Hãy bảo vệ di sản nhạc lễ Hà Nội

Bài viết này xin giới hạn đề cập tới âm nhạc gắn với bốn không gian chính là: nhạc lễ thành hoàng làng, trong nghi lễ Phật giáo, trong tín ngưỡng Tứ phủ và trong tang ma của người Việt tại khu vực Hà Nội (cũ).
25/12/2009 13:52
(TT&VH) - Hướng đến 1000 năm Thăng Long, đã có rất nhiều nghiên cứu, khảo sát các giá trị văn hóa phi vật thể của Hà Nội (thể hiện trong lễ hội, phong tục tập quán, các loại hình dân ca…). Tuy nhiên, ít ai biết rằng Hà Nội cũng có di sản nhạc lễ khá đồ sộ, phong phú, làm nên sự phong phú và đa dạng cho di sản âm nhạc dân gian Việt Nam. Nhạc lễ ở đây được hiểu là những thể loại, hình thức âm nhạc gắn với nghi lễ tôn giáo và tín ngưỡng. Bài viết này xin giới hạn đề cập tới âm nhạc gắn với bốn không gian chính là: nhạc lễ thành hoàng làng, trong nghi lễ Phật giáo, trong tín ngưỡng Tứ phủ và trong tang ma của người Việt tại khu vực Hà Nội (cũ).


Âm nhạc đám ma

Âm nhạc trong các lễ tế thành hoàng

Trước hết, âm nhạc trong tế lễ thành hoàng được xác định trên hai thành phần chính là cặp trống - chiêng và dàn nhạc bát âm. ở một số đình làng còn mở rộng thêm vài hình thức tổ chức nữa như đội múa trống bồng, đội múa sinh tiền và đội trống bản. Những hình thức tổ chức này chúng ta có thể gặp phổ biến trong nghi thức tế rước thành hoàng làng ở các nơi như: Quan Nhân, Chính Kinh, Cự Lộc, Giáp Nhất và Phùng Khoang ở quận Thanh Xuân; Mễ Trì Hạ, Đình Thôn ở xã Mễ Trì và đình làng Liêm Mạc, lễ hội đình Chèm ở huyện Từ Liêm. Đây cũng là một trong những nét độc đáo thể hiện tính dân gian mang đặc trưng riêng ở mỗi làng, phường.

Đặc điểm trống trong các đình làng Hà Nội chủ yếu là loại trống lớn, chiều cao trung bình từ 80 - 120cm, đường kính khoảng từ 50 - 60cm; chiêng thông thường có đường kính cũng dao động từ 60 - 75cm. Trống và chiêng có chức năng báo thời, báo hiệu nhân dân vào đám, lên đình. Trong khi tế lễ, trống là hiệu lệnh giúp cho các quan viên và người chấp lễ thực hiện nghi thức dâng lễ vật. Những người chấp lễ chỉ thực hiện sau khi người Đông xướng và Tây xướng hô cùng với tiếng trống điểm. Do đó, các bước đi đều được quy định bởi tiếng trống. Trống lúc này như một thứ ngôn ngữ đặc biệt đối với người hành lễ và thần linh.

Về phường bát âm gồm có: một trống bộc, một cảnh, hai sáo, một nhị, một tam, một hồ, một nguyệt và một sinh tiền. Riêng nhạc cụ sinh tiền đã có nhiều nơi tách ra thành một đội nhạc riêng để vừa diễn tấu phối hợp với múa trong khi rước thành hoàng làng (như trường hợp một số làng đã nêu ở trên). Đó là dàn nhạc bát âm ngày nay. Tuy nhiên, nếu hiểu và thực hiện đúng quy định của các cụ xưa kia thì phường bát âm gồm tám nhạc cụ tương ứng với 8 chất liệu là: thổ, trúc, kim, mộc, cách, bào, thạch, ty (phân theo Trung Quốc) và: tiếng sấm sét, tiếng gió, tiếng gào thét, tiếng nước chảy - thác đổ, tiếng ngựa phi, tiếng đá lăn - đất lở, tiếng búa chặt cây rừng, tiếng ong, tiếng chim (phân theo Việt Nam). Như thế, sẽ có tám nhạc cụ gồm: nhị, sáo, nguyệt, mõ, trống nhỏ, chuông rung, sáo đất, đàn đá.

