nhiều giấy phép. Và những nhà khảo cổ học đã đào thấy, nhìn được dấu xưa xe ngựa nơi đây buộc phải làm thêm một công việc bất đắc dĩ, nó xén bớt thời gian nghiên cứu của các anh: làm hướng dẫn viên du lịch.
Chính giữa Đoan Môn là nơi các nhà khảo cổ chọn hố khai quật để lần tìm con đường ngự đạo xưa. Họ đã suy luận về một con đường đi vào bệ rồng nơi vua ngự, chúa hầu khi xưa, cũng là nơi từ đó ban ra những pháp lệnh ảnh hưởng tới sinh mệnh hàng vạn sinh linh.
Ở độ sâu 1,2m xuất lộ một đường viền đá lát chân tường Đoan Môn. Những viên đá có hình dáng, kích cỡ khác nhau nhưng đều là loại đá trắng đục mài nhẵn đẹp. Ngoài đường viền đá là một sân lát gạch vồ. Sâu 1,9m một con đường lát gạch “hoa chanh” thời Trần.
Hai bên đường dùng gạch ô vuông gần bằng nhau. Mỗi ô vuông lại được cắm hai đường chéo góc như hình cánh hoa chanh. Những chỗ trống thì dùng ngói mỏng cắm điền kín vừa tạo thành ô hoa văn rất sinh động, vừa tạo thành một mặt đường vững chắc. Những ô hình hoa chanh nối tiếp nhau thành những đường viền hoa chạy dài suốt hai bên tấm thảm.
Những giếng cổ từ thời Lý mà tới giờ vẫn có thể múc lên những gàu nước trong vắt - chính là sự khẳng định tính chất đặc biệt của khu di tích bởi trước đây, dân thường chỉ dùng nước giếng chung của cả làng hoặc nước ao, nước sông. Đây chính là những giếng nước mà người xưa gọi là mắt ngọc.
“Phát hiện về gốm ngự dụng tại Hoàng thành Thăng Long đã vén mây mù về những vật dụng này trước đây do quá ít sử liệu. Chúng còn chứng minh một điều Hoàng Thành có “lò quan” chứ không chỉ có “lò dân”- ám chỉ trình độ gốm sứ của dân tộc ta chưa cao”, TS Bùi Minh Trí, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Kinh đô Thăng Long không giấu nổi niềm tự hào của người đã mười mấy năm theo đuổi việc minh chứng cho sự ưu tú của gốm sứ Việt cổ. Giờ đây, TS Trí đang trong những ngày làm việc gần hai mươi tiếng, để hoàn thành những khâu cuối cùng chuẩn bị cho việc đón khách tham quan di sản thế giới mới được công nhận.
“Tôi nghĩ việc tham quan Hoàng Thành có nhiều khả năng sẽ trở thành một phần của tour tham quan thành phố”, TS Lưu Anh Hùng, Phó Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học nói. Bản thân bảo tàng của ông cũng là địa điểm nằm trong lịch trình du lịch Hà Nội trong một ngày mà hầu hết khách nước ngoài trải nghiệm. Theo lịch trình thông thường, ngày tham quan Hà Nội bắt đầu bằng viếng Lăng Bác, rồi qua Bảo tàng Dân tộc học, sau khi ăn trưa sẽ là Văn Miếu và phố cổ. Giờ đây, một điểm khám phá nữa đã mở ra. Ông Hùng còn cho biết ngay từ khi Hoàng Thành đang làm hồ sơ di sản khách du lịch đã tỏ ra vô cùng háo hức đến đó rồi.
Nhưng khi khách du lịch đến đó thì ngoài việc lo bảo tồn di tích còn việc làm sao để phát huy giá trị di tích của nó nữa. Bởi trong thực tế, phần lớn những khu di tích khảo cổ sau khi đạt di sản thế giới đều mang lại rất nhiều nguồn thu, mà gần nhất với chúng ta là khu tượng đất nung trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng. Và khi ấy, trùng trùng điệp điệp của 13 thế kỷ liên tục là trung tâm văn hóa chính trị dễ trở thành lượng thông tin quá lớn, khiến khách du lịch “choáng” vì khó nhớ trọn.
Về điều này, ông Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học “bỏ nhỏ”: “Với khu khảo cổ học tại 18 Hoàng Diệu thì có lẽ quan trọng nhất là việc cảm nhận. Gợi cảm hứng chính là kiểu làm du lịch đối với các di tích khảo cổ”.
“Và chỉ cần trải nghiệm mà thôi - thế là đủ để gợi cảm hứng. Và vì cảm giác trên địa bàn vẫn là quan trọng nhất nên đừng bắt họ “học” nhiều quá . Vì vậy, chỉ nên giới thiệu thông tin chính. Như thế, tốt nhất là hướng dẫn viên nên nói ít đi. Chẳng hạn với đoạn tường thành cổ ở Louvre - ít thông tin được trưng ra, mọi người có thể xem chẳng phải quá lâu, nhưng vẫn cảm nhận được sự cổ kính của nó”, ông Huy nói.
Song nói ít cũng không có nghĩa là không nói nhiều. Hướng dẫn viên vẫn phải “online” suốt quá trình tham quan của khách, trả lời thêm khi khách yêu cầu. Về điều này, kinh nghiệm của Bảo tàng Dân tộc học được ông Lưu Anh Hùng cho biết: “Hướng dẫn viên buộc phải tự soạn bài hướng dẫn, sau đó thông qua một hội đồng chuyên môn. Ngoài ra việc sát hạch cũng được ban giám đốc trực tiếp thực hiện thông qua phỏng vấn”.
Di tích Hoàng thành Thăng Long được phát lộ từ tháng 12/2002, đến nay đã khai quật trên diện tích hơn 19.000 m2. Đây là quy mô khai quật khảo cổ học lớn nhất Việt Nam và vào loại lớn nhất ở Đông Nam Á. |
Hiện, khu di sản vẫn đang đóng cửa chuẩn bị cho khách tham quan vào ngày 2/9 theo yêu cầu của Thủ tướng chính phủ (thời gian mở cửa tham quan theo yêu cầu của UNESCO sau khi chính thức công nhận danh hiệu Di sản văn hóa thế giới cho Hoàng thành Thăng Long là ngày 15/9), nhưng theo nguồn tin ẩn danh đã có một khu vực được phủ kính trên hố khai quật để làm đường treo xung quanh. Ngoài ra, ông Trí cũng cho biết một hệ thống cầu mới để tham quan cũng sẽ được làm mới thay thế cho những cầu cũ hiện đã xuống cấp. Dự kiến đó sẽ là hạng mục cuối cùng hoàn thành trong núi việc chuẩn bị cho ngày mở cửa di sản thế giới mới được công nhận này.