EURO trên từng cây số: Ở nhà Ludwig van Beethoven
Tôi biết đến ông lần đầu tiên khi chưa đầy 10 tuổi, khi nghe trích đoạn bản sonata số 8 cung Đô thứ cho piano có tựa đề "Pathetique" được phát trên sóng của Đài tiếng nói Việt Nam lúc ban trưa. Bản sonata ấy có những đoạn dữ dội và mạnh mẽ, lại có những lúc buồn sâu lắng và trăn trở vô cùng. Từ ngày đó, tôi bắt đầu nghe Ludwig van Beethoven (1770-1827).
Tôi không yêu ông theo kiểu đã yêu cái chất vui tươi, sống động như những tiếng cười thơ trẻ trong nhạc của Wolfgang Amadeus Mozart; không yêu ông theo kiểu chìm đắm trong những nỗi buồn và cô đơn như đã yêu nhạc của Frederich Chopin, nhưng tôi ngưỡng mộ ông ở chiều sâu đầy suy tưởng và tầm vóc vĩ đại của ông trong lịch sử âm nhạc. Từ nhỏ, tôi đã ước ao một ngày nào đó làm cuộc hành hương về nơi mà Beethoven đã ra đời, để được đắm mình trong không khí ở đó, trong những giai điệu của ông đã viết lên hơn hai thế kỉ trước. Và 40 năm sau ngày lần đầu nghe "Pathetique", hơn 10 năm sau khi ghé thăm ông trong nghĩa trang trung tâm ở Vienna, tôi đã toại nguyện.
Trong ánh nắng rực rỡ của Bonn
Hình như tâm trạng của con người ta hay bị ảnh hưởng bởi thời tiết. Buổi chiều một ngày tháng Bảy khi tôi đến Bonn, trời trong xanh và nắng đẹp rực rỡ để xua đi cái lạnh và những cơn mưa trái mùa đã phủ một màu u ám lên miền Tây Nam nước Đức trong mấy ngày trước đó. Nắng và gió miên man đã theo chân tôi từ khi xuống tàu, nhìn thấy ngay ở phía trên cánh cửa ga để vào thành phố là dòng chữ "Chào mừng đến với Bonn, thành phố Liên Hợp Quốc của Đức và nơi sinh của Ludwig van Beethoven", là những con phố nhỏ xinh xắn, những quán ăn trên hè phố, những căn nhà thấp nhưng cổ kính và vô cùng đáng yêu, những quảng trường nhỏ có đài phun nước, những tháp chuông nhà thờ cao vút, và rồi một quảng trường lớn hiện ra trước mắt.
Ludwig van Beethoven đứng đó, ở quảng trường Muenster lớn nhất thành phố từng là thủ đô của CHLB Đức từ 1949 đến 1990, trong hình hài của một bức tượng. Mắt ông nhìn xa xăm về một hướng, và người ta bảo rằng ông nhìn về hướng Koblenz cách Bonn hơn 1 tiếng đồng hồ chạy xe, nơi các con sông Meuse và Rhine hợp lưu, chính là quê ngoại của ông. Trong không gian rộng lớn ấy bỗng vang lên những tiếng kèn saxophone. Một nghệ sĩ đường phố đang thổi bản "My way" của Frank Sinatra. Một phụ nữ cao tuổi gạt chiếc xe đẩy của mình sang bên và nhảy theo điệu nhạc, trong một bầu không khí tràn đầy chất sống và niềm vui tươi. Những khán giả của họ, chính là các thực khách đang ăn ở các quán bên quảng trường, vui vẻ tán thưởng màn trình diễn đầy ngẫu hứng ấy. Dưới chân tượng, có những người ngồi nghe nhạc hoặc tư lự, có những đôi hôn nhau. Bầy chim câu thơ thẩn quanh đó cũng coi quảng trường là nhà.
Bức tượng được dựng lên vào năm 1845, nhân kỉ niệm 75 năm ngày sinh của ông và 18 năm sau khi nhạc sĩ vĩ đại qua đời ở Vienna sau một thời gian dài bệnh tật và sống với tình trạng không nghe được gì nữa, nhưng vẫn sáng tác. Đấy chính là năm mà một liên hoan âm nhạc có tên Beethovenfest bắt đầu được tổ chức hàng năm để tìm kiếm những tài năng âm nhạc thực sự qua việc trình diễn các tác phẩm của Beethoven. Liên hoan đã diễn ra liên tục kể từ đó, chỉ trừ giai đoạn đại dịch mới rồi và là liên hoan âm nhạc Beethoven lớn nhất thế giới. Những năm gần đây, mỗi liên hoan có tới 70 cuộc trình diễn quốc tế gồm các buổi biểu diễn của dàn nhạc và solo, tại hơn 20 điểm trong thành phố Bonn và vùng phụ cận.