Đội trống bản thông thường được sử dụng bốn chiếc, có đường kính khoảng 35-40cm, chiều cao 18cm; khi diễn tấu được treo ở trước ngực. Trong nhiều trường hợp đội trống bản có chức năng tạo và giữ nhịp cho phường bát âm và đội múa sinh tiền cũng như những tổ chức âm nhạc trong đó theo suốt quá trình của buổi tế rước lễ.

Như vậy, cơ cấu tổ chức dàn nhạc chính phục vụ nghi thức tế lễ thành hoàng làng được biên chế gồm một trống lớn, một chiêng, một phường bát âm, một đội trống bản, một tổ múa sinh tiền. Ngoài ra tùy địa phương, có thể bổ sung biên chế một số nhạc cụ khác, nhưng về nguyên tắc không đưa những nhạc cụ “lạ”.


Di sản nhạc lễ Phật giáo

13 bài “canh” trong âm nhạc Phật giáo Hà Nội

Nếu như âm nhạc trong tế lễ thành hoàng chủ yếu là nhạc đàn, thì âm nhạc trong nghi lễ Phật giáo được nổi bật bởi nhạc hát (thanh nhạc) và được sử dụng trong hầu hết các nghi lễ, từ lễ Phật đản, lễ Vu Lan, lễ Hô thần nhập tượng... đặc biệt hấp dẫn và độc đáo trong nghi lễ Cầu siêu.

Tại khu vực Hà Nội hiện nay, bên cạnh các hình thức tụng kinh, đọc kệ, than cô hồn (trong các đàn lễ cầu siêu), người ta đặc biệt chú ý tới các hình thức tán canh. Đây có thể coi là một trong những di sản và là một trong những đặc sản trong âm nhạc Phật giáo đồng bằng sông Hồng nói chung, khu vực Hà Nội nói riêng. Nếu như hát Văn được coi như âm nhạc đặc trưng trong tín ngưỡng Tứ phủ thì tán canh chính là một đặc trưng trong nghi lễ Phật giáo ở đây. Qua điền dã, nghiên cứu nhạc lễ Phật giáo tại khu vực Hà Nội, chúng tôi được biết, hiện nay tại khu vực này còn bảo tồn được số lượng 13 bài bản canh khá phong phú và độc đáo, gồm các canh: lô hương, xạ nhiệt, chí tâm, phú, hoàng kim, thổng, hãm, giới đinh, dương chi, tả thủ, canh ai, đông ba, bảo đỉnh (đàn thượng). Đặc biệt, theo như các sư tăng và thầy cúng, chúng tôi còn được biết tại khu vực Hà Nội trước đây còn tồn tại ba “lò” canh chính. Đó là lò canh chùa Bộc, lò canh Quảng Bá - Tây Hồ và lò canh chùa Thanh Nhàn.

Biên chế dàn nhạc trong nghi lễ Phật giáo thông thường bao gồm: nhạc cụ thân vang có chuông, mõ, tiu cảnh, thanh la, não bạt; nhạc cụ màng rung có trống cái (trống lớn), trống bản và trống dẫn; nhạc cụ hơi có kèn tiểu, kèn la, nhạc cụ dây có đàn nguyệt và nhị. Tuy nhiên, hai nhóm nhạc cụ sau chỉ mới xuất hiện trong thời gian gần đây, dàn nhạc truyền thống sử dụng trong nghi lễ Phật giáo trước đây ở Hà Nội không có. Vấn đề này tác giả sẽ trình bày thêm ở phần 2: Thực trạng nhạc lễ Hà Nội. Dàn nhạc trên chủ yếu sử dụng bốn nhịp trống chính là trống pháp lôi, trống hiến thượng đường, trống dẫn lục cúng và trống sai.

Âm nhạc trong đám ma cũng là một di sản

Âm nhạc trong tang ma được coi là một bộ phận không thể thiếu trong đời sống văn hóa tâm linh của người Việt nói chung, người dân Hà Nội nói riêng.

Theo các nhà nghiên cứu, âm nhạc trong lễ tang ở khu vực Hà Nội trước đây, ngoài giai điệu của những bài khóc, chỉ có hai nhạc cụ chính là trống và kèn. Ngày nay thì chúng đã có những biến tướng khác đi nhiều. Dàn nhạc trong đám tang phần lớn lấy cả phường bát âm trong nghi thức lễ tế hội vào sử dụng.

Theo truyền thống, trống sử dụng trong đám tang gồm có hai chiếc: một trống cái và một trống con (trống bản). Kèn chủ yếu sử dụng hai loại là kèn póp, còn gọi là kèn già nam hay gọi thẳng là kèn đám ma và kèn pha (âm khu hơi trầm). Bài bản âm nhạc chính thống được sử dụng trong tang lễ gồm có các điệu lâm khốc, bản hãm, bản kéo và kèn lễ.

Nguy cơ mai một

Hiện nay tại khu vực Hà Nội nói riêng, khu vực đồng bằng sông Hồng nói chung, các hình thức âm nhạc được sử dụng trong nghi lễ tôn giáo và tín ngưỡng đã và đang có xu hướng biến tướng, lai căng và sử dụng vô tổ chức.

Nếu như trước đây, âm nhạc trong nghi lễ Phật giáo tại khu vực này thường có tổ chức rất khuôn phép và chặt chẽ thì ngày nay nhiều trong số đó đã bị phá vỡ. Nguyên nhân của thực trạng này bắt đầu từ sự giao lưu mở rộng vùng hoạt động của các sư tăng và thầy cúng trong các nghi lễ ở Hà Nội và một số địa phương khác. Tính đặc trưng vùng miền bị chà trộn. Ngay trong âm điệu khi tụng kinh, một số sư tăng khu vực Hà Nội cũng đã bị ảnh hưởng âm hưởng âm cũng như phong cách các sư tăng khu vực miềm Nam. Bên cạnh đó, trong nhiều ngôi chùa lớn của Hà Nội hiện nay sử dụng nhiều đĩa nhạc tụng kinh do các sư Đài Loan và Trung Quốc thực hiện và sản xuất .

Âm nhạc Phật giáo của Hà Nội còn bị ảnh hưởng một số hình thức âm nhạc tín ngưỡng và tôn giáo khác. Thí dụ, trong nghi lễ Phật giáo ở một nơi như quận Long Biên, huyện Gia Lâm, các sư tăng thầy cúng còn sử dụng cả đàn nguyệt và hát Văn khi thực hiện phần hát lễ. Về tổ chức dàn nhạc, người ta còn bổ sung thêm cả trống cơm và kèn - những nhạc cụ mà trong truyền thống âm nhạc Phật giáo Hà Nội nói riêng trước đây không sử dụng. Trong hầu hết các không gian lễ khác như Tứ phủ, tế lễ thành hoàng và tang ma cũng bị trường hợp tương tự như vậy.

Hiện nay, nhiều đám tang ở Hà Nội đã xuất hiện những phường kèn ở những địa phương khác tới. Trong đó, chúng tôi còn thấy xuất hiện cả những nhạc cụ được coi là vật kiêng trong nhạc tang lễ, như đàn ghi ta phím lõm sử dụng trong nhạc tài tử và nhiều nhạc cụ “lạ”khác. Không những thế, bài bản sử dụng trong tang lễ cũng đã biến tướng và lai căng rất nhiều. Người ta sử dụng cả một số điệu hát trong chèo, biến hoá nhiều làn điệu trong nhạc tài tử để đưa vào khi thực hiện nghi lễ. Hiện tượng này phải chăng đang là một xu hướng “cải cách”, “đổi mới” trong đời sống sinh hoạt văn hóa âm nhạc tôn giáo và tín ngưỡng trên địa bàn Hà Nội ? Chúng tôi còn chưa đề cập đến một tình trạng trong cách ăn mặc lễ phục khi hành lễ.