Bonn, thành phố với chừng 300 nghìn dân và không nằm trong cung du lịch lớn nào, đã trở thành một trong những thành phố âm nhạc lớn nhất nước Đức cùng với Leipzig, nơi những Johannes Sebastian Bach và Felix Mendenssohn-Bartholdy từng sống và sáng tác.
Ở nhà của Beethoven
Những kí ức về ông không chỉ là bức tượng, dù rất nhiều những nơi gắn bó với gia đình ông và tuổi thơ của ông ở Bonn không còn nữa. Ở thành phố có hơn 2 nghìn năm tuổi này, căn nhà nơi ông ra đời ở số 20 Bonngasse vẫn còn nguyên vẹn dù được xây cách đây hơn 3 thế kỉ. Nó là một trong số những ngôi nhà cổ còn sót lại từ quá khứ xa xôi ấy và may mắn không bị ảnh hưởng nhiều trong những đợt ném bom của quân Đồng minh trong Thế chiến II.
Beethoven ra đời trên tầng áp mái của ngôi nhà ấy vào năm 1770, được đặt theo tên của ông nội người Hà Lan của mình, một nhạc sĩ cung đình cho tuyển đế hầu Cologne. Là con thứ 2 trong số 7 người con của Johan, cũng là một nhạc sĩ, và bà Maria Magdalena, Beethoven được học nhạc từ nhỏ, và chịu ảnh hưởng lớn từ văn hoá của thế kỉ ấy cũng như cảnh quan của Bonn, với sông Rhine chảy qua, những cánh rừng cổ ở phía Nam thành phố, nơi ông hay đi dạo. Beethoven hâm mộ Mozart và không sống lâu ở Bonn, chỉ ở cho đến tuổi thanh niên, khi ông đến Vienna, theo chân người nhạc sĩ Áo vĩ đại và ở đó cho ra đời nhiều tác phẩm để đời. Căn nhà giờ là bảo tàng với hơn 1 nghìn bản nhạc ông viết tay, trong đó có tuyệt phẩm cuối cùng, "Diabelli variations". Cùng với đó là khoảng 500 lá thư ông viết tay trong đời. Bảo tàng cũng có những nhạc cụ đã theo ông trong cả cuộc đời, từ những cây đàn violi, viola, cello và piano. Có cả một thiết bị trợ thính thô sơ thời ấy ông đã dùng khi không còn nghe được gì nữa.
Ở Bonn, Beethoven có mặt ở khắp nơi, trong con phố nơi ông sinh ra, trong những con phố có viết đến tên ông trên menu của các quán ăn, trên các sản phẩm lưu niệm bày bán ở khắp nơi, trên cả một bức tường của đường hầm dẫn ra sông Rhine. Một hoạ sĩ đường phố nào đó đã vẽ ông như một cướp biển, với một bên mắt che đi. Tôi đứng trên cây cầu bắc qua sông Rhine và nhìn về thành phố, tai nghe bản "Pathetique" của Beethoven, trích đoạn nhẹ nhàng và buồn bã, nhưng không quá bi luỵ. Gió vẫn thổi ào ào từ dưới sông, bầu trời cao xanh vời vợi và xa xa là những tháp chuông nhà thờ cao vút, với tiếng chuông lanh lảnh. Hơn hai thế kỉ trước, Beethoven đã sống ở gần đó, đã nghe những tiếng chuông đó, đi nhà thờ ở đó, và cuộc sống ở Bonn đã tác động rất nhiều đến tâm hồn ông, hun đúc lên ông thứ âm nhạc tuyệt vời ông đã đem đến cho nhân loại. Tôi yêu ông qua "Pathetique", đặc biệt thích các bản giao hưởng số 3, số 5 và số 9, thích cả khúc "Khải hoàn ca" trích ra từ bản số 9 ấy được EU lấy làm bài nhạc chính thức.
Bỗng chợt lặng đi khi nghĩ đến những con sông và những nhạc sĩ, thi sĩ. Có sự liên quan nào giữa những con sông với âm nhạc và thi ca không? Con sông Rhine đã chảy qua những thành phố đẹp đẽ, nơi ra đời của những Heinrich Heine hay Beethoven, con sông Salzach chảy qua Salzburg là nơi Mozart vĩ đại ra đời, và chính con sông ấy cứ chảy mãi, rồi nhập vào Danube, con sông đẹp nhất châu Âu chảy qua Vienna, nơi mà cả Mozart lẫn Beethoven và nhiều nhạc sĩ vĩ đại đều đã sống, đã sáng tác trong những năm đẹp nhất đời họ và cũng qua đời ở đây. Châu Âu tuyệt đẹp như thế với những dòng sông thơ mộng, chảy qua những thành phố đẹp đẽ và lãng mạn, nơi những nhạc sĩ vĩ đại đã đem đến cho cuộc đời biết bao giai điệu đắm say…
Anh Ngọc (từ Bonn, Đức)