Đó là một vài thí dụ trong rất nhiều trường hợp mà chúng tôi phát hiện trong quá trình điền dã, nghiên cứu. Thực trạng sử dụng âm nhạc không đúng chức năng trong không gian thiêng tôn giáo và tín ngưỡng khu vực Hà Nội hiện nay đang là một vấn đề cần được những người làm quản lý, nghiên cứu quan tâm lên tiếng.

Nguyễn Đình Lâm (Viện Âm nhạc)

(*) Các title phụ trong bài do TT&VH đặt

Tin cùng chuyên mục

Ngắm báu vật hoàng cung độc bản tại Cố đô Huế

Ngắm báu vật hoàng cung độc bản tại Cố đô Huế

Sáng 23/04/2016, Trung tâm bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức khai mạc triễn lãm “Báu vật hoàng cung: Kim ấn và Kim sách thời Nguyễn” tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.

4 dự án lớn về Hoàng Thành Thăng Long

4 dự án lớn về Hoàng Thành Thăng Long

Trung tâm Hoàng thành Thăng Long (HTTL) được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, các nhà khảo cổ học thuộc Dự án HTTL, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS) vẫn tiếp tục bận rộn nghiên cứu, quảng bá hình ảnh khu di tích.

Hoàng Thành Thăng Long: Có nên khai quật toàn bộ?

Hoàng Thành Thăng Long: Có nên khai quật toàn bộ?

Sáng qua (11/8), tại Thành cổ Hà Nội, Đoàn đại biểu VN tham dự kỳ họp lần thứ 34 Ủy ban Di sản thế giới của UNESCO tại Brazil đã báo cáo kết quả của chuyến đi...

Mỗi năm có 600 hutong biến mất ở Bắc Kinh

Mỗi năm có 600 hutong biến mất ở Bắc Kinh

Sự phát triển ở mức chóng mặt của Trung Quốc đã mang lại những tác hại không nhỏ cho di sản văn hóa của đất nước này. Trong số đó có hutong.

Hoàng thành Thăng Long sẽ mở cửa vào 2/9

Hoàng thành Thăng Long sẽ mở cửa vào 2/9

Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội được Ủy ban Di sản thế giới của UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới đã thúc đẩy việc mở cửa trở lại di tích Hoàng thành cho du khách tham quan vào ngày 2/9 năm nay.

Israel: Phát hiện dấu tích ngôi nhà từ thời Chúa Jesus

Israel: Phát hiện dấu tích ngôi nhà từ thời Chúa Jesus

Chỉ vài ngày trước Giáng sinh năm nay, các nhà khảo cổ đã tìm thấy dấu tích của một ngôi nhà ở Nazareth (Israel) có từ thời Chúa Jesus, nghĩa là cách đây hơn 2.000 năm.

Biến đổi khí hậu đe dọa các di sản thế giới

Biến đổi khí hậu đe dọa các di sản thế giới

Hội nghị về biến đổi khí hậu do Liên hiệp quốc tổ chức đang diễn ra ở Copenhagen (Đan Mạch). Liệu tại đó có ai quan tâm tới việc các di sản quý giá của thế giới bị tác động ra sao bởi hiện tượng Trái Đất nóng lên?

Tiếng nói phản biện bảo vệ di sản chưa nhiều!

Tiếng nói phản biện bảo vệ di sản chưa nhiều!

Chiều 30/11, Hội Di sản Văn hóa VN đã tổ chức giới thiệu về Đại hội II nhiệm kỳ 2009-2014 sẽ được tổ chức vào ngày 19/12 tới tại Hà Nội.

Tin mới nhất

Đà Nẵng đón Giáng sinh – Chào năm mới 2025 với nhiều chương trình du lịch độc đáo

Đà Nẵng đón Giáng sinh – Chào năm mới 2025 với nhiều chương trình du lịch độc đáo

Chào mừng lễ Giáng sinh và năm mới 2025, các đơn vị du lịch, lưu trú, điểm công cộng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đang có nhiều hoạt động, chương trình độc đáo, hấp dẫn thu hút khách du lịch.

Du lịch Huế “cất cánh” bằng thế mạnh di sản văn hóa

Du lịch Huế “cất cánh” bằng thế mạnh di sản văn hóa

Năm 2025 là dấu mốc quan trọng đánh dấu bước ngoặt Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đem đến nhiều vận hội mới cho địa phương.

Thái Nguyên lần đầu tổ chức Liên hoan ẩm thực các món ăn chế biến từ cây chè

Thái Nguyên lần đầu tổ chức Liên hoan ẩm thực các món ăn chế biến từ cây chè

Ngày 16/12/2024, tại thành phố Thái Nguyên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh tổ chức Liên hoan Ẩm thực mang chủ đề “Trải nghiệm xứ trà, đậm đà bản sắc”.

Ninh Thuận tăng cường bảo vệ và phát huy giá trị đồi cát Nam Cương

Ninh Thuận tăng cường bảo vệ và phát huy giá trị đồi cát Nam Cương

Đồi cát Nam Cương (xã An Hải, huyện Ninh Phước) nằm cách trung tâm thành phố Phan Rang – Tháp Chàm khoảng 7 km về hướng Đông Nam được ví như "tiểu sa mạc Sahara" với cảnh quan và địa hình độc đáo.

Quảng Bình phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng

Quảng Bình phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng

Tỉnh Quảng Bình có nhiều danh lam thắng cảnh kỳ thú, hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.

Phở và nem “chinh phục” thực khách Italy

Phở và nem “chinh phục” thực khách Italy

Ngày 12/12/2024, Đại sứ quán Việt Nam tại Italy đã phối hợp với Vietnam Airline tổ chức sự kiện “Phở và Nem: Đường đến với ẩm thực Việt Nam - Bay thẳng Việt Nam - Italy từ tháng 7/2025” nhằm quảng bá văn hóa ẩm thực và thúc đẩy du lịch Việt Nam.

Độc đáo khu phố bao cấp của Hà Nội được tái hiện trong "Đêm Trúc Bạch"

Độc đáo khu phố bao cấp của Hà Nội được tái hiện trong "Đêm Trúc Bạch"

Lần đầu tiên tại Hà Nội, một không gian với bối cảnh là một khu phố cổ Hà Nội với các toa tàu điện, các cửa hàng bách hóa… gợi nhớ cho người dân Thủ đô và du khách về ký ức của "thời bao cấp", một trong những thời kỳ đặc biệt của đất nước.

Đêm Trúc Bạch: Điểm đến của một Hà Nội quyến rũ, sâu lắng và đậm chất thơ

Đêm Trúc Bạch: Điểm đến của một Hà Nội quyến rũ, sâu lắng và đậm chất thơ

Đêm Hà Nội với sự lung linh của ánh đèn và hơi thở lịch sử qua từng góc phố, là một mô hình độc đáo, giúp du khách khám phá một Hà Nội rất khác - một Hà Nội quyến rũ, đậm chất thơ và sâu lắng.

Bí ẩn những địa điểm được cho là cánh cổng dẫn tới thế giới khác đến nay vẫn chưa có lời giải

Bí ẩn những địa điểm được cho là cánh cổng dẫn tới thế giới khác đến nay vẫn chưa có lời giải

Những nơi này đều có nhiều truyền thuyết bí ẩn xoay quanh và được cho là có thể dẫn lối cho người trần sang thế giới bên kia.

TP.HCM được Giải thưởng Du lịch thế giới chọn làm nơi trao giải

TP.HCM được Giải thưởng Du lịch thế giới chọn làm nơi trao giải

World Travel Awards chọn TP.HCM là địa điểm tổ chức Lễ trao giải thưởng khu vực châu Á và châu Đại Dương năm 2022